Tiêu thụ nông sản: Không thể trông chờ vào lòng trắc ẩn

Tiêu thụ nông sản: Không thể trông chờ vào lòng trắc ẩn

Đã có nhiều loại nông sản Việt được tiêu thụ nhờ một chiến dịch giải cứu, nhờ kêu gọi sự giúp đỡ của cư dân mạng như: Dưa hấu miền Trung, hoa ly Tây Tựu (Hà Nội), hành tím Sóc Trăng và bây giờ là chuối Đồng Nai. Những giải pháp tình thế ấy dù rất đáng quý, góp phần giảm bớt khó khăn cho nông dân nhưng không thể là một lựa chọn cho việc hình thành một nền sản xuất hàng hóa. Để hướng đến sự chuyên nghiệp, nhất thiết phải từ bỏ kiểu làm ăn theo phong trào.

 

Lại giải cứu

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai, toàn tỉnh có 1.700ha chuối cấy mô, tập trung ở các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú. Chuối thành phẩm loại này chủ yếu được nông dân bán cho thương lái chuyển qua thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thương lái Trung Quốc ngưng mua khiến giá chuối Đồng Nai giảm 10 lần nhưng vẫn không có đầu ra.

Anh Nguyễn Văn Vương (ngụ xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) than thở, giá quá thấp nhưng cũng không biết bán cho ai nên gia đình để chuối chín trên cây, rụng vàng gốc. “Nếu có người mua với giá 1.500 đồng/kg thì tiền thu được cũng không bù chi phí thuê nhân công thu hoạch. Trái chín rụng đầy vườn, tôi tiếc lắm, nhưng chặt về cũng không biết để làm gì”, anh Vương cho biết.   

Theo anh Trần Văn Mẫn (xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom), đầu năm 2016, thấy hàng xóm trúng vụ chuối nên anh thuê 4.000m2 rẫy để trồng. Khi cây bước vào đợt thu hoạch đầu tiên thì giá giảm, không bán được. “Đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng giờ chấp nhận bỏ không. Chỉ hy vọng giá lên trở lại để vớt vát phần nào từ những buồng chưa chín”, anh Mẫn than.   

Tương tự, năm 2016, thấy trồng chuối già hương có ăn, lại sẵn có vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp, ông Vũ Văn Thanh, ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), phá bỏ cà phê, đầu tư gần 150 triệu đồng để trồng chuối già hương xuất khẩu. Khi xuống giống trong vườn, chủ vựa chuối trong huyện hứa với ông Thanh sẽ bao tiêu sản phẩm, còn giá tùy thuộc vào thị trường. Ăn Tết Đinh Dậu xong, chuối chín đầy trong vườn, ông gọi thì thương lái từ chối vì thị trường Trung Quốc không nhập hàng, trong khi thị trường nội địa tiêu thụ rất ít.

Vào thời điểm này của những năm trước, giá chuối già hương thu mua tại vườn dao động 13.000 - 17.000 đồng/kg, nhưng hiện tại chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng, nhưng chẳng có ai mua. Bí bách, nông dân phải đổ bỏ và mang cho dê, bò ăn.

Chuối ế, chín rục góc vườn, nông dân lao đao vì gánh nợ. Ngay lập tức, thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, một chiến dịch “giải cứu chuối” được phát động mà lực lượng nòng cốt là thanh niên, sinh viên. Và như bao lần giải cứu nông sản qua mạng khác, một lượng lớn chuối đã được tiêu thụ nhờ vào lòng trắc ẩn của nhiều người.

Ngày 24/2, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 3 ngày thực hiện chiến dịch “cứu chuối”, hội đã giúp nông dân tiêu thụ trên 20 tấn. “Ban đầu, thanh niên mua của nông dân với giá 4.000 đồng/kg. Khi lượng chuối bán ra tương đối ổn định, chúng tôi tăng giá thu mua  lên mức 5.000 đồng/kg”, chị Nguyễn Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai, nói.

Theo chị Hiền, hiện 15 doanh nghiệp, cơ quan trong tỉnh đã liên hệ với tỉnh Đoàn để đặt mua chuối phục vụ trong bếp ăn cho nhân viên. Một số doanh nghiệp chế biến cũng liên hệ với cơ quan này để kết hợp, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản.

Chiến dịch “cứu chuối” được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai phối hợp với Hội doanh nhân trẻ Đồng Nai và Công ty cổ phần Nhân ái vòng tay Việt thực hiện từ ngày 21/2. Theo kế hoạch, 35 cán bộ, thanh niên, nhân viên của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai bỏ tiền túi làm quỹ để thu mua chuối cho người dân. Số nông sản mua về sẽ được phân bổ đến 9 điểm bán ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) và nhiều điểm khác ở TP.Hồ Chí Minh.

Để giúp nông dân tiêu thụ hàng chục ngàn tấn chuối bước vào đợt thu hoạch, UBND tỉnh Đồng Nai thành lập Ban chỉ đạo hỗ trợ tiêu thụ chuối giúp nông dân do ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai làm trưởng ban.

Theo thống kê, từ nay đến hết tháng 4, Đồng Nai còn khoảng 17.000 tấn chuối bước vào đợt thu hoạch, tập trung tại các huyện Trảng Bom, Xuân Lộc, Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú. Trong đó, ba huyện Thống Nhất, Định Quán và Tân Phú đã tìm được đầu ra cho sản phẩm; hai huyện Trảng Bom và Xuân Lộc với khoảng 10.000 tấn chuối chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Theo phong trào và thiếu hiểu biết: “Chết”

Có một thực tế là, dù Đồng Nai có diện tích chuối lớn như vậy nhưng hầu hết được tiêu thụ tại TP.Hồ Chí Minh dưới dạng trái tươi hoặc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Khi giá chuối tăng cao trong năm 2015, nhiều nông dân đổ xô trồng làm cho diện tích vọt lên “không thể kiểm soát”, nhưng chủ yếu là trồng nhỏ lẻ, chưa có trang trại chuối sản xuất theo quy mô công nghiệp.

Về đầu ra, thị trường tiêu thụ chuối Đồng Nai nhiều nhất là Trung Quốc hiện đang vào vụ thu hoạch, lại được mùa, nên nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh, khiến mặt hàng nông sản đang vào mùa này ở Đồng Nai rơi vào thế hoàn toàn bị động.

Trái ngược với tình trạng “giải cứu chuối” ở Đồng Nai, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuối vẫn đánh giá cao tiềm năng của mặt hàng này, đặc biệt là xuất sang Nhật Bản. Theo ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình, trong các loại trái cây, Nhật Bản chủ yếu nhập chuối, khoảng 1,2 triệu tấn/năm, trong đó, chuối nhập từ Philippines chiếm 82%, Nam Mỹ 14%, còn lại là các nước khác. Doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung chuối nên chuối Việt Nam với vị ngọt vừa, vừa bùi, vừa dẻo đang có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường này. Đặc biệt, nếu thâm nhập được vào thị trường Nhật, trái chuối Việt Nam sẽ có cơ hội vươn tới nhiều quốc gia khác.

Từ tháng 4/2016 đến nay, chuối Fohla của Huy Long An - Mỹ Bình liên tục được các đối tác từ Nhật Bản ký hợp đồng mua. Chuối của công ty còn xuất sang Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo đại diện Công ty Huy Long An - Mỹ Bình, thị trường xuất khẩu của trái chuối Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, để trái chuối xuất khẩu được thì phải xây dựng vùng chuyên canh ổn định, canh tác theo quy trình sạch, khép kín.

Việc tổ chức sản xuất chuối tập trung, diện tích lớn nhất thiết phải có quy hoạch vùng trồng, điều này vượt xa khả năng của nông dân. Như vậy, để chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân phải liên kết thành lập hợp tác xã, hoặc doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối để bà con sản xuất theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, có như vậy thì tình trạng “cứu chuối” mới không tái diễn.

Sản xuất theo phong trào nhưng vẫn manh mún là thực tế đang xảy ra ở những vùng trồng chuối tỉnh Đồng Nai. Theo Sở Công Thương tỉnh này, thời gian qua, có một số doanh nghiệp đến các khu vực trồng chuối tìm hiểu, giúp nông dân thu mua chuối. Tuy nhiên, do sản phẩm chuối tại Đồng Nai hiện chưa đủ sản lượng cũng như quy chuẩn trồng chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nên mới dừng lại ở bước khảo sát để có hướng giúp tiêu thụ chuối.

Câu hỏi đặt ra là, thời gian gần đây, đã có nhiều cuộc “giải cứu nông sản” được tổ chức sau một biến động về thị trường (chủ yếu là do phía Trung Quốc ngừng thu mua trong khi nông dân sản xuất quá nhiều). Về mặt xã hội, đây là nghĩa cử đẹp, hành động nhân văn. Nhưng đằng sau chuyện “giải cứu nông sản” đã bộc lộ quá nhiều bất ổn. Nguyên nhân “chuối ế” không mới, cũng là tình trạng trồng ồ ạt, đến khi thị trường dư thừa thì rớt giá, dội chợ. Chúng ta hẳn còn nhớ những trường hợp giải cứu cho hành tím Sóc Trăng, thanh long Bình Thuận hay khoai lang Vĩnh Long trước đây, đều do sản xuất không gắn thị trường rồi rơi vào… thế bí.

Rõ ràng, không phải bây giờ mà “tín hiệu trục trặc” của thị trường nông sản và điểm yếu trong kết nối cung- cầu đã bộc lộ trong nhiều năm qua. Nông sản gặp khó đã được nhận diện do thời gian dài, nông dân chủ yếu “hái trái ở cành thấp”, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nhất là làm ăn thiếu liên kết. Trong khi, kênh tiêu thụ, phân phối, phân khúc thị trường nông sản gặp “vấn đề” lớn, nông sản đang bị “chặt ra” thành nhiều khúc trước đến khi đến tay người tiêu dùng. Đã đến lúc phải tìm một con đường phát triển chuyên nghiệp, bài bản thay vì trông chờ vào tình thương như hiện nay.

Trung Quốc cũng là quốc gia trồng được chuối, song Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, có lợi thế hơn về mặt khí hậu. Chuối là cây không chịu được lạnh, vào mùa đông, Trung Quốc hầu như không có chuối, trong khi cây chuối ở miền Nam nước ta trồng bất kỳ mùa nào trong năm. Vậy nhưng điều này lại không được xem xét thấu đáo, cả từ người dân, cả từ cơ quan chuyên ngành.

 

Tác giả bài viết: Chu Vũ Giáp (cập nhập)

Nguồn tin: kinhtenongthon.com.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068