Năm 2017, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, thị trường, song bằng những giải pháp quyết liệt của tỉnh, ngành chuyên môn, các địa phương và sự nỗ lực của nông dân, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch tích cực; tổng giá trị sản xuất ước đạt gần 11,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,78% so với năm 2016, trong đó nông nghiệp tăng 1,27%, thủy sản tăng gần 7%.
Trong trồng trọt, nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, bảo đảm an ninh lương thực. Toàn tỉnh gieo cấy gần 70,4 nghìn ha lúa (2 vụ), giảm gần 3,8 nghìn ha so với năm 2016 do chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng cây hàng năm, chăn nuôi, nuôi thả thủy sản có giá trị kinh tế cao, phát triển kinh tế trang trại, bước đầu đã cho thu nhập và hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 lần trở lên so với sản xuất lúa. Diện tích lúa chất lượng cao chiếm 63,77% diện tích gieo cấy; năng suất lúa bình quân 60,21 tạ/ha/vụ; sản lượng thóc đạt gần 420 nghìn tấn.
Mặc dù ảnh hưởng bất lợi của thời tiết nhưng cơ bản các loại cây ăn quả vẫn tăng về diện tích, năng suất và sản lượng, nhất là cây ăn quả có múi, chuối tiêu hồng đã trở thành sản phẩm nổi tiếng được nhiều địa phương biết đến. Trong đó, sản lượng chuối quả ước đạt gần 45,8 nghìn tấn; sản lượng cam và cây có múi khác ước đạt 44,8 nghìn tấn, sản lượng nhãn quả trên 30 nghìn tấn. Cây rau màu phát triển theo hướng tăng diện tích, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh và thị trường các tỉnh, thành phố lân cận. Ngành Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng các địa phương thực hiện 14 mô hình quản lý theo chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng chục mô hình khảo nghiệm, trình diễn giống cây trồng mới, qua đó đánh giá, lựa chọn các giống triển vọng, có nhiều ưu điểm để đưa vào cơ cấu giống nông nghiệp của tỉnh trong những năm tới.
Trong năm, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện gần 50 cánh đồng sản xuất tập trung quy mô lớn với tổng diện tích trên 1 nghìn ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết trong các khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản như mô hình liên kết sản xuất lúa giống giữa Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp xã Hưng Đạo và HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nhật Tân (Tiên Lữ) với Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình với diện tích 140ha; liên kết tiêu thụ nhãn quả tươi giữa HTX nhãn lồng Nễ Châu (thành phố Hưng Yên) với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco, Công ty TNHH một thành viên rau quả Hà Nội…
Mặc dù năm 2017 tình hình chăn nuôi có nhiều biến động do ảnh hưởng của giá cả thị trường, nhất là giá thịt lợn giảm mạnh, khó tiêu thụ nên người chăn nuôi có xu hướng giảm đàn. Tuy nhiên, do triển khai thực hiện tốt các đề án, dự án phát triển giống vật nuôi chất lượng cao, an toàn sinh học đã góp phần duy trì chất lượng và cơ cấu con giống; tỷ lệ đàn bò lai 3 máu đạt 38%, tỷ lệ nạc hóa đàn lợn đạt trên 80%, tỷ lệ đàn gà lông màu gần 90%. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được triển khai thường xuyên, đồng bộ và kịp thời. Công tác kiểm soát chất lượng con giống, chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện tốt. Nuôi thả thủy sản phát triển ổn định với diện tích hơn 5,6 nghìn ha, tăng 95ha; sản lượng ước đạt 39,3 nghìn tấn, tăng 6,61%, giá trị sản xuất đạt trên 1,1 nghìn tỷ đồng, tăng 6,61% so với năm 2016.
Có được kết quả trên, ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương, đơn vị đã tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các hội nghị, mô hình khảo nghiệm, trình diễn, mô hình khuyến nông; triển khai kịp thời cơ chế hỗ trợ của tỉnh cho nông dân; chủ động dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh, dịch hại trên cây trồng, vật nuôi và thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức thành công các hội nghị, hội chợ tôn vinh nhãn lồng, cam Hưng Yên; tham gia 4 hội chợ do Bộ Nông nghiệp và PTNT… qua đó nông sản của tỉnh được quảng bá và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Tỉnh đã xuất 5 tấn nhãn quả của huyện Khoái Châu sang thị trường Mỹ để giới thiệu, thăm dò thị trường, được bạn hàng đánh giá cao. Cùng với những giải pháp trên, tỉnh và các địa phương có nhiều cơ chế, giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng năng lực phòng, chống thiên tai, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để phấn đấu đạt giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2018 tăng trưởng 2,6% trở lên, cần thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt các quy hoạch ngành nông nghiệp đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu phục vụ sản xuất, hướng tới xuất khẩu. Nghiên cứu chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao, phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ địa bàn nông thôn, trước hết là công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ giống, bảo quản, chế biến nông sản, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm. Huy động nguồn lực phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản của tỉnh ra thị trường...
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
Nguồn tin: baohungyen.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068