Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá ấn tượng, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây chỉ là những kết quả bước đầu của ngành trong năm 2018, toàn ngành không chủ quan, bởi nhiều khó khăn, thách thức lớn còn phía trước.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018, triển khai công tác 6 tháng cuối năm của Bộ NN-PTNT diễn ra ngày 28/6. Bộ NN-PTNT cho biết, giá trị SX nông lâm thủy sản cả nước nửa đầu năm 2018 tăng trưởng khoảng 4,2%, trong đó trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 2,04%, lâm nghiệp tăng 5,21% và thủy sản tăng 6,49%.
GDP nông lâm thủy sản dự kiến tăng từ 3,95 - 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.
Theo Bộ NN-PTNT, trồng trọt là lĩnh vực đạt được nhiều kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm 2018, một phần do sự ủng hộ của tình hình thời tiết rất thuận lợi. Theo đó, năng suất lúa bình quân cả nước ước đạt 62,6 tạ/ha, tăng khoảng 3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 20,6 triệu tấn, tăng 1,2 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Riêng vụ ĐX năng suất ước đạt 66,2 tạ/ha, tăng 3,9 tạ/ha, sản lượng lúa ước đạt 20,5 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn (5,7%) so với vụ ĐX năm trước.
Bên cạnh đó, tình hình XK gạo cũng có rất nhiều thuận lợi giúp giá lúa gạo trong nước giữ ở mức cao. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK gạo đạt 1,81 tỷ USD (tăng 42,4%), ngoài thị trường chính là Trung Quốc đã tăng mạnh ở các thị trường khác như Indonesia, Malaysia, Hoa Kỳ, Philippines...
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, mặc dù SX lúa gạo 6 tháng đầu năm có nhiều khả quan, tuy nhiên từ nay đến cuối năm 2018, cả nước vẫn còn 3 vụ SX lúa (vụ mùa, hè thu và thu đông), trong khi mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu nên những rủi ro về thiên tai vẫn có thể kéo tụt sản lượng lúa gạo trong cả năm 2018. Bên cạnh đó, một số dịch bệnh nguy hiểm, nhất là bệnh lùn sọc đen vẫn có nguy cơ tái bùng phát rất cao tại các tỉnh phía Bắc nên phải hết sức cảnh giác.
Đối với các tỉnh ĐBSCL, ông Doanh đánh giá vụ thu đông vẫn rất có tiềm năng trong năm nay, bởi thị trường lúa gạo đang tốt và đây là vụ không có nhiều cạnh tranh về lúa gạo so với các vùng khác trên cả nước. Vì vậy ngay từ bây giờ, Bộ NN-PTNT sẽ có các giải pháp căn cơ, quyết liệt để phối hợp với các tỉnh ĐBSCL đẩy mạnh SX đối với vụ thu đông.
Đối với SX rau quả, thời tiết thuận lợi cũng đã giúp nhiều loại cây ăn quả trên cả nước bội thu trong nửa đầu năm 2018, đặc biệt là vụ vải thiều và nhãn ở phía Bắc. Theo Cục BVTV, đến thời điểm này, đã có khoảng trên 70 nghìn tấn vải được XK sang các thị trường, và dự kiến lượng vải XK sẽ đạt khoảng 100 nghìn tấn tới hết vụ... Cùng với nhiều giải pháp đẩy mạnh XK, kim ngạch XK mặt hàng rau quả nói chung trong 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD (tăng 20,3% so với cùng kỳ), trong đó ngoài thị trường chính Trung Quốc, đã tăng mạnh ở thị trường mới và nhiều cạnh tranh như Thái Lan (tăng 26,3%), Hàn Quốc (15,4%), Hoa Kỳ và Malaysia (14,6%)...
Cùng với cây ăn quả, hoạt động SX và XK các loại cây công nghiệp như hạt điều, hồ tiêu, cao su, cà phê... tiếp tục ổn định, trong đó riêng mặt hàng hạt điều đã lấy lại được đà tăng trưởng với kim ngạch XK 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 1,7 tỷ USD (tăng 16,4%).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sự phục hồi trở lại của mặt hàng hạt điều hiện nay chính là bài học lớn cho nhiều đối tượng cây ăn quả, cây công nghiệp. Bởi giai đoạn trước 2016 - 2017, đã có lúc ngành điều có nguy cơ đổ vỡ do sự suy kiệt về chất lượng vườn cây, dịch bệnh hoành hành, nếu không có sự quyết liệt vào cuộc của ngành nông nghiệp và chính sách của các địa phương để phục hồi trở lại cho cây điều thì khó có thể cứu vãn tình hình.
6 tháng đầu năm 2018, mặc dù XK nông lâm thủy sản tiếp tục giữ được đà tăng trưởng khá với tổng kim ngạch XK ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2017, tuy nhiên, hàng loạt các khó khăn, thách thức vẫn đang ngổn ngang. Giải quyết, tháo gỡ thị trường XK nông sản cũng đã được Bộ NN-PTNT đặt làm công tác trọng tâm trong năm 2018.
Sáu tháng đầu năm, Bộ NN-PTNT đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy XK nhiều mặt hàng nông sản như thịt bò, sữa vào thị trường Malaysia; thịt lợn, gà, trứng vào Singapore; thịt lợn, sữa, thủy sản, gạo vào Trung Quốc; đàm phán mở cửa thị trường XK thịt gà vào Nhật Bản, vú sữa vào Hoa Kỳ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào EU...
Theo Cục Thú y, hiện nay một số mặt hàng thịt, trứng cũng đã được XK vào Myanmar, đặc biệt là thịt gà. Đây là những tín hiệu mới cho ngành chăn nuôi bởi chăn nuôi hiện vẫn đang là ngành có tỉ trọng XK chưa đáng kể. Đối với thủy sản, để ứng phó với Đạo luật Nông trại Hoa Kỳ (Farm Bill), Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, đoàn thanh tra của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thanh tra thực địa vùng nuôi và nhà máy chế biến từ ngày 14 - 25/5/2018.
“Với mục tiêu đạt 40 tỉ USD kim ngạch XK, XK nông sản của nước ta hiện đã đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 18 thế giới. Song song với quy mô, vị thế của nông sản chúng ta ngày càng lớn, nguy cơ cạnh tranh, thậm chí chiến tranh thương mại trong XK nông sản đang ngày càng khốc liệt. Đây sẽ là khó khăn thách thức lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. |
Kết quả thanh tra vùng nuôi là “không phát hiện sai sót gì” đã góp phần tạo tâm lý yên tâm cũng như tác động tích cực đến ngành hàng cá tra khi cá tra Việt Nam có khả năng tiếp tục XK sang Hoa Kỳ.
Kết quả này góp phần giữ vững hình ảnh, uy tín của ngành hàng cá tra trước các bạn hàng ở thị trường nhập khẩu khác...
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với nhiều đoàn công tác của Nhật, Úc, Hoa Kỳ, Canada, EU xử lý các vướng mắc về rào cản ATTP và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm duy trì, mở rộng XK nông lâm thủy sản...
Mặc dù vậy, nhiều vấn đề lớn về thị trường XK vẫn chưa thể khơi thông hoặc tháo gỡ dứt điểm, nhất là vấn đề tháo gỡ ”thẻ vàng” cho thủy sản.
Theo Tổng cục Thủy sản, từ ngày 16 - 24/5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (Đoàn Thanh tra) đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 9 khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về cảnh báo “thẻ vàng”.
Hiện tại, Tổng cục Thủy sản đang dự thảo báo cáo chi tiết về kết quả làm việc của Đoàn Thanh tra để Bộ NN-PTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 14 loại hình thiên tai, làm 72 người chết và mất tích, 42 người bị thương; 457 nhà bị đổ; 13.397ha lúa và hoa màu bị đổ dập; 1.689ha cây công nghiệp và cây ăn quả bị thiệt hại, gãy đổ; 8.233 con gia súc và 9.038 con gia cầm bị chết; 5.667m đê dưới cấp IV, kênh mương và bờ bao bị sạt trượt. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 776,62 tỷ đồng. Đặc biệt, đợt mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía Bắc (từ ngày 22/6 - 27/6) đã làm 19 người chết, 11 người mất tích, 12 người bị thương; 1.207ha lúa và hoa màu, 46ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở; nhà cửa bị đổ, hư hỏng. Tổng thiệt hại ước khoảng 443,8 tỷ đồng. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)
Nguồn tin: nongnghiep.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068