Cùng với tăng số lượng hợp tác xã (HTX) thành lập mới, những năm qua, tỉnh luôn chú trọng tuyên truyền, vận động HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có 390 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, số HTX ứng dụng CNC trong sản xuất có 58 HTX. Thực tế cho thấy, tại các HTX ứng dụng CNC không chỉ hiệu quả sản xuất tăng lên 25 – 30% mà nhân công lao động cũng giảm 30 – 50%. Tuy nhiên, số HTX ứng dụng CNC hiện nay mới chỉ chiếm gần 15% tổng số HTX nông nghiệp đang hoạt động.
Máy sấy của HTX thuỷ sản Quang Hưng (Phù Cừ) được đặt tại nhà 1 thành viên của HTX
Năm 2019, HTX Hoa anh đào, xã Đại Hưng (Khoái Châu) được tỉnh hỗ trợ kho lạnh sản xuất, song do thiếu quỹ đất sản xuất tập trung, sản xuất manh mún khó cho việc đầu tư, chăm sóc, áp dụng CNC nên hiện nay HTX chủ yếu nhập hoa về bán. Ông Đào Văn Quyên, Giám đốc HTX cho biết: HTX định hướng ứng dụng CNC trong trồng hoa. Trong quá trình thực hiện, do diện tích sản xuất của HTX nằm xen kẹt với diện tích sản xuất của người dân nên việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm nước tưới, tiêu gặp khó khăn… HTX đã tuyên truyền, vận động người dân liên kết sản xuất, chuyển đổi sang trồng hoa để hình thành vùng sản xuất tập trung nhưng không được người dân ủng hộ. Sau nhiều vụ trồng hoa chất lượng kém, hiệu quả kinh tế giảm, đến nay hơn 20 mẫu đất sản xuất của HTX bỏ không.
Không chỉ khó khăn về vốn, diện tích sản xuất tập trung, việc ứng dụng CNC đòi hỏi các HTX phải thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực; có cơ sở vật chất, hạ tầng bảo đảm đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, cơ sở vật chất, khả năng tài chính hạn hẹp. Toàn tỉnh mới chỉ có 32/390 HTX có trụ sở làm việc riêng với diện tích 100-400m2/HTX (chiếm 8,2%), 136/390 HTX (chiếm 34,8%) được UBND xã bố trí phòng làm việc tạm tại trụ sở UBND xã, còn lại 222/390 HTX (chiếm 57%) chưa có nơi làm việc riêng, hầu hết các HTX thành lập mới sử dụng đất, nhà riêng của giám đốc HTX làm trụ sở. Tổng số cán bộ của HTX trên địa bàn tỉnh có 1.960 người, hầu hết cán bộ quản lý HTX là người lớn tuổi, quản lý, điều hành chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, số cán bộ quản lý có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ khoảng 25%... Từ thực tế này, khiến các HTX gặp khó để phát triển, ứng dụng CNC trong sản xuất.
Ông Tống Xuân Vũ, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, xã Quang Hưng (Phù Cừ) chia sẻ: Do không có trụ sở làm việc riêng nên khi được tỉnh hỗ trợ máy, thiết bị sản xuất, HTX đã tạm sử dụng công trình phụ trợ của một thành viên trong HTX để làm trụ sở làm việc và đặt các tủ sấy để phục vụ sản xuất. Sau một thời gian, do nhu cầu mở rộng sản xuất, HTX cần diện tích sử dụng lớn hơn để chứa máy móc, hàng hóa nhưng do không có diện tích phù hợp nên hiện nay HTX vẫn không thể phát triển, mở rộng thêm nhiều dịch vụ.
Do gặp nhiều khó khăn, hầu hết các mô hình HTX ứng dụng CNC hiện nay chưa hoàn thiện, các HTX mới chỉ đầu tư từng phần, không đồng bộ từ đầu tư con giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Đồng chí Lê Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh cho biết: Để từng bước gỡ khó trong phát triển HTX nông nghiệp CNC, hằng năm, chi cục tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên HTX về hiệu quả của ứng dụng CNC. Đồng thời, lựa chọn một số HTX có khả năng, tiềm lực để tư vấn, hỗ trợ máy, hạ tầng sản xuất giúp các HTX phát triển theo hướng ứng dụng CNC; thường xuyên kiểm tra, trao đổi với HTX kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc để có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu thành lập mới 7 HTX nông nghiệp ứng dụng CNC.
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068