Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu năm 2018 cả nước có ít nhất 37% số xã (khoảng 3.302 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 5% so với năm 2017.
Bên cạnh đó, có ít nhất 48 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng khoảng 8 - 10 đơn vị so với năm 2017; Bình quân tiêu chí/xã cả nước tăng thêm tối thiểu 0,5 tiêu chí/xã so với năm 2017; Giảm số xã đạt dưới 5 tiêu chí xuống dưới 100 xã.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới; Khuyến khích tạo phong trào khởi nghiệp nông thôn, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình; Đôn đốc các địa phương xây dựng các Đề án xây dựng nông thôn mới đặc thù, các Đề án thí điểm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020...
Đồng thời, ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững.
Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012.
Ngoài ra, chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp. Nâng cao chất lượng đời sống văn hoá và giữ gìn an ninh trật tự...
Đặc biệt, nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh trật tự.
Đối với các xã đạt chuẩn cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với các xã đang phấn đấu đạt chuẩn, phải đảm bao chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.
Đối với các xã khó khăn, cần tập trung nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, ưu tiên tập trung đầu tư ở cấp thôn, bản.
Cùng đó, đa dạng hoá các nguồn vốn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý chương trình...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến tháng 10/2017, cả nước có 2.815 xã (31,54%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có khoảng 260 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Bình quân cả nước đạt 13,23 tiêu chí/xã, giảm 0,24 tiêu chí so với cuối năm 2016 (dự kiến đến hết năm 2017 đạt bình quân 14 tiêu chí/xã).
Bên cạnh đó, có 38 đơn vị cấp huyện thuộc 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 8 huyện so với cuối năm 2016).
Dự kiến đến hết năm 2017, có ít nhất 40 - 42 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền của cả nước vẫn còn khá lớn, cụ thể: Đồng bằng sông Hồng (1.088 xã), Đông Nam Bộ (257 xã), miền núi phía Bắc (281 xã), Tây Nguyên (119 xã), Đồng bằng sông Cửu Long (329 xã), Duyên hải Nam Trung Bộ (232 xã), Bắc Trung Bộ (509 xã)./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
Nguồn tin: bnews.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068