Nhiều làng nghề ở Hưng Yên chưa mặn mà với nhãn hiệu tập thể

Nhiều làng nghề ở Hưng Yên chưa mặn mà với nhãn hiệu tập thể

Làng nghề chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi) được hình thành từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước. Năm 2004, làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. 

 

Trước sự biến động của thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng, những người thợ ở Huệ Lai đã không ngừng đổi mới, tìm hướng phát triển để tháo gỡ khó khăn. Một số cơ sở cũ sáp nhập lại với nhau, một số cơ sở mới thành lập, tăng cường đổi mới mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu... Nhờ đó, sản phẩm chạm bạc Huệ Lai được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng. 

 

Tuy nhiên, những năm gần đây sản phẩm chạm bạc Huệ Lai bị xâm phạm và lợi dụng. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này không có cơ sở đặt ở làng nghề, cũng không sản xuất sản phẩm theo quy trình kỹ thuật của người dân Huệ Lai nhưng vẫn quảng cáo rộng rãi (trên cả internet và các ấn phẩm) là sản phẩm chạm bạc Huệ Lai, gây ảnh hưởng đến uy tín làng nghề và thu nhập của các cơ sở kinh doanh sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ.

 

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Ân Thi có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở làm nghề chạm bạc ở Huệ Lai, về vốn, cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giữ gìn nghề truyền thống... 

 

Bên cạnh đó, nhằm tạo bước phát triển bền vững, phát huy lợi thế của làng nghề, dựa trên những kết quả của làng nghề và đánh giá khoa học về sản phẩm được chế tác từ bạc ở thôn Huệ Lai, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận NHTT “Chạm bạc Huệ Lai” số 15923/QĐ-SHTT ngày 23.3.2016 cho làng nghề chạm bạc Huệ Lai. Qua đó giúp nâng cao uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như tháo gỡ khó khăn về thị trường và cạnh tranh cho các cơ sở sản xuất làng nghề.

 

Cũng như sản phẩm chạm bạc Huệ Lai, cùng với sự cố gắng của các cấp chính quyền và người dân thị trấn Bần Yên Nhân (Mỹ Hào), năm 2011, sản phẩm Tương Bần được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận Nhãn hiệu tập thể (NHTT). 

Sau khi được công nhận NHTT, các hộ sản xuất thành viên thuộc Hội Tương Bần (đơn vị sở hữu và quản lý nhãn hiệu sản phẩm) đã tập trung sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm. 

 

Bên cạnh đó, Hội tương Bần đã thực hiện quy chế sử dụng NHTT rất chặt chẽ và hiệu quả. Những doanh nghiệp, cơ sở nào muốn gắn NHTT Tương Bần vào nhãn mác sản phẩm phải có đủ điều kiện do Hiệp hội làng nghề Tương Bần Hưng Yên kiểm tra, xác nhận. Nguyên liệu chế biến Tương Bần từ đỗ tương, gạo nếp, ngô… phải được lựa chọn kỹ trước khi đưa vào sản xuất. Qua đó, đã tạo điều kiện tốt cho phát triển sản phẩm, giúp tình hình kinh doanh của các cơ sở sản xuất tương Bần hiệu quả hơn. 

 

Nhãn hiệu tập thể được xây dựng, quản lý, sử dụng một cách hiệu quả sẽ giúp sản phẩm phát triển được thương hiệu và nâng cao được giá trị trên thị trường. 

 

Đến nay, toàn tỉnh có 4 sản phẩm làng nghề được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ NHTT, gồm: Bạc Huệ Lai, Tương Bần, rượu Trương Xá và rượu Lạc Đạo.

 

Điều đó cho thấy nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh vẫn chưa mặn mà với việc xây dựng NHTT cho sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác tuyên truyền, sự hỗ trợ chưa kịp thời và đặc biệt là nhận thức của người dân làng nghề trong việc đăng ký, quản lý và phát triển NHTT còn hạn chế... 

 

Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất và mối liên kết trong các làng nghề còn yếu, các doanh nghiệp và hộ cá thể trong làng nghề sản xuất tự phát, thiếu chiến lược phát triển bền vững. Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ của làng nghề, một số đối tượng nhận thức được giá trị kinh tế của thương hiệu sản phẩm truyền thống đã chủ động đăng ký nhãn hiệu độc quyền dẫn đến nhiều làng nghề mất thương hiệu, uy tín bị ảnh hưởng. Điều này đã dẫn đến nhiều thiệt thòi cho chính sản phẩm của các làng nghề truyền thống và người dân địa phương trong quá trình hội nhập và cạnh tranh.

 

Ông Lê Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để tăng cường lợi thế cạnh tranh cho các làng nghề, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước, người dân làng nghề cần xúc tiến thành lập hiệp hội làng nghề, quy tụ các chủ cơ sở sản xuất vào một tổ chức nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và đấu tranh với các cá nhân kinh doanh hàng giả, hàng nhái…

Thời gian tới, hàng hóa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với sản phẩm ngoại nhập. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực cải tiến sản phẩm của các làng nghề, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hỗ trợ về xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, nguồn vốn, giúp các doanh nghiệp trong làng nghề đứng vững trên thị trường.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068