Những nông dân thời công nghệ số

Những nông dân thời công nghệ số

Đó là những nông dân bắt kịp xu thế phát triển, chịu khó học hỏi, nâng cao trình độ, mạnh dạn thay đổi phương thức canh tác, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình trồng hoa lan hồ điệp công nghệ cao ở xã Mễ Sở (Văn Giang) của anh Lý Bá Thể

Nổi lên giữa vùng đất ven đê sông Hồng ở thôn Hoàng Trạch, xã Mễ Sở (Văn Giang) là khu nhà kính rộng 2.000m2 trồng hoa lan hồ điệp của anh Lý Bá Thể, sinh năm 1990 (quê ở xã Phụng Công). Năm 2014, anh Thể mạnh dạn vay vốn, thuê đất, xây dựng 2 khu nhà màng rộng 4.500m2 ở Hà Nội để trồng các loại lan hồ điệp. Những ngày đầu bắt tay trồng lan, anh gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên nhiều cây bị hỏng. Thực tế, lan hồ điệp rất “khó tính”, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về độ ẩm và quy trình chăm sóc, phòng trừ bệnh, điều chỉnh nhiệt độ cho hoa nở theo ý muốn... 

Qua quá trình trực tiếp sản xuất, cùng với việc học hỏi kỹ thuật, đầu năm 2022, anh Thể đầu tư 12 tỷ đồng xây dựng khu nhà kính với diện tích 2.000m2 ở xã Mễ Sở, quy mô trồng 60.000 cây lan. Nhà kính được thiết kế với 5 lớp: 1 lớp cách nhiệt, 2 lớp cắt nắng, 2 lớp nilông; có hệ thống quan trắc độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng; thiết bị điều tiết nhiệt độ gồm thiết bị tăng nhiệt; thiết bị hạ nhiệt (hệ thống quạt hút gió và tấm làm mát) và hệ thống quạt đảo gió; máy điều hòa nhiệt độ 2 chiều. Năm 2022, vụ lan đầu tiên anh Thể trồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng tốt, đồng đều, bán ra vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2023 mang lại doanh thu trên 7 tỷ đồng, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.

Tương tự, việc áp dụng khoa học, công nghệ vào chăn nuôi đã đem lại thành công cho anh Phan Chính Bách, ở thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê (Khoái Châu). Đây là một trong những trang trại chăn nuôi gà hiện đại trong tỉnh với diện tích hơn 3 mẫu, quy mô trên 10.000 con, mỗi ngày xuất bán hàng nghìn con giống, mỗi năm xuất bán hàng chục tấn thịt, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm. Trang trại hiện có 4 dãy chuồng được xây dựng đồng bộ, khép kín với đầy đủ hệ thống quạt gió, hệ thống hút mùi và điện chiếu sáng; hệ thống điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống nước tự động; mỗi khu chuồng lắp đặt hàng chục chiếc camera để giám sát từ xa. Người nuôi vừa hạn chế phải ra vào khu vực chuồng trại, giảm nguy cơ lây nhiễm, xâm nhập mầm bệnh từ bên ngoài, mà vẫn nắm bắt kịp thời tình hình bên trong chuồng để có biện pháp xử lý khắc phục, bảo vệ vật nuôi. Nhiệt độ trong chuồng nuôi được điều chỉnh bằng thiết bị cảm ứng nhiệt. Tùy theo từng độ tuổi của gà, người quản lý trang trại sẽ cài đặt nhiệt độ thích hợp vào hệ thống và hệ thống sẽ tự động tăng nhiệt độ khi trời rét hoặc kích hoạt hệ thống làm mát khi nhiệt độ tăng cao để bảo đảm phù hợp với đàn vật nuôi.

 

Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng chuồng nuôi được anh Phan Chính Bách, xã Liên Khê (Khoái Châu) kết nối với điện thoại thông minh để kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng trong chuồng nuôi
Hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng chuồng nuôi được anh Phan Chính Bách, xã Liên Khê (Khoái Châu) kết nối với điện thoại thông minh để kiểm soát nhiệt độ, ánh sáng trong chuồng nuôi

Anh Bách tìm hiểu cách kết nối hệ thống lò ấp nở trứng gia cầm, máy cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trong trang trại với chiếc điện thoại thông minh để có thể chủ động điều khiển toàn bộ quy trình chăn nuôi ở bất cứ đâu, chỉ cần có mạng internet. Nhờ các ứng dụng công nghệ thông minh nói trên, dù quy mô trang trại và số lượng gia cầm lớn hàng chục nghìn con nhưng anh Bách chỉ phải thuê 5 lao động trực tiếp tham gia sản xuất và anh có thể đi vắng vài ngày mà vẫn có thể quản lý được đàn vật nuôi ở nhà.

Không còn là nông dân của thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, nhiều nông dân Hưng Yên đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ để làm chủ quá trình sản xuất, bắt nhịp với sự tiến bộ của nền nông nghiệp thông minh. Những  mô hình “vườn rau không đất”, “trang trại tự động”, “thương mại điện tử”, “thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật điều khiển từ xa”, “tem truy xuất hàng hóa”… ngày càng được nông dân Hưng Yên đưa vào quy trình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để gia tăng giá trị lao động, giá trị nông sản, xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068