Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp: Đồng hành với người dân trong sản xuất

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp: Đồng hành với người dân trong sản xuất

Đến nay, toàn tỉnh có 149 hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Sau khi chuyển đổi các HTX vẫn phát huy vai trò đồng hành cùng thành viên, người dân trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.  
 

Người dân mua vật tư nông nghiệp tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Việt Hưng, xã Việt Hưng (Văn Lâm)

 

Xã Nhật Tân (Tiên Lữ) hiện nay có trên 240ha gieo cấy lúa. Trước đây, phần lớn diện tích sản xuất của người dân nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả kinh tế không cao. Với vai trò của mình sau khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nhật Tân đã có nhiều cách làm nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó thành công trong việc liên kết sản xuất lúa giống với Công ty cổ phần tập đoàn giống cây trồng Thái Bình (Thái Bình) đã góp phần tăng doanh thu cho HTX, giúp thành viên, người dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàng năm, để bảo đảm chất lượng lúa giống, HTX đã phối hợp với công ty hướng dẫn các hộ tham gia mô hình từ khâu làm đất, gieo mạ đến khâu chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh. Mỗi vụ sản xuất, HTX phối hợp với doanh nghiệp tổ chức 10 - 15 buổi tập huấn cho người dân. Từ 20 mẫu trình diễn đầu tiên, đến nay, HTX duy trì liên kết gần 100 mẫu lúa giống, với 80 hộ dân trong xã tham gia. Việc liên kết sản xuất lúa giống không chỉ giúp người dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra sản phẩm mà còn hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, mỗi năm nông dân trong xã xuất bán trên 100 tấn thóc giống; toàn xã xây dựng được 4 – 5 mô hình sản xuất cánh đồng mẫu với diện tích 10 – 30 mẫu. Vụ mùa này, HTX duy trì liên kết sản xuất gần 100 mẫu lúa giống.


Bà Trần Thị Vân, hộ dân có “thâm niên” trong sản xuất lúa giống ở xã cho biết: Từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa giống của HTX, tôi sản xuất lúa chuyên nghiệp hơn, được tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, mặt khác không sợ được mùa, mất giá do công ty thu mua giá cao hơn so với thị trường. Hàng năm, một sào cấy lúa giống cho thu nhập cao hơn cấy lúa khoảng 1,5 triệu đồng. Vụ này, gia đình tôi cấy 2 mẫu lúa giống.


Tại HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Lương Bằng (Kim Động), những ngày này, ngoài việc phân công cán bộ, thành viên thực hiện vận hành máy cày bảo đảm tiến độ làm đất phục vụ sản xuất vụ mùa, HTX còn phân công cán bộ trực tại trụ sở để hỗ trợ, tư vấn cũng như cung cấp vật tư nông nghiệp cho người dân chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Ông Trần Ngọc Thắng, Giám đốc HTX cho biết: Trong quá trình hoạt động, HTX luôn chủ động khắc phục khó khăn, bảo đảm phục vụ sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu kịp thời, đúng cơ cấu mùa vụ. HTX đã tích cực làm tốt việc cung ứng giống, vật tư, phân bón; chủ động phối hợp với Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh bảo đảm cung cấp và tiêu thoát nước kịp thời phục vụ sản xuất; phối hợp chặt chẽ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện làm tốt công tác dự tính, dự báo, phòng, trừ sâu bệnh... Đặc biệt, năm 2020, HTX đầu tư 2 máy làm đất để phục vụ sản xuất của người dân. Nhờ đó, HTX duy trì hoạt động hiệu quả, đồng hành với thành viên, người dân trong phát triển kinh tế. 


Các HTX dịch vụ nông nghiệp sau khi thực hiện bàn giao công trình thủy lợi cho Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý, chỉ còn thực nhiệm vụ dẫn nước và các dịch vụ có kinh phí hỗ trợ của tỉnh nên hầu hết các HTX  gặp khó khăn, doanh thu thấp. Để các HTX phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động, Liên minh HTX tỉnh, Chi cục PTNT thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ HTX; tổ chức tham quan, khảo sát, học tập kinh nghiệm ở trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ khoa học, công nghệ, xúc tiến thương mại cho các HTX… Theo đánh giá của ngành chức năng, đến nay, toàn tỉnh có 80% số HTX dịch vụ nông nghiệp sau chuyển đổi duy trì, phát triển hoạt động; 8 HTX có doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm; nhiều HTX đã thực hiện tổ chức lại sản xuất, củng cố dịch vụ và năng động phát triển thêm dịch vụ kinh doanh phù hợp với thị trường, phát huy hiệu quả vai trò là “bà đỡ” của sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068