Thời tiết từ đầu tháng 3 đến nay có nhiều ngày trời âm u liên tục, xen kẽ mưa nhỏ rải rác, độ ẩm cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn, kho vằn hại lúa phát sinh và gây hại, nếu không chủ động phòng trừ kịp thời, bệnh sẽ gây hại nặng nhiều diện tích lúa xuân.
Đồng chí Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết: Bệnh đạo ôn trên lá phát triển mạnh giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh từ trung tuần tháng 3 trên diện tích lúa sớm, cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, phân bổ rộng trên một số giống nhiễm như nếp các loại, TBR225… khả năng mức độ và diện tích nhiễm cao hơn vụ xuân năm 2023. Nếu không phòng trừ tốt, bệnh đạo ôn sẽ gây lụi nhiều diện tích lúa (trên các giống nhiễm). Bệnh đạo ôn trên cổ bông phát sinh từ cuối tháng 4, phát triển mạnh từ đầu đến giữa tháng 5, chủ yếu trên các giống nhiễm nặng như nhóm lúa nếp, TBR225, Q5 và một số giống ngoài cơ cấu, đặc biệt ở những ruộng bị bệnh nặng trên lá và diện tích lúa trỗ trong tháng 4. Bệnh khô vằn phân bố rộng trên các trà lúa, phát triển mạnh từ giai đoạn lúa đứng cái đến cuối vụ, những ruộng cấy dày, bón phân không cân đối.
Nông dân huyện Phù Cừ phòng trừ sâu bệnh hại lúa
Đến ngày 2/4, trên đồng ruộng của huyện Phù Cừ có 15 héc-ta lúa nhiễm bệnh đạo ôn. Những diện tích gieo cấy với mật độ dày, bón phân không cân đối, bón thừa đạm có tỉ lệ nhiễm bệnh và cấp bệnh nặng hơn so với các ruộng gieo cấy mật độ thưa, hợp lý. Thời gian qua, Trạm bảo vệ thực vật (BVTV) phối hợp với Trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho nông dân về các biện pháp chăm sóc lúa và phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nông dân nắm bắt kịp thời tình hình sâu bệnh hại, các biện pháp phòng trừ hiệu quả...
Thời điểm này, nông dân huyện Ân Thi tích cực thăm đồng để phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Huê, nông dân xã Đào Dương cho biết: Vụ xuân này, gia đình tôi gieo cấy hơn 2 mẫu lúa. Đến nay, lúa sinh trưởng tốt, chưa phát hiện sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, tôi và các hộ chủ động thăm đồng, nếu phát hiện sâu bệnh sẽ tiến hành phòng trừ, phun thuốc đúng liều lượng, thời điểm, theo nguyên tắc "4 đúng".
Hiện nay, hơn 24,2 nghìn héc-ta lúa xuân trong tỉnh ở giai đoạn cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên, bệnh đạo ôn đã bắt đầu phát sinh và gây hại nhẹ, cục bộ trên một số giống nhiễm như: nhóm lúa nếp, Q5, TBR225… tỉ lệ nhiễm nơi cao 1-2% số lá, cá biệt 5% số lá. Trong giai đoạn hiện nay, nông dân cần tranh thủ khi thời tiết không mưa, khẩn trương phòng trừ bệnh đạo ôn lá trên các diện tích lúa nhiễm bệnh bằng thuốc đặc hiệu như: Bankan 600WP, Kennedy 75WP, Dojione 40EC, Filia 525SE, Lúa vàng 20WP, Trizole 75WP… Diện tích có tỉ lệ bệnh, cấp bệnh cao cần phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày bằng một trong các thuốc trên. Nếu thời tiết còn âm u, độ ẩm không khí cao, nhất thiết phải phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên diện tích lúa trỗ từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 đối với các giống lúa nhiễm như nếp các loại, Q5, TBR225, Thiên ưu 8… bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu trên, phun khi lúa trỗ được 3 - 5% diện tích. Đối với trà lúa trỗ sau ngày 10/5, nếu thời tiết nắng nóng, độ ẩm không khí thấp, không cần phải phun phòng trừ. Bệnh khô vằn phát triển cần phòng trừ bằng các thuốc như Tilt super 300EC, Sagograin 300EC, Nevo 330EC, Anvil 5SC.
Để hạn chế tối đa tác hại của bệnh đạo ôn, khô vằn và sâu bệnh khác gây hại lúa xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Trạm BVTV để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác quản lý thuốc BVTV trên địa bàn, không để việc kinh doanh, buôn bán các loại thuốc ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng, nâng giá bán, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Phòng nông nghiệp và PTNT, Trạm khuyến nông các địa phương phối hợp với Trạm BVTV phân công nhân viên kỹ thuật tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh đạo ôn, khô vằn, thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng trừ kịp thời bằng các thuốc đặc hiệu, theo nguyên tắc “4 đúng”. Nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng từ nay đến cuối vụ.
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068