Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.361 chủ thể; trong đó, có 51 sản phẩm 5 sao. Tuy vượt xa kế hoạch Chính phủ giao (đến 2025 đạt 10.000 sản phẩm) nhưng để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn nữa thì cần mở rộng thị trường và khắc phục những bất cập còn tồn tại.
Khẳng định giá trị và chất lượng
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Hoàng Văn Dự cho biết, các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu.
Các đại biểu tìm hiểu sản phẩm OCOP VIệt Nam tiêu biểu.
Cụ thể, hơn 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân khoảng 17%/năm, giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 12%. Đặc biệt, các sản phẩm 5 sao tăng doanh thu 20 - 30%. Nhiều sản phẩm OCOP được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn là quà tặng cho các nguyên thủ và khách quốc tế. Nhiều sản phẩm OCOP được xuất khẩu tại chỗ thông qua khách du lịch quốc tế.
Có thể thấy, những năm qua, thị trường sản phẩm OCOP tiếp tục tăng quy mô và chất lượng sản phẩm. Hàng năm, tại các địa phương, thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP mang đặc trưng riêng. Đây là một trong những hoạt động đưa nông sản Việt đến gần hơn với người dân.
Nhiều cách thức hỗ trợ thương hiệu sản phẩm
Không chỉ dẫn đầu cả nước về số lượng làng nghề, Hà Nội hiện là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP. Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao.
Thời gian qua, Trung ương vàTP. Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các làng nghề, các chủ thể OCOP trong phát triển sản phẩm thông qua các chương trình Khuyến công, Xúc tiến thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các địa phương và doanh nghiệp. Các sản phẩm của làng nghề, của chủ thể OCOP đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, riêng năm 2022, Hà Nội đã phát triển 28 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại 14 quận, huyện, nâng tổng số điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố là 85 địa điểm, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Hà Nội hiện có 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Đó là tiềm năng lợi thế cho sản phẩm OCOP. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp…
Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh Trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại… đã được đánh giá, phân hạng OCOP các năm qua.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên.
Khắc phục bất cập và mở rộng thị trường
Mặc dù đạt được những kết quả tương đối khả quan, nhưng các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng tốt hơn nữa thì cần khắc phục nhiều bất cập còn tồn tại.
Hiện, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này còn hạn chế do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu.
Vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp.
Có thể thấy, cùng với xây dựng nông thôn mới, việc phát triển mỗi xã một sản phẩm cũng được các địa phương chú trọng. Thế nhưng số lượng liệu có đi đôi với giá trị? Bắt nguồn đầu tiên từ vài sản phẩm của tỉnh Quảng Ninh, đến nay Chương trình OCOP đã bước sang giai đoạn 2 với hơn 10 nghìn sản phẩm đã được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên. Đáng nói là, thị trường sản phẩm OCOP ngày càng đại trà hơn, không chỉ có nhóm sản vật đặc sản địa phương mà hầu như nông sản nào cũng gắn mác OCOP khiến người tiêu dùng không còn thấy hấp dẫn, thậm chí nghi ngại về chất lượng.
Không chỉ đại trà OCOP, hiện không ít sản phẩm sau khi được công nhận chất lượng OCOP vẫn chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi sức tiêu thụ còn thấp.
Các chuyên gia OCOP nhấn mạnh, giai đoạn 2 của chương trình đang đi đúng hướng và tiếp tục khuyến khích tăng thêm sản phẩm OCOP mới. Với đà này, có thể tới đây, bất cứ nông sản nào cũng có sản phẩm OCOP.
Do đó, bên cạnh kênh truyền thống quảng bá, xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm…, ngành Nông nghiệp cần chú trọng đến hoạt động quảng bá tiêu thụ sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại thông qua việc mở các gian hàng nông sản Việt Nam trên các trang thương mại trong và ngoài nước như amazon, alibaba, taobao, lazada, shopee, tiki, sen đỏ, vỏ sò; triển khai mạnh mẽ hình thức livestream người nổi tiếng mua hàng, bán hàng, trực tuyến trên youtube, tiktok, facebook, zalo… nhằm mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm OCOP.
Tác giả bài viết: kinhtenongthon.vn
Nguồn tin: Chu Vũ Giáp (cập nhật)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068