Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP

Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025 (viết tắt là Chương trình OCOP), đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 199 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Quất cảnh trồng trong chum, chậu, lọ của xã Thắng Lợi (Văn Giang) được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2022

Để thực hiện đạt mục tiêu của Chương trình OCOP, từ năm 2018 đến nay, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ 5,5 tỷ đồng; ngoài ra, bằng các nguồn vốn lồng ghép của các sở, ngành, địa phương từ các chương trình, dự án... đã hỗ trợ trên 2 nghìn tỷ đồng cho các chủ thể sản xuất để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư máy, thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm.

Hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP được các ngành, địa phương, chủ thể sản xuất tích cực thực hiện. Từ năm 2018 đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ với trên 50 chương trình hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ... qua đó đã nâng cao thương hiệu sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Một số sản phẩm OCOP đã được xuất khẩu như: Nhãn lồng Hưng Yên sang thị trường Mỹ; bột nghệ của Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên (Khoái Châu) sang các nước Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản... Tổng kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP đạt 350 triệu đồng; kinh phí lồng ghép của các chương trình, dự án đạt hơn 1.360 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình OCOP, đến hết năm 2022, huyện Khoái Châu huy động trên 100 tỷ đồng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Tổ chức và phối hợp tổ chức 6 lớp đào tạo, tập huấn về chương trình OCOP, thông tin thị trường, xúc tiến thương mại cho các chủ thể, xác định đưa vào kế hoạch để xây dựng 16 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm được quan tâm, đến nay, huyện có 4 nhãn hiệu được đăng ký bảo hộ gồm: Nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo, nhãn hiệu chứng nhận chuối tiêu hồng Khoái Châu, nhãn hiệu chứng nhận nghệ Chí Tân, nhãn hiệu tập thể mộc Đại Tập. Để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, huyện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đối với sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu có tiềm năng phát triển trở thành sản phẩm OCOP của huyện tại các hội chợ, hội thảo trong và ngoài tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, gặp gỡ, tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường. 

Nhằm hỗ trợ các chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, năm 2022, Sở Công Thương hỗ trợ xây dựng 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện: Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ. Đây là hoạt động nhằm tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP đã được chứng nhận của tỉnh đến với khách hàng, người tiêu dùng, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá chất lượng và thương hiệu, kích cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới mục tiêu xuất khẩu.

Cùng với các đơn vị, địa phương có nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm OCOP, năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp tổ chức 10 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức thực hiện Chương trình OCOP; phối hợp, tổ chức và hướng dẫn các chủ thể tham gia 12 hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số, kỹ năng quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trực tuyến qua các trang mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của sở phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Văn Giang, Kim Động hỗ trợ 6 mô hình phát triển sản phẩm OCOP. Các mô hình triển khai thực hiện đã góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, đồng thời là mô hình điểm để phổ biến nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, cấp có thẩm quyền và ngành chức năng, các địa phương cần hỗ trợ xây dựng trung tâm OCOP cấp tỉnh và hệ thống điểm bán sản phẩm có liên kết với sản xuất đạt chuẩn; liên kết các điểm bán sản phẩm tạo thành chuỗi cửa hàng OCOP trong tỉnh; hỗ trợ kết nối các tour, tuyến du lịch đến với điểm giới thiệu sản phẩm. Đẩy mạnh hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm có liên kết với sản xuất, gắn với thực hiện Chương trình OCOP. Tiếp tục hướng dẫn các đơn vị xây dựng hệ thống các điểm bán hàng, chú trọng tại những vị trí tập trung dân cư, điểm dừng nghỉ, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Tổ chức các hội chợ triển lãm thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm tiêu biểu, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững…

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068