Chăn nuôi theo hướng VietGAHP: Tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng

Chăn nuôi theo hướng VietGAHP: Tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng

Những năm qua, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh đã nắm bắt xu thế của thị trường, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng năng suất, giảm giá thành, tạo sức cạnh tranh trên thị trường, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững.  

Anh Bùi Văn Dũng xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP

Quy trình chăn nuôi VietGAHP được xây dựng trên các tiêu chí: Tiêu chuẩn về kỹ thuật sản xuất, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy tìm nguồn gốc sản phẩm. Do đó, việc áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP đem lại nhiều lợi ích cho cả người chăn nuôi, người tiêu dùng và cộng đồng xã hội.  

Anh Chu Đình Thiên, chủ trang trại chăn nuôi gà Đông Tảo ở xã Đồng Than (Yên Mỹ) cho biết: Từ khi áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP, sản phẩm của trang trại có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường do được kiểm soát chặt chẽ từ con giống, thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại… nên hạn chế, kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, việc chăn nuôi bảo đảm đúng quy trình, thời gian nên thịt gà thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao. Nhờ đó, trang trại luôn có đầu ra ổn định, giá xuất bán cao hơn so với thị trường 10 – 15 nghìn đồng/kg. 

Kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ, hệ thống camera theo dõi từng chuồng lợn 24/24 giờ, trồng cây xanh xung quanh chuồng nuôi, có hệ thống xử lý chất thải… là những ấn tượng đầu tiên khi đến trang trại chăn nuôi của anh Phan Giang Đông, xã Việt Hòa (Khoái Châu). Chia sẻ về hướng đi trong phát triển kinh tế gia đình, anh Đông cho biết: Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về thực phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng ngày càng cao. Do đó, gia đình tôi đã chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi nhỏ lẻ ra khu chăn nuôi xa khu dân cư, áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAHP. Gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, chủ động sản xuất con giống; lựa chọn vắc xin, vitamin, thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc từ các công ty có uy tín; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải sau hầm khí biogas để hạn chế dịch bệnh. Nhờ xây dựng quy trình chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trang trại liên kết cung cấp thực phẩm cho một số doanh nghiệp, hợp tác xã ở trong và ngoài xã, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất. 

Đồng chí Nguyễn Thị Bích Vân, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp bởi tạo ra chất lượng và giá cả của sản phẩm luôn ổn định; tạo lợi thế cạnh tranh, nâng cao thương hiệu của cá nhân, đơn vị sản xuất, chế biến và phân phối, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và bảo đảm lợi ích xã hội, hướng tới phát triển chăn nuôi bền vững. 

Tuy nhiên, chăn nuôi theo hướng VietGAHP ở tỉnh còn gặp một số khó khăn bởi ngoài những tiêu chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chăn nuôi, đòi hỏi người chăn nuôi phải tuân thủ theo quy trình chăn nuôi để kiểm soát nguồn gốc sản phẩm, trong khi đó, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với giá trị sản phẩm… nên chưa khuyến khích được người sản xuất, chăn nuôi chủ động áp dụng thực hiện mà còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. 

Để khuyến khích người chăn nuôi, hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh mở rộng quy mô chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Theo đó, nhiều chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP được triển khai nhằm thay đổi tư duy sản xuất của người dân; rà soát, lựa chọn các mô hình chăn nuôi đủ điều kiện để hỗ trợ tham gia các đề án, dự án phát triển chăn nuôi như: Dự án chăn nuôi bò thịt hàng hóa chất lượng cao; Đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường… Đến nay, trên 40% số trang trại chăn nuôi và khoảng 8% nông hộ chăn nuôi trong tỉnh đã chủ động áp dụng quy trình chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. 

Với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt vào chăn nuôi nhằm hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường; chăn nuôi tiếp tục phát triển, tăng trưởng ổn định và là ngành hàng chủ lực trong phát triển nông nghiệp. 

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068