Hưng Yên phát triển kinh tế nông nghiệp vùng đất bãi

Hưng Yên phát triển kinh tế nông nghiệp vùng đất bãi

Thực hiện Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030đến nay, kinh tế - xã hội vùng bãi có nhiều khởi sắc.

Đường giao thông nông thôn xã Thắng Lợi (Văn Giang) được đầu tư tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng bãi

Đường giao thông nông thôn xã Thắng Lợi (Văn Giang) được đầu tư tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế vùng bãi

Đề án phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng bãi tỉnh Hưng Yên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Đề án vùng bãi) phấn đấu thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn vùng bãi đạt 70 triệu đồng/năm vào năm 2025; thu nhập trên 1 héc-ta canh tác đạt 250 - 300 triệu đồng; tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 75% (trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có cấp bằng, chứng chỉ đạt trên 40%); tỉ lệ số hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỉ lệ xử lý chất thải ở đô thị đạt 95%, ở nông thôn đạt 90%; 100% chất thải nguy hại được xử lý an toàn theo quy định. Phấn đấu xây dựng vùng sản xuất chuyên canh hoa, cây cảnh của huyện Văn Giang, huyện Khoái Châu trở thành trung tâm sản xuất hoa, cây cảnh của miền Bắc. 100% các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề có phương án bảo vệ môi trường, từng bước xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề nông thôn và làng nghề; thành lập mới khoảng 20-40 doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, hoa, cây cảnh... Xây dựng các vùng sản xuất tập trung, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh mạnh trên thị trường. Tập trung cao độ để phát triển nhanh, vững chắc tiểu thủ công nghiệp, làng nghề làm động lực cho phát triển nông nghiệp và các ngành dịch vụ, du lịch phát triển…

Với sự chủ động, tích cực triển khai của các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân, đến hết tháng 6/2023, kinh tế - xã hội vùng đất bãi đạt được kết quả cao. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm, giá trị thu nhập một héc-ta canh tác đạt 254 triệu đồng/năm, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,3%. Tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, số hộ dân nông thôn có điều kiện sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN02 chiếm 93%. Duy trì tỉ lệ số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%, có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Có 15 làng nghề vùng bãi được công nhận, 46 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sinh thái, hữu cơ, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh, các địa phương và nông dân đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp đô thị; trọng tâm là phát triển sản xuất hoa, cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tổ chức tiêu thụ. Đồng thời, có nhiều giải pháp khuyến khích tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như sản xuất trong nhà lưới, nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt tự động, công nghệ nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng đất bãi, đến tháng 6/2023, các địa phương đã phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh tập trung lên trên 550 héc-ta; ổn định diện tích trồng nhãn, cam, chuối; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, gia cầm, ổn định đàn lợn; có 50 - 60% số hộ chăn nuôi an toàn theo hướng Vietgahp; tỉ trọng chăn nuôi tập trung đạt 65 -70%. Nhằm hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình trồng nhãn hữu cơ tại Hợp tác xã (HTX) nhãn lồng Nễ Châu, mô hình trồng nho hạ đen của HTX nông nghiệp xanh Hồng Nam, (thành phố Hưng Yên). Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong sản xuất được phát triển mạnh. Tiêu biểu như mô hình chuyển đổi từ trồng chuối sang trồng hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao tại xã Ngọc Thanh (Kim Động) với quy mô 5 héc-ta được sản xuất trong nhà lưới có trang bị hệ thống tưới tự động. Triển khai thực hiện 1 mô hình chăn nuôi bò thịt tập trung với quy mô hơn 200 con bò theo hướng VietGAHP, xây dựng 1 lò giết mổ bò bảo đảm vệ sinh môi trường, 2 mô hình trồng dưa trong nhà lưới áp dụng công nghệ cao đo nhiệt độ, ẩm độ không khí tự động, tưới nhỏ giọt với diện tích trên 10.000m2... Từ năm 2021 đến tháng 6/2023, nguồn kinh phí thực hiện Đề án phát triển vùng bãi đã triển khai xây dựng cải tạo, nâng cấp 85km đường giao thông nông thôn. Các tuyến đường góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cho các xã, phục vụ tốt lưu thông hàng hóa và đi lại của Nhân dân.

Nông dân huyện Kim Động khai thác lợi thế mặt nước sông Hồng nuôi cá lồng cho hiệu quả cao

Nông dân huyện Kim Động khai thác lợi thế mặt nước sông Hồng nuôi cá lồng cho hiệu quả cao

Để tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp vùng đất bãi, từ nay đến năm 2030, các địa phương vùng bãi ưu tiên đầu tư các dự án gồm: Dự án trồng rau sạch ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Kim Động, Khoái Châu và thành phố Hưng Yên. Dự án trồng cây có múi, nhãn, vải có quy mô 20 héc-ta/dự án tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; trồng chuối quy mô từ 50 héc-ta/dự án trở lên tại các huyện Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Dự án trồng dược liệu quy mô từ 20 héc-ta/dự án tại 2 huyện Khoái Châu, Kim Động; sản xuất cây giống tập trung với diện tích 50 héc-ta tại xã Tân Châu (Khoái Châu). Dự án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản (rau, quả, thịt, cá) bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư có quy mô từ 10 héc-ta trở lên; xây dựng khu nuôi thả thủy sản tập trung và nuôi cá lồng.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068