Thâm canh cây ăn quả VietGAP

Thâm canh cây ăn quả VietGAP

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi được 15 nghìn héc-ta cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả các loại cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, diện tích cây có múi có 4,3 nghìn héc-ta, diện tích trồng chuối đạt 2,7 nghìn héc-ta, diện tích nhãn có gần 5 nghìn héc-ta, diện tích trồng vải 1,3 nghìn héc-ta... Nhiều mô hình trồng cây ăn quả đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, cho hiệu quả cao như: Mô hình trồng cây ăn quả lâu năm cho thu nhập trung bình 300 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm, trong đó trồng nhãn, vải cho thu nhập 300 - 350 triệu đồng/héc-ta/năm; trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) cho thu nhập 350 - 500 triệu đồng/héc-ta/năm. Một số xã phía Bắc của huyện Phù Cừ và xã Đa Lộc (Ân Thi) chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng vải trứng Hưng Yên cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/héc-ta/năm…

Diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đã khẳng định hướng đi phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Để mở rộng diện tích, sản phẩm đạt chất lượng và đáp ứng xuất khẩu, sản xuất cây ăn quả theo quy trình VietGAP được coi là giải pháp quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP với quy mô 65 héc-ta, gồm 20 héc-ta ổi tại xã Hoàn Long (Yên Mỹ); 20 héc-ta cam tại xã Đồng Thanh và 25 héc-ta bưởi tại xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động).

Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân công kỹ thuật viên thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn hộ nông dân thực hiện đúng quy trình VietGAP; hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh cho các hộ tham gia mô hình theo định mức được phê duyệt. Trung tâm đã tiến hành thuê 2 đơn vị tư vấn chứng nhận VietGAP, cấp chứng nhận VietGAP thực hiện các thủ tục để cấp chứng nhận VietGAP cho các điểm triển khai. Đồng thời, tổ chức 6 lớp tập huấn tại các điểm triển khai về kỹ thuật sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP và các điều kiện để được chứng nhận VietGAP cho các hộ tham gia mô hình; hướng dẫn các hộ tham gia mô hình về yêu cầu và thủ tục cần thiết để chứng nhận VietGAP và ghi chép nhật ký sản xuất; hướng dẫn các tổ hợp tác thực hiện đánh giá nội bộ. Cùng với đó, Trung tâm lấy mẫu đất, nước, quả để đánh giá; phối hợp đánh giá hồ sơ chứng nhận VietGAP tại các điểm triển khai mô hình; hoàn thiện hồ sơ đề nghị chứng nhận VietGAP.

Qua đánh giá, đến nay, diện tích trồng ổi, cam, bưởi trong mô hình được thực hiện bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật, năng suất, chất lượng, mẫu mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả kinh tế dự kiến cao hơn so với ngoài mô hình gần 100 triệu đồng/héc-ta.

Trồng cây ăn quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đã tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, tạo thương hiệu cho các sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, nâng cao giá trị cho người sản xuất, bảo vệ sức khỏe, phát triển bền vững, từng bước thay đổi tư duy, trình độ, cách thức tổ chức sản xuất của nông dân, bảo đảm ổn định đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm sử dụng phân vô cơ, tạo điều kiện khôi phục độ màu mỡ của môi trường đất.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Lương Thị Thu Phương (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068