Vụ Đông là vụ sản xuất chính có giá trị kinh tế cao. Kế hoạch gieo trồng cây vụ Đông năm 2015 toàn tỉnh là 42.000 ha gồm Cây Ngô 28.000ha; Lạc 1.500ha; Rau màu rau các loại 12.500ha và khoảng 8.000 ha cây trồng khác (khoai lang, cây công nghiệp…).Trong sản xuất vụ Đông, rau màu là cây có giá trị kinh tế cao nhất, trong đó có cây Bí xanh.
Cây bí xanh là một trong những loại rau quả có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng làm thực phẩm nấu ăn rất ngon và mát. Bí xanh đã được đưa vào sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ nhiều năm nay. Nhiều mô hình trồng bí xanh đã cho hiệu quả kinh tế cao như Mô hình trồng bí xanh ở xã Lưu Sơn – huyện Đô Lương trong vụ đông 2014 với diện tích 2 ha, cho năng suất đạt 36 tấn/ha, tổng thu khoảng 140 triệu đồng/ha, lãi thu được khoảng 80 triệu đồng/ha. Mô hình bí xanh ở Thuận Sơn – Đô Lương, năng suất đạt 45 tấn/ha, tổng thu khoảng 160 triệu đồng, lãi thu được khoảng 90 triệu đồng/ha,...
Để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất bí xanh trong vụ Đông 2015, nhằm mục đích nhân rộng các mô hình, mở rộng sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Bài viết này chúng tôi giới thiệu kỹ thuật trồng cây bí xanh trong vụ đông để bà con nông dân biết và áp dụng nhằm nâng cao thu nhập.
Cây bí xanh còn gọi là bí đao, bí phấn, bí trắng. Quả dùng làm thực phẩm nấu ăn rất ngon và mát. Ngoài ra bí xanh còn là nguyên liệu tốt cho công nghiệp bánh kẹo (làm mứt, làm nhân bánh). Bí xanh có lớp vỏ dày cứng, cùi dày, có thể bảo quản lâu, vận chuyển tốt, là loại rau dự trữ giáp vụ. Nhiệt độ thích hợp cho cây bí xanh sinh trưởng phát triển tốt là 24-280C, ở giai đoạn cây con yêu cầu nhiệt độ thấp hơn khoảng 20-220C, ở giai đoạn ra hoa kết quả cần nhiệt độ cao hơn khoảng 25-300C. Bí xanh yêu cầu ánh sáng ngắn ngày, phải chăm sóc tốt để hệ rễ, thân, lá sinh trưởng phát triển tốt và làm giàn cho bí nhằm tăng năng suất và khả năng bảo quản quả, nâng cao hiệu quả sản xuất bí xanh. Bí xanh chịu hạn khá nhờ hệ rễ khá phát triển. Bí xanh có thời gian thu hoạch ngắn, quả 50-60 ngày tuổi là thu hoạch được.
- Chọn giống: Chọn những giống bí xanh có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, cho năng suất chất lượng tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Có thể chọn các giống như: Bí xanh số 1, Bí xanh số 2…
- Thời vụ: Trong vụ thu đông bí xanh trồng tốt nhất từ 15/8-15/9
- Chọn đất và làm đất: Chọn đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, tốt nhất là đất cát pha, thịt nhẹ, giàu mùn và chất dinh dưỡng, chủ động tưới tiêu. Không nên trồng bí xanh trên đất vụ trước đã trồng các loại cây họ bầu bí. Tại các địa phương bí xanh chủ yếu trồng trên đất 2 lúa.
Trong quá trình làm đất cần cày bừa kỹ cho đất tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại, rắc đều vôi bột lên mặt ruộng.
Làm luống: Luống rộng 1m, cao 25 – 30 cm, có rãnh thoát nước. Nếu làm hàng đơn thì luống rộng 50-60 cm.
- Chuẩn bị cây con (cây giống):
Lượng giống cho 1 ha: 0,8 – 1 kg (khoảng 40g/sào)
Phơi hạt dưới nắng nhẹ khoảng 2h sau đó ngâm hạt từ 3-4 h, rửa sạch hạt rồi để ráo. Bọc hạt vào khăn bông ẩm và ủ ở nhiệt độ 28-300C. Khi hạt nứt nanh thì gieo hạt ra luống ươm cây con.
Luống ươm cây con cần bố trí nơi khô ráo, đủ nắng, chủ động chăm sóc và tưới tiêu, có thể ở góc ruộng hoặc bờ ruộng. Dùng khoảng 10-20 kg phân chuồng hoai mục, 1 kg lân trộn đều với đất, rải 1 lớp dày khoảng 3-5 cm, rộng 3-4 m2, tưới ẩm sau đó cắm hạt với khoảng cách từ 4-5 cm. Sau khi cắm hạt tiến hành phủ một lớp đất bột kín hạt và dùng rơm rạ phủ lên trên để giữ ẩm. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho luống ươm.
Khi cây con có 1-2 lá thật (khoảng 15 – 20 ngày tuổi), cây cao 8 -10 cm, thân cứng thì trồng ra ngoài ruộng.
- Mật độ, khoảng cách trồng:
Mật độ: 3 – 3,2 vạn cây/ha (khoảng 1100 – 1200 gốc/1 sào)
Khoảng cách: hàng cách hàng 70 cm, cây cách cây 40-45 cm hoặc khoảng cách 50 x 50 cm; trồng theo kiểu nanh sấu.
- Phân bón:
Lượng phân cho 1 sào:
Phân hữu cơ hoai mục: 400 – 500 kg
Ure: 8-10 kg
Super lân: 15-20 kg
Kali: 7-8 kg
Phân NPK: 5:10:3: 20 kg
* Phương pháp bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + phân lân + vôi + NPK. Bón rải đều trong rạch giữa luống hoặc theo hốc cách vị trí đặt cây 3-5 cm, độ sâu 10-15 cm sau đó lấp đất lại.
+ Bón thúc lần 1: Thời kỳ bén chân đến 6-7 lá thật: Bón 20-30% lượng phân đạm ure. Bón làm nhiều lần mỗi lần cách nhau 3 – 4 ngày.
+ Bón thúc lần 2: Từ 6-7 lá đến ra hoa rộ: Bón 30-40% lượng phân đạm ure và 30-40% lượng phân kali, kết hợp vun cao luống.
+ Bón thúc lần 3: Thời kỳ quả phát triển: Bón số phân còn lại.
- Chăm sóc:
+ Tưới nước: Sau khi gieo phải tưới nước để đảm bảo đủ độ ẩm cho đất, tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát.
+ Xới vun: Thời kỳ cây có 3-4 lá đến 7-8 lá thật thì tiến hành xới phá váng. Khi cây bí có tua cuốn thì xới vun cao kết hợp xới vun sau mỗi lần bón phân để tăng hiệu quả của phân bón đồng thời hạn chế cỏ dại phát triển.
+ Bấm ngọn, tỉa cành: Một gốc bí có thể để từ 1-2 nhánh, nếu để 1 nhánh thì không cần bấm ngọn còn để 2 nhánh thì bấm ngọn khi cây có 5-6 lá thật, sau khi bấm ngọn cây sẽ ra nhánh bên, chỉ giữ lại 2 nhánh chính khỏe nhất và thường xuyên kiểm tra ngắt bỏ các nhánh còn lại khi nhánh mới nhú.
+ Lấp dây, làm giàn:
Khi cây bí dài 50 cm, lấy đất lấp ngang đốt, cách 1-2 đốt lại lấp để cho cây bí ra nhiều rễ ngang (rễ phụ), giúp cây tăng khả năng hút nước và chất dinh dưỡng.
Khi cây xuất hiện tua cuốn thì cắm giàn chéo chữ X để tận dụng hợp lý ánh sáng, một sào cần khoảng 1400 – 1500 cây choải (tre, nữa,...), giàn cần buộc chắc chắn để tăng khả năng giữ quả. Trước khi cho cây leo lên giàn nên để cây bò trên luống khoảng 40-50 cm (hướng ngọn bí bò từ gốc này sang gốc kia sau đó mới nương dây cho leo lên giàn). Dùng rơm rạ, dây chuối buộc ngọn bí lên giàn ở vị trí dưới nách lá.
- Thụ phấn nhân tạo:
Do lá bí to che lấp hoa gây khó khăn cho quá trình thụ phấn nên cần thụ phấn nhân tạo, khi thấy hoa cái nở thì dùng phấn hoa đực mới nở chấm lên nhụy hoa cái vào lúc sáng sớm (khoảng 7-9 giờ).
Mỗi cây để từ 1-2 quả, ngắt bỏ những quả còn lại, khi đường kính quả đạt khoảng 2 cm thì tiến hành ngắt ngọn cách cuống quả từ 2-3 đốt để hạn chế tiêu hao dinh dưỡng. Đặt cuống quả gác lên cây choải.
- Phòng trừ sâu bệnh:
Bí xanh thường gặp một số loại sâu hại chủ yếu như bọ trĩ, sâu đục lá, sâu khoang, ruồi đục quả,…Cây bí thường bị các loại bệnh như lở cổ rễ, héo rũ, phấn trắng, bệnh giả sương mai…
Thường xuyên thăm đồng để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại nhằm có biện pháp phòng trừ kịp thời. Vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ lá già, lá bệnh, xử lý kịp thời tạo điều kiện môi trường thông thoáng.
- Thu hoạch và bảo quản:
Khi thấy vỏ quả bí xuất hiện lớp phấn màu trắng, vỏ quả đã cứng là bí đã già có thể thu hoạch được. Khi thu hoạch thao tác nhẹ nhàng tránh làm dập vỏ quả. Sau khi thu hoạch nếu cần bảo quản quả trong thời gian dài thì có thể xếp quả lên dàn từ 2-3 lớp quả hoặc dựng quả ở nơi thoáng mát.
Nguồn tin: Sở NN&PTNT Nghệ An
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068