Sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực

Sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm nông sản; mở rộng diện tích sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm, tiêu chí xuất khẩu, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu.

Tăng năng suất, chất lượng 

Hàng năm, tổng sản lượng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 1,1 triệu tấn/năm; gồm các sản phẩm chủ lực như: Nhãn, cam, chuối, thịt lợn, thịt gà, thủy sản… Đến nay, toàn tỉnh có 270 đơn vị được chứng nhận VietGAP với diện tích 3000ha, cho sản lượng khoảng 85 nghìn tấn rau, quả, thịt, cá các loại và trên 53,3 triệu quả trứng. 
 

Năm 2022, vải trứng Hưng Yên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được gần 14 nghìn ha sang trồng cây ăn quả, gồm các cây trồng chủ lực như: Cây nhãn hiện có gần 5 nghìn ha, sản lượng hàng năm đạt 45 - 50 nghìn tấn. Diện tích trồng nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 1,3 nghìn ha, cho sản phẩm chất lượng cao. Toàn tỉnh hiện có 13 vùng trồng đã được cấp mã vùng xuất khẩu, trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 13 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc, 4 khu vực đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thị trường tiêu thụ nhãn quả tươi chủ yếu tiêu thụ trong nước qua các kênh như hàng quà tặng, các cửa hàng, siêu thị, các chợ và xuất khẩu sang một số thị trường như Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông…
Đối với sản xuất và tiêu thụ vải, toàn tỉnh hiện trồng được gần 1,5 nghìn ha vải; trong đó, năm 2022, diện tích cho thu hoạch khoảng 900ha, sản lượng ước đạt 15.000 - 16.500 tấn, cao hơn năm 2021 từ 10 đến 20%. Đến nay, có 117ha trồng vải được thâm canh theo quy trình VietGAP, quản lý dịch hại tổng hợp; theo dõi, quản lý sâu đầu quả vải... qua đó cho chất lượng cao hơn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ vải đến nay vẫn chủ yếu tiêu thụ trong nước. 
Cùng với nhãn, vải là sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, những năm qua, cây có múi như cam, bưởi, chuối được mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, diện tích cây có múi của toàn tỉnh có khoảng 3.800ha, sản lượng hàng năm ước đạt 40.000 - 45.000 tấn; trong đó diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hiện có 550ha, sản lượng ước đạt 8.500 tấn. Diện tích trồng chuối của tỉnh hiện có 2.400ha, sản lượng năm 2022 ước đạt 70.850 tấn; trong đó có 409ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 17.468 tấn. Chuối tiêu hồng Khoái Châu - Hưng Yên đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa năm 2015. Thị trường tiêu thụ chuối rộng khắp cả nước và xuất khẩu sang một số thị trường như: Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Liên bang Nga... với sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 35.000 tấn… Đối với các mặt hàng nông sản khác như: Hạt sen, long nhãn, gạo, rau, củ, quả tươi, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản… ngày càng được mở rộng và chú trọng đến chất lượng, bảo đảm ATTP, do vậy, được người tiêu dùng trong nước đánh giá cao, có nhiều tiềm năng để xuất khẩu.
Thiếu chiến lược sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm
Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh thời gian qua còn nhiều  khó khăn. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá cả leo thang, giá vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) tăng cao, sức mua giảm, giá sản phẩm không tăng… Việt Nam nói chung, tỉnh Hưng Yên nói riêng chưa có chiến lược sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đa phần hiện nay các HTX, người dân vẫn sản xuất theo kinh nghiệm, chưa quan tâm nhiều đến thị trường, người tiêu dùng. Các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản bước đầu đã được hình thành nhưng thiếu tính hợp tác và liên kết bền vững từ các phía (bên mua, bên bán). Chất lượng nông sản không ổn định; đầu tư cho nhà xưởng, trang thiết bị còn thiếu; việc phân loại, bảo quản, đóng gói sản phẩm chưa được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; các chủ thể sản xuất, chế biến chưa chú trọng đến bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất còn hạn chế; các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đang phụ thuộc nhiều vào một số thị trường xuất khẩu chủ yếu như Trung Quốc… mà chưa mở rộng tới các thị trường trong khối Liên minh Châu Âu, Mỹ… dẫn đến tình trạng khi Trung Quốc đóng cửa biên giới, hàng nông sản bị ùn tắc, không tiêu thụ được…
Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm
 

Vùng trồng nhãn xuất khẩu tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)
Vùng trồng nhãn xuất khẩu tại xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)

 

Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tiếp tục thông tin phổ biến các quy định về tiêu thụ nông sản trong nước và các thị trường xuất khẩu. Thường xuyên thông tin về các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương; các chương trình hỗ trợ của nhà nước; phương thức quảng bá, khả năng thâm nhập và đáp ứng nhu cầu thị trường; thông tin về đối tác, doanh nghiệp xuất - nhập khẩu, cơ quan xúc tiến thương mại của các nước nhằm tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của tỉnh. Cập nhập thông tin các đơn vị có nhu cầu kết nối về tình hình sản xuất, khả năng cung ứng, nhu cầu kết nối để cung cấp cho các đơn vị đầu mối ở các tỉnh, thành phố nhằm kết nối tiêu thụ. Tập trung tư vấn hỗ trợ tem nhãn, bao bì nhãn hàng hóa, tự công bố chất lượng sản phẩm; mở rộng kênh phân phối qua việc bán hàng online, trên các trang thương mại điện tử… Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa; tiếp tục mở rộng ứng dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm nông nghiệp nhằm bảo vệ thương hiệu, khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm nông nghiệp Hưng Yên với người tiêu dùng.
Cùng với đó, Sở tăng cường phối hợp để kiểm tra, kiểm soát các nguồn hàng, tránh sự gian lận, trà trộn hàng nhái, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông - lâm - thủy sản nhằm hoàn thiện điều kiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khi lưu thông trên thị trường. Đẩy nhanh phát triển theo chuỗi ngành hàng, khuyến khích phát triển tổ hợp tác, HTX gắn với chương trình OCOP.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068