Mức độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia phụ thuộc vào tăng trưởng của các ngành kinh tế. Nông nghiệp là một trong 3 ngành có tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian dài, giá trị sản xuất nông nghiệp đóng góp từ 25% đến 30% GDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp suy giảm liên tục trong những năm qua. Tìm nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này là nội dung tác giả đề cập trong bài viết.
Thực trạng tốc độ tăng trưởng nông nghiệp
Giai đoạn 2011 – 2016, so với các nước trong khu vực, ngành Nông nghiệp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thất thường và có xu hướng giảm đi, từ mức 4,02% năm 2011 còn 1,36% năm 2016, đây cũng là mức thấp nhất từ trước đến nay. Điểm % đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế và điểm % đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế của ngành Nông nghiệp đã giảm nhanh trong thời gian gần đây.
Đến năm 2016, điểm % đóng góp vào nền kinh tế chỉ còn 0,22, giảm hơn 50% so với năm 2015 và hơn 3 lần so với năm 2011; % đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế ở mức 3,5% trong năm 2016, giảm 60% so với năm 2015 và giảm hơn 4 lần so với năm 2011. Đây là mức thấp kỷ lục trong vòng 30 năm qua. Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, năm 2016, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế chỉ đạt 6,21% (không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7%). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là:
Thứ nhất, dòng vốn đầu tư vào ngành Nông nghiệp thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Giai đoạn 2011 – 2016, nguồn vốn trung bình từ ngân sách chiếm khoảng 6% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Vốn ODA lũy kế đến nay gần 6 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng vốn ODA vào Việt Nam; Vốn FDI tích lũy gần 4 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam; Tài chính vi mô bao gồm các quỹ, hiệp hội… đầu tư vào ngành nông nghiệp mới chỉ chiếm hơn 4% GDP. Hiệu quả đầu tư ứng khoảng 60% nhu cầu và không tương xứng với quy mô đóng góp của sản xuất nông nghiệp cho nền kinh tế; Các cơ chế, chính sách thu hút vốn cho nông thôn chưa thực sự năng động và phù hợp...
Thứ hai, thiên tai, biến đổi khí hậu và khả năng ứng phó của ngành Nông nghiệp còn hạn chế. Riêng năm 2016, sản xuất lúa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm do hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại khoảng 15.000 tỷ đồng cho nền kinh tế Việt Nam; nhiều nông dân phải bỏ ruộng, tìm kiếm việc làm ở các đô thị. Thị trường tiêu thụ thủy sản gặp khó khăn do một số thị trường lớn giảm nhu cầu nhập khẩu, một số nước đã đưa ra các cảnh báo về chất lượng đối với một số lô hàng hải sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Thứ ba, mô hình sản xuất trong nông nghiệp phần lớn vẫn là quy mô nhỏ bé, manh mún, phân tán. Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang sử dụng gần 80% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước. Trong những năm qua, cơ cấu đất nông nghiệp có sự thay đổi mạnh mẽ, song quy mô đất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ, manh mún. Tỷ lệ hộ sử dụng ruộng nhỏ dưới 0,5 ha chiếm gần 70%, trên 2 ha chỉ có 6% và công tác dồn điền đổi thửa ở nhiều địa phương còn khó khăn.
Số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2016 cả nước có 30.000 trang trại, giá trị sản xuất hàng hóa bình quân chỉ khoảng 2 tỷ đồng/trang trại; khoảng 4.000 DN tham gia đầu tư - chiếm chưa tới 1% tổng số DN cả nước, trong đó, có đến 90% DN quy mô từ nhỏ đến rất nhỏ; khoảng 12.000 hợp tác xã và 56.000 tổ hợp tác đang hoạt động, cho thấy nhân tố chủ chốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp còn rất ít.
Thứ tư, lực lượng lao động trong ngành Nông nghiệp đông nhưng trình độ thấp. Theo Báo cáo Điều tra lao động việc làm, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề ở ngành Nông nghiệp trong năm 2011 chỉ có 2,7%, đến năm 2016 tăng lên gần 4,5%, điều này cũng là một yếu tố làm tốc độ tăng trưởng nông nghiệp khó nâng cao.
Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nông nghiệp
Để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng đóng góp vào nền kinh tế, cần có những giải pháp đột phá và hiệu quả trong ngành Nông nghiệp. Các yêu cầu đặt ra là phải gia tăng giá trị sản xuất toàn Ngành thông qua việc tăng sản lượng với các ngành có lợi thế về thị trường, hỗ trợ nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng chất lượng sản phẩm. Theo đó, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:
Một là, rà soát lại các chuỗi giá trị đối với sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Cụ thể như lúa gạo: Các cơ quan hữu quan cần hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển các giống lúa có chất lượng cao để tiêu thụ trong nước, xem xét về diễn biến thị trường thế giới và phối hợp với các từng vùng và đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới.
Hai là, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh cho DN đầu tư kinh doanh trong nông nghiệp như đơn giản hóa, cắt bỏ thủ tục hành chính, công khai hóa áp dụng công nghệ thông tin, giảm tối chi phí về thời gian và tiền bạc cho DN và người dân.
Ba là, tháo gỡ mọi vướng mắc để duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân. Hiện nay nước ta đã đàm phán ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng các hiệp định này chủ yếu tập trung vào miễn giảm thuế quan.
Bốn là, đầu tư đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, hội nhập của ngành Nông nghiệp hiện nay.
Tác giả bài viết: Chu Vũ Giáp (cập nhập)
Nguồn tin: tapchitaichinh.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068