Sôi nổi phong trào trồng cây mùa xuân

Sôi nổi phong trào trồng cây mùa xuân

“Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, mỗi độ xuân về, phong trào trồng cây mùa xuân tại các địa phương trong tỉnh đã trở thành nét đẹp văn hóa lan tỏa sâu rộng. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lực lượng vũ trang xã Ông Đình (Khoái Châu) trồng cây trong khuôn viên Nghĩa trang liệt sỹ xã Ông Đình

Về huyện Khoái Châu những ngày đầu năm mới, chúng tôi được hòa vào không khí lao động nhộn nhịp trên những mảnh vườn, thửa ruộng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đầu xuân, người dân nơi đây tiến hành trồng cây mới, nhiều hộ cải tạo những cây trồng kém hiệu quả chuyển sang lai ghép mầm giống mới có chất lượng tốt. Với định hướng của huyện, sự năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của người dân, đến nay nhiều diện tích cấy lúa, trồng ngô, đỗ thu nhập thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đặc sản như: Nhãn, cam, bưởi... cho thu nhập cao hơn nhiều so với trước. Hiện nay, toàn huyện có gần 4.000ha cây ăn quả, một số sản phẩm phát triển thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương như: Nhãn lồng ở các xã Hàm Tử, An Vĩ, Đông Kết, Bình Kiều; cam, bưởi trồng ở các xã Tân Dân, Dân Tiến, Đông Tảo, Phùng Hưng... Bên cạnh đó, nhiều loại cây ăn quả, cây bóng mát được trồng phân tán ở các cơ quan, công sở, ven đường cũng góp phần nâng cao giá trị thu nhập đồng thời tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Năm 2023, huyện Khoái Châu phấn đấu trồng 6.510 cây nhân dân, gồm các loại cây ưu tiên chính: Kèn hồng, bằng lăng, Osaka hoa vàng... Để việc trồng cây mùa xuân tạo sức lan tỏa, đạt hiệu quả, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân gắn việc trồng cây với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cải tạo vườn tạp, lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng để thay thế các loại cây già cỗi, giá trị kinh tế thấp; huyện giao chỉ tiêu đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lựa chọn các địa điểm công cộng để trồng các loại cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường…Bà Phạm Thị Bích, ở thôn Tiểu Quan, xã Phùng Hưng cho biết: Thời tiết thuận lợi, kèm theo những cơn mưa xuân là thời điểm thích hợp để trồng cây. Do đó, những ngày đầu năm, tôi quyết định cải tạo lại 4 sào ruộng cấy lúa của gia đình sang trồng cây nhãn. Mong mưa thuận, gió hòa để cây sinh trưởng, phát triển tốt…

Anh Nguyễn Huy Long chủ vườn ươm cây giống ở thôn Hồng Châu, xã Tân Châu (Khoái Châu) cho biết: Dịp đầu năm, vườn ươm cây giống với diện tích 1 mẫu của gia đình tôi tấp nập người mua. Các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đến tận vườn mua cây về trồng. Hàng nghìn giống cây, chủ yếu là cây ăn quả như: Mít, bưởi, táo, ổi, cam, xoài..., cây bóng mát với nhiều kích thước khác nhau.

Tết trồng cây đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp và ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong cải thiện môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây còn là nhiệm vụ trong những ngày đầu xuân, nhằm tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi, trong các cấp Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trong tỉnh.Hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ - Xuân Quý Mão 2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phát động mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ trồng ít nhất 1 cây xanh, mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất 1 công trình cây xanh; mỗi hội LHPN huyện, thị xã, thành phố trồng ít nhất 1 tuyến đường cây xanh, duy trì chăm sóc, nhân rộng ít nhất 10 tuyến đường hoa kiểu mẫu, hỗ trợ trồng, gắn biển ít nhất 1 “Vườn cây sinh kế, khởi nghiệp”; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác hội và nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Hội viên phụ nữ huyện Văn Lâm hưởng ứng Tết trồng cây
Hội viên phụ nữ huyện Văn Lâm hưởng ứng Tết trồng cây

Vừa qua, Hội LHPN huyện Văn Lâm tổ chức trồng 41 cây muồng hoàng yến ở xã Lương Tài. Ngay từ sáng sớm, các hội viên phụ nữ có mặt đông đủ, mỗi người một việc, ai nấy đều nhiệt tình, hồ hởi mong muốn góp sức mình lan tỏa phong trào trồng cây đầu xuân. Chị Lê Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội LHPN huyện Văn Lâm cho biết: Hội LHPN huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình trồng cây xanh giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu, phấn đấu các cấp hội LHPN trong huyện trồng khoảng 2,1 nghìn cây xanh các loại, trong đó trồng 1.550 cây xanh tại các tuyến đường công cộng, khu dân cư… và xây dựng 11 công trình cây xanh có gắn biển “Vườn cây sinh kế khởi nghiệp” tại các hộ gia đình hội viên, phụ nữ với số lượng ít nhất 550 cây… Các loại cây được lựa chọn trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, canh tác, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương. 

Hội viên hội LHPN huyện Yên Mỹ hưởng ứng Tết trồng cây năm 2023
Hội viên hội LHPN huyện Yên Mỹ hưởng ứng Tết trồng cây năm 2023

 

Trồng cây vào dịp đầu xuân năm mới đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một mỹ tục trong truyền thống của người Việt. Ngày nay, việc trồng, bảo vệ cây được người dân quan tâm, coi là trách nhiệm của mình, góp phần bảo vệ môi trường. Căn cứ điều kiện thực tiễn, tỉnh đã định hướng mỗi địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, từ đó lựa chọn trồng những loại cây phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện kế hoạch trồng cây nhân dân năm 2022, toàn tỉnh đã trồng mới 17.880 cây xanh các loại, đạt 162% kế hoạch.Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, phấn đấu trồng 17.200 cây xanh các loại, góp phần cùng với cả nước hoàn thành mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh “vì một Việt Nam xanh” vào năm 2025.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068