Nông nghiệp ĐBSH: Tạo sự đột phá trong phát triển chăn nuôi

Nông nghiệp ĐBSH: Tạo sự đột phá trong phát triển chăn nuôi

Giá trị sản xuất của lĩnh vực chăn nuôi toàn tỉnh Thanh Hóa mỗi năm ước đạt khoảng gần 6.000 tỷ đồng, chiếm gần 30% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Do vậy, phát triển chăn nuôi, tạo ra sự đột phá là hướng tập trung của toàn tỉnh.

Thanh Hóa: Tạo sự đột phá trong phát triển chăn nuôi

Để ngành chăn nuôi phát triển theo hướng nâng cao giá trị và bền vững, trên cơ sở hoạch toán hiệu quả kinh tế, phân tích nhu cầu thực tế của thị trường, dự báo xu thế phát triển và tính phù hợp đối với điều kiện, trình độ sản xuất, tỉnh đã lựa chọn phát triển một số loại con nuôi lợi thế, gồm: Bò sữa, bò thịt chất lượng cao, lợn nạc, gà lông màu và con nuôi đặc sản.

Theo đó, mục tiêu mà tỉnh ta đặt ra đến năm 2020 là phát triển đàn bò sữa đạt 50.000 con, sản lượng sữa đạt 126.000 tấn; phát triển đàn bò thịt chất lượng cao đạt 30.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 10.000 tấn; đàn lợn hướng nạc đạt 520.000 con, sản lượng thịt hơi đạt 229.000 tấn; gà lông màu đạt 8 triệu con và con nuôi đặc sản đạt hơn 2 triệu con.

Để phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm cho các con nuôi lợi thế, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã và đang tập trung khuyến khích các chủ trang trại ứng dụng công nghệ chăn nuôi khép kín, làm mát cho đối tượng con nuôi là lợn ngoại hướng nạc, gà lông màu.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc du nhập, cải tạo và nâng cao chất lượng giống vật nuôi, thực hiện nghiêm việc quản lý giống vật nuôi theo pháp lệnh giống. Tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng kháng sinh cấm, chất cấm trong chăn nuôi, kiểm tra lấy mẫu phân tích chất lượng thức ăn chăn nuôi để bảo vệ lợi ích chính đáng của người chăn nuôi và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau gần 5 năm thực hiện định hướng, mục tiêu về phát triển các loại con nuôi lợi thế, tính đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh đã tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi với 6.500 con bò sữa, tăng 4,3 lần so với năm 2013; bò thịt chất lượng cao có 17.150 con, tăng 100%; lợn hướng nạc có 345.000 con, tăng 56%; gà lông màu phát triển được 5,8 triệu con, tăng 23%; lợn sữa xuất khẩu 275.000 con, tăng 1,5 lần. Đối với các con nuôi đặc sản, toàn tỉnh đã phát triển được 454.000 con gà ri, gà mía, tăng 106,3%; đàn lợn mán, lợn cỏ, lợn rừng có 12.750 con, tăng 15,9%; đàn vịt Cổ Lũng, vịt bầu, vịt cỏ khoảng 50.000 con, tăng 5 lần.

Bên cạnh việc phát triển về tổng đàn, những năm qua, tỉnh còn thu hút và triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, trong đó đối tượng chủ yếu là các con nuôi lợi thế, điển hình như: Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đầu tư xây dựng các trại bò, đã nhập về trên 6.000 con bò sữa; Công ty CP chăn nuôi Bá Thước đầu tư dự án bò thịt chất lượng cao, quy mô 20.000 bê đực được nhập về từ Úc; Công ty CP Nông sản Phú Gia và Tập đoàn Mastergood - Hunggary đầu tư dự án xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến gia cầm xuất khẩu VietAvis, quy mô 2.500 con gia cầm/giờ; Công ty TNHH New Hope Singapore đầu tư dự án trang trại chăn nuôi, quy mô 9.000 lợn nái và 250.000 lợn thịt.

 

 

Hải Phòng: Thu nhập cao gấp 5 lần nhờ mô hình trồng rau nhà lưới

Theo anh Bùi Văn Long (ở thôn 1, xã Xuân Đám, huyện Cát Hải), mô hình “Nhà lưới trồng rau an toàn thích ứng biến đổi khí hậu” được triển khai trên địa bàn thôn từ vụ đông xuân năm 2018, đến nay, mang lại thu nhập cao và ổn định cho 9 hộ tham gia, với thu nhập hơn 60 triệu đồng/sào/năm, cao gấp 5 lần so với trồng rau theo phương thức cũ.

Mô hình nhà lưới giúp cây trồng tránh côn trùng, sương muối, dịch bệnh… Do đó, sâu bệnh giảm tới 80% so với trồng rau thông thường, hầu như không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, góp phần giảm chi phí, bảo vệ đất không bị thoái hóa. Đặc biệt, với nhà lưới, người dân có thể trồng rau lệch vụ, trái vụ, giá trị sản phẩm tăng gấp đôi. Bước đầu, các hộ dân trồng gần 1 nghìn m2 rau an toàn trong nhà lưới với các loại rau chủ yếu là mùng tơi, muống, cải xanh, bí, dền. Dự kiến, mô hình được nhân rộng trên địa bàn xã.

Mô hình nhà lưới trồng rau an toàn thích ứng biến đổi khí hậu do Đoàn Thanh niên xã Xuân Đám chủ trì thực hiện, với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (gọi tắt là MCD, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn biển và phát triển bền vững vùng ven biển Việt Nam). MCD hỗ trợ địa phương đầu tư nhà lưới, giống, máy bơm nước, đồng thời tập huấn kỹ thuật trồng rau trong điều kiện khắc nghiệt ở xã đảo, kỹ thuật ủ phân vi sinh bón cho rau.

Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án “Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Hồng” do Mỹ tài trợ và MCD chủ trì thực hiện tại 3 huyện: Giao Thủy (tỉnh Nam Định), Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) và Cát Hải (thành phố Hải Phòng).

 

Mùng tơi, rau dền là những loại rau chủ lực bởi sức sống khỏe, phù hợp điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở xã đảo. (Ảnh: BHP)

 

Bắc Ninh: Thuận Thành tập trung thu hoạch "xanh nhà hơn già đồng"

Để giảm thiểu những thiệt hại do mưa bão cuối vụ gây ra những ngày này nông dân huyện Thuận Thành tập trung xuống đồng thu hoạch nhanh diện tích lúa mùa theo phương châm: “xanh nhà hơn già đồng” đồng thời đẩy nhanh tiến độ làm đất, chuẩn bị các điều kiện gieo trồng cây màu vụ đông.

Vụ mùa năm nay, thị trấn Hồ gieo cấy xấp xỉ 220ha lúa, chủ yếu gồm các giống: Khang dân, BC15, TBR225, Thiên ưu 8, Q5, Tẻ thơm, Nếp các loại… Giai đoạn cuối vụ, mặc dù tình hình sâu, bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt sâu đục thân, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá- đốm sọc vi khuẩn phát sinh, gây hại mạnh, tuy nhiên với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, sự nỗ lực của bà con nông dân, lúa mùa vẫn cho năng suất khá. Đến hết ngày 11-10, thị trấn đã thu hoạch được 150ha lúa, năng suất trung bình hơn 55 tạ/ha.

Cùng với thị trấn Hồ, những ngày này nông dân các xã trong huyện xuống đồng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa tránh những thiệt hại do mưa lũ cuối vụ gây ra. Với gần 200 máy gặt đập liên hợp và hàng trăm máy tuốt liên hoàn, thời vụ thu hoạch lúa mùa của nông dân Thuận Thành được rút ngắn đáng kể. Nếu như trước đây thời vụ kéo dài khoảng 1 tháng thì nay được rút ngắn còn khoảng nửa tháng.

Hiện nay, 5.290ha lúa mùa của huyện đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch với năng suất ước đạt 55 tạ/ha, giảm hơn 1 tạ/ha so vụ mùa năm trước. Nguyên nhân năng suất lúa giảm do nông dân chuyển đổi cơ cấu giống từ lúa năng suất sang chất lượng cao. Để hạn chế những thiệt hại có thể xảy ra do mưa bão cuối vụ, UBND huyện chỉ đạo các địa phương huy động tối đa nhân lực, phương tiện tập trung thu hoạch lúa mùa khi lúa chín từ 90-95%.

 

 

Hải Dương: 37.000ha lúa được thu hoạch bằng máy

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, đến nay toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 45.000ha lúa mùa, đạt 80% kế hoạch, ít hơn 5.000 ha so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó có 37.000ha được thu hoạch bằng máy. Có 2 huyện đã thu hoạch xong là Nam Sách, Thanh Miện. Huyện Thanh Hà có tiến độ thu hoạch chậm nhất, mới đạt gần 50% kế hoạch. Các địa phương còn lại thu hoạch được từ 60 - 80% diện tích gieo cấy.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương vận động người dân huy động nhân lực, máy móc khẩn trương thu hoạch lúa mùa để giải phóng đất trồng cây vụ đông. Với diện tích lúa mùa muộn cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phòng trừ kịp thời bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, thối thân.

 

Sử dụng máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa đã trở thành phổ biến ở các vùng quê. 

 

Tác giả bài viết: Chu Vũ Giáp (cập nhập)

Nguồn tin: baomoi.com

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068