Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất.  

Năng suất, hiệu quả cao

Nông dân xã Hoàn Long (Yên Mỹ) thu hoạch rau màu vụ đông

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 5 nghìn ha trồng nhãn, trong đó nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP chiếm 30% tổng diện tích. Không chỉ nâng cao chất lượng, ổn định năng suất nhãn quả, sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn tỉnh ngày càng được chú trọng và mở rộng diện tích, qua đó tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn quả.

Vụ nhãn năm 2022, sản lượng nhãn sản xuất theo quy trình VietGAP của Hợp tác xã (HTX) nông sản sạch Minh Bảo, xã Bình Kiều (Khoái Châu) đạt hơn 200 tấn. Ông Phạm Đức Long, Giám đốc HTX nông sản sạch Minh Bảo cho biết: Để phát huy hiệu quả trồng nhãn, HTX tích cực vận động thành viên chuyển đổi sang trồng các giống nhãn chất lượng, đặc sản; 100% diện tích nhãn của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhãn quả VietGAP có mẫu mã đẹp, quả đều, chi phí sản xuất giảm 10% so với sản xuất truyền thống, năng suất cao hơn từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhãn quả VietGAP được thương lái tới tận vườn thu mua, giá bán cao hơn khoảng 20% so với thị trường do đáp ứng được mẫu mã và chất lượng.

 Đến nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Yên Phú (Yên Mỹ) có 30ha trồng các loại rau, củ, quả theo quy trình VietGAP. Sau khi đã bảo đảm chất lượng nông sản để tự khẳng định mình, HTX chủ động tiếp cận, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số siêu thị, cửa hàng rau sạch và bếp ăn tập thể của một số công ty trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, HTX đang liên kết với 3 siêu thị gồm: Vinmart, Copmart, Aeon và một số bếp ăn của doanh nghiệp. Hằng ngày, HTX cung cấp thực phẩm tươi, an toàn theo đơn đặt hàng của từng đơn vị với khối lượng trung bình 300 – 300kg nông sản/ngày. Sản phẩm khi được chuyển đến các công ty, cửa hàng và siêu thị đều được niêm yết giá, giấy chứng nhận rau an toàn, dán nhãn địa chỉ rõ ràng để người tiêu dùng nhận biết và yên tâm sử dụng. Hiện nay, HTX đã ký kết với 10 cửa hàng rau an toàn và 10 bếp ăn tập thể của các công ty trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Cung cấp cho  Công ty TNHH may Minh Anh (Yên Mỹ) với sản lượng 120 - 150kg/ngày, cửa hàng rau sạch Hưng Yên 70 - 100kg/ngày...

Tăng cường áp dụng trên 3 nhóm sản phẩm
Với những ý nghĩa, mục đích, hiệu quả của sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, giai đoạn 2015 - 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ 175 mô hình thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên 3 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh gồm nhóm thực vật (cây ăn quả, rau màu), nhóm động vật, nhóm thủy sản với diện tích hơn 2,3 nghìn ha. Sản lượng sản phẩm an toàn cung cấp ra thị trường đối với nhóm thực vật đạt hơn 48,4 nghìn tấn rau, quả; nhóm động vật cung cấp được hơn 11,6 nghìn tấn thịt, trứng; nhóm thủy sản cung cấp hơn 1 nghìn tấn cá các loại cho thị trường trong và ngoài tỉnh. 

 

Mô hình chăn nuôi gà lấy trứng theo tiêu chuẩn VietGAHP của anh Nguyễn Hữu Tuệ, xã Chính Nghĩa (Kim Động)


Cùng với chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương mở rộng diện tích sản xuất rau xanh, chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; nhằm mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngày 13/10/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2385/QĐ-UBND về việc tiếp tục phê duyệt Kế hoạch tổ chức chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn quả tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025. Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu tổ chức cấp chứng nhận cho các loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh tại 243 vùng trồng tập trung với tổng diện tích 2.800ha, trong đó diện tích chứng nhận cho cây nhãn 1.000ha, cây có múi (cam, bưởi) 550ha, cây vải 250ha, cây chuối 600ha và cây ăn quả khác (ổi, táo, đu đủ...) 400ha.

Thực hiện kế hoạch trên, năm 2022, ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 94 mô hình sản xuất nông nghiệp với diện tích hơn 630,6ha. Trong đó, cấp mới cho 61 mô hình, gồm 33 mô hình trồng trọt với diện tích hơn 208,6ha và 28 mô hình chăn nuôi với diện tích 9,3ha; cấp lại cho 33 mô hình, gồm 29 mô hình trồng trọt với diện tích 395,6ha, 3 mô hình chăn nuôi với diện tích hơn 2,1ha, 1 mô hình thủy sản với diện tích 14,8ha. Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 3.315ha, trong đó, trồng trọt 3.068ha, chăn nuôi 171,1ha, thủy sản 76,4ha.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn, xác định các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để đề nghị đơn vị có thẩm quyền tổ chức cấp chứng nhận VietGAP. Cùng với đó, sở chủ động tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng được cấp chứng nhận VietGAP. Trên cơ sở ngân sách cấp hàng năm, sở tổ chức ký kết hợp đồng với tổ chức chứng nhận được chỉ định để thực hiện các hoạt động cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức tập huấn cho nông dân tại các vùng sản xuất đã được lựa chọn; kiểm tra, đánh giá cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn; thường xuyên giám sát chất lượng sản phẩm nông sản theo quy định. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm bảo đảm giá trị và hiệu quả sản xuất.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068