Những ngày này, trên những cánh đồng, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tất bật chăm sóc và thu hoạch cây vụ đông ngắn ngày để cung ứng ra thị trường.
Nông dân xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) chăm sóc cây rau màu vụ đông
Từ lâu, xã Thiện Phiến là một trong những địa phương dẫn đầu huyện Tiên Lữ về diện tích và sản lượng rau màu vụ đông. Với diện tích trên 70 héc-ta rau màu vụ đông, xã đã xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chủ yếu với cây rau màu các loại như: Rau cải, su hào, cải bắp, cà chua, ngô... Đồng chí Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiện Phiến cho biết: Để phát triển diện tích trồng rau vụ đông, Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành chức năng của huyện Tiên Lữ tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và lựa chọn loại cây trồng phù hợp với thời vụ, thổ nhưỡng... Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường canh tác hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ để bảo đảm an toàn thực phẩm; đồng thời khuyến khích người dân đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nước tự động... góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Nhanh tay tưới những luống rau xanh mơn mởn, ông Đinh Văn Hiền, ở thôn Tân Khai, xã Thiện Phiến cho biết: Nhiều năm nay tôi duy trì trồng 3 sào cây rau giống và rau thương phẩm vào vụ đông. Tôi ưu tiên trồng các loại rau có chu kỳ sinh trưởng ngắn, được thị trường ưa chuộng như: su hào, cải bắp, cà chua... Trước khi xuống giống, tôi cải tạo đất, chia ruộng thành luống, đánh luống cao để dễ thoát nước; nếu phát hiện sâu bệnh thì dùng chế phẩm sinh học để phòng trừ. Trồng rau giống tốn công và chi phí cao hơn so với rau thương phẩm tuy nhiên lợi nhuận mang lại cao hơn gấp 2 – 3 lần so với rau thương phẩm. Cây rau giống trồng khoảng 30 ngày được thu 1 lứa, vụ đông tôi gieo 2 – 3 lứa, mỗi lứa mang lại thu nhập trên 10 triệu đồng/sào.
Trên cánh đồng xã Vĩnh Xá (Kim Động), những ngày này ngay từ sáng sớm đã nhộn nhịp ô tô, xe máy của thương lái tới thu mua, đóng gói, vận chuyển rau đi khắp các tỉnh, thành phố tiêu thụ. Vụ đông năm nay, toàn xã gieo trồng 91 héc-ta rau màu, tăng khoảng 17 héc-ta so với năm trước; trong đó, diện tích cây bí xanh, bí ngô chiếm khoảng 60%; còn lại là diện tích trồng ngô, dưa chuột, các loại cây rau màu khác… Thời điểm này, nông dân đang thu hoạch cây vụ đông sớm như: bí ngô bao tử, rau các loại. Theo tính toán của địa phương, mỗi sào trồng cây vụ đông mang lại cho người dân thu nhập 5 - 6 triệu đồng/vụ.
Nông dân xã Vĩnh Xá (Kim Động) thu hoạch bí ngô bao tử
Gia đình bà Đào Thị Lợi ở thôn Đào Xá, xã Vĩnh Xá là một trong những hộ tiêu biểu trong sản xuất vụ đông. Năm nay, bà trồng 2 mẫu bí xanh, bí ngô. Nhờ thời tiết thuận lợi, cây bí không bị sâu bệnh, sản lượng và chất lượng đều vượt mong đợi. Bà Lợi cho biết: Nhiều năm nay, cây trồng vụ đông đã mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi. Trồng bí tuy vất vả nhưng nếu trồng sớm, chăm sóc đúng kỹ thuật và gặp thời tiết thuận lợi, hiệu quả kinh tế khá cao. Với giá bán từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg bí xanh, bí đỏ, mang lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 100 triệu đồng từ sản xuất vụ đông.
Với chủ trương phát triển vụ đông theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị, ngay từ đầu vụ, huyện Kim Động đã giao chỉ tiêu cụ thể về diện tích cho từng địa phương; chú trọng mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong sản xuất vụ đông; tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Đến nay, nông dân trong huyện đã gieo trồng 632 héc-ta cây vụ đông, đạt 105% kế hoạch tỉnh giao. Cụ thể: ngô 170 héc-ta; bầu, bí các loại 100 héc-ta; rau các loại, lạc, đậu tương, khoai tây, cây dược liệu và hoa cây cảnh 362 héc-ta. Trong đó, nhiều diện tích là những loại cây ưa ấm, phù hợp với thời tiết đầu vụ, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch, thị trường tiêu thụ thuận lợi và được giá. Hiệu quả kinh tế mà cây vụ đông sớm mang lại cao gấp 1,5 – 2 lần so với cây vụ đông chính vụ. Bên cạnh niềm vui thu hoạch, tiêu thụ cây vụ đông sớm, nông dân các địa phương trong huyện đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhóm rau, củ ưa lạnh để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.
Theo thông tin từ Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến ngày 29/11, toàn tỉnh gieo trồng 6.176 héc-ta cây vụ đông, đạt 100% kế hoạch; trong đó có 1.120 héc-ta ngô; 585 héc-ta bầu, bí các loại; 917 héc-ta hoa, cây cảnh; 98 héc-ta cây dược liệu; 79 héc-ta lạc, đậu tương; 72 héc-ta khoai tây; còn lại là rau màu các loại. Đến nay, 1.713 héc-ta cây vụ đông cho thu hoạch, tập trung nhóm bầu, bí, rau các loại.
Mặc dù hiệu quả kinh tế từ vụ đông mang lại đạt khá cao, nhưng sản xuất vụ đông trong tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như: giá nông sản phụ thuộc vào thị trường, chi phí sản xuất tăng cao, sự cạnh tranh của nông sản nhập khẩu... Hiện nay, nông dân tiếp tục mở rộng diện tích cây vụ đông bằng các loại cây rau màu ngắn ngày và nhóm cây ưa lạnh; đồng thời tiến hành chăm sóc, bảo vệ những diện tích đã trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... để nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm; thu hoạch những diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch; tuân thủ nghiêm thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật, phân bón để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068