Đến nay, huyện Tiên Lữ có hơn 950 héc-ta cây ăn quả trồng tập trung ở các xã: Nhật Tân, Hưng Đạo, Thủ Sỹ... mỗi năm cho thu hoạch hàng nghìn tấn quả. Trong đó có trên 150 héc-ta diện tích cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Hộ gia đình trồng cây ăn quả được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)
Thời gian qua, huyện tích cực tuyên truyền, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, kiểm tra, lựa chọn các vùng trồng cây ăn quả đủ điều kiện để tổ chức chứng nhận VietGAP. Đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác thành lập mới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất. Tăng cường phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức tập huấn, xúc tiến thương mại để tiêu thụ sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP bảo đảm giá trị, hiệu quả sản xuất… Bên cạnh đó, ý thức được vai trò của tiến bộ khoa học - kỹ thuật đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện thường xuyên triển khai tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân về kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP… đã có nhiều kỹ thuật mới được nghiên cứu, áp dụng thành công để thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn quả như: Công nghệ chiết, ghép mắt và ghép đoạn cành nhằm tăng hệ số nhân giống và cải tạo giống trên cây ăn quả các loại; sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt; sử dụng chế phẩm nano bạc để phòng, trừ sâu bệnh trên cây nhãn; quy hoạch vùng trồng khoa học để thuận lợi chăm sóc và thu hoạch… vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP không chỉ tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người sản xuất và môi trường.
Xác định tiềm năng thổ nhưỡng phù hợp, xã Thủ Sỹ đã khuyến khích, vận động người dân cải tạo diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: Nhãn, bưởi, cam... Tổng diện tích cây ăn quả của toàn xã có hơn 102 héc-ta, trong đó, có khoảng 33,4 héc-ta cây ăn quả chủ lực được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả của xã đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực. Ông Đào Duy Nhất, Giám đốc HTX nông nghiệp sạch Duy Nhất cho biết: HTX hiện nay đang có hơn 14 héc-ta trồng cam, bưởi được áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, giúp cho cây ít sâu bệnh hơn, mẫu mã quả đẹp, to hơn và bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Doanh thu trung bình của HTX đạt trên 1 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, HTX tiếp tục áp dụng sản xuất theo quy trình VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó, góp phần tăng doanh thu, thu nhập cho các thành viên.
Ông Nguyễn Duy Quý ở xã Nhật Tân cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng nhãn chủ yếu theo kinh nghiệm. Thực hiện mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP từ năm 2018, tôi được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nhãn sạch, đồng thời, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật… nên sản phẩm làm ra được khách hàng tin tưởng đặt mua với số lượng lớn.
Diện tích trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đa dạng, an toàn, có tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người sản xuất. Ngoài ra, xây dựng các vùng sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng.
Thời gian tới, huyện Tiên Lữ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân duy trì và mở rộng vùng sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật; tiếp tục xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm, đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; thành lập và hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất tập trung được lựa chọn, gắn với xây dựng thương hiệu; tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng vùng sản xuất cây ăn quả, bảo đảm tiêu chuẩn để áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức sản xuất quy mô lớn…
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068