Cùng với nhãn lồng, thành phố Hưng Yên còn nổi tiếng với sản vật từ sen. Không chỉ bán hoa sen, bát sen tươi, hạt sen thô còn được người dân Hưng Yên chế biến thành hạt sen trắng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) được xem là “cái nôi” của nghề chế biến hạt sen. Hiện nay, toàn xã có 2 công ty và khoảng 20 cơ sở chế biến hạt sen, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Sấy sen bằng lò điện ở hộ gia đình anh Nguyễn Văn Kiên, thôn Lê Như Hổ, xã Hồng Nam
Gia đình chị Trịnh Thị Hoạt ở thôn Lê Như Hổ là một trong những hộ chế biến hạt sen lớn tại xã Hồng Nam. Với 26 năm kinh nghiệm trong nghề, chị Hoạt chia sẻ: Trước đây, các công đoạn chế biến hạt sen khô đều làm thủ công. Với quy trình thủ công mỗi ngày gia đình chị chỉ sản xuất được 1 - 2 tạ hạt sen. Nhưng hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, 80 - 90% công đoạn chế biến hạt sen đã được cơ giới hóa. Các công đoạn làm hạt sen từ bóc vỏ sen đen, đến chà, sấy, phân loại hạt sen... đều được thực hiện bằng máy móc. Với quy trình chế biến hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình chị Hoạt chế biến khoảng 2 tấn hạt sen thô cho ra khoảng 600kg hạt sen thành phẩm. Hạt sen của gia đình chị bán chủ yếu ở thị trường trong nước với giá 120.000 đồng/kg. Ngoài ra, những phụ phẩm khác của sen cũng có thể bán được như: tâm sen có giá 125.000 đồng/kg, hạt sen vỡ có giá 40.000 đồng/kg, đầu sen có giá 15.000 đồng/kg.
Xưởng chế biến hạt sen của gia đình chị Hoạt tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương với thu nhập từ 5,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Trịnh Thị Hoạt cho biết: “Gia đình tôi đã đầu tư 2 - 3 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng rộng khoảng 500m2 và mua sắm máy móc, thiết bị chế biến hạt sen. Từ nghề chế biến hạt sen, mỗi năm gia đình tôi thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng”.
Đến xưởng chế biến hạt sen của gia đình anh Cao Văn Tuyến ở thôn Trần Phú, xã Tân Hưng, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng máy móc xen với tiếng cười nói vui vẻ của các công nhân.
Anh Tuyến cho biết: “Năm 2000, tôi bắt đầu làm nghề chế biến hạt sen. Lúc đầu quy mô sản xuất còn nhỏ, hầu hết các công đoạn phải làm thủ công. Đến nay, tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng xưởng sản xuất và mua sắm khoảng 40 chiếc máy phục vụ chế biến hạt sen. Hiện nay, trung bình mỗi ngày xưởng chế biến 700 - 800kg hạt sen thô cho ra 200 - 300kg hạt sen thành phẩm. Với giá bán trung bình 110.000 - 120.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 200 triệu đồng”.
Ông Hoàng Văn Nghệ, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hưng cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 15 hộ làm nghề chế biến hạt sen, tạo việc làm thường xuyên cho 400 - 500 lao động (lao động trực tiếp và lao động nhận hạt sen về nhà làm một số công đoạn). Đây là một trong những nghề mang lại thu nhập kinh tế cao cho người dân trong xã. Để phát triển nghề chế biến hạt sen, sắp tới xã sẽ thành lập Hợp tác xã cây ăn quả và chế biến nông sản để các hộ dân liên kết, cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 50 hộ chế biến hạt sen tập trung chủ yếu ở các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng, phường Hồng Châu. Năm 2015, nhiều hộ đã liên kết thành lập Hội chế biến hạt sen, long nhãn Hưng Yên với khoảng 25 thành viên. Với quy trình sơ chế, phân loại cẩn thận, không sử dụng hóa chất, hạt sen Hưng Yên có chất lượng tốt, thơm ngon, hạt trắng, đẹp. Hạt sen thành phẩm được đóng gói trong các túi hút chân không, bảo quản được trong nhiều tháng và vận chuyển đi xa. Năm 2018, thành phố Hưng Yên cung cấp khoảng 5.000 tấn hạt sen cho thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Bên cạnh đó, để tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm hạt sen, các hộ chế biến cũng đã giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, các siêu thị, trên mạng internet...
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
Nguồn tin: baohungyen.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068