Xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) hiện có trên 400ha trồng cây ăn quả, trong đó có khoảng 90ha trồng cam. Với kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ, cây cam cho nhiều quả, đạt chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng, đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân.
Để cây cam phát triển tốt, bền vững, cho năng suất cao, đạt chất lượng tốt, người trồng cần bón lượng phân cân đối, bảo đảm nguồn nước tưới cho vườn cam, nhất là vào mùa nắng nóng, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là bệnh vàng lá gân xanh, sâu vẽ bùa, bọ cánh cứng, rệp sáp trên cam… cùng với lựa chọn sử dụng nguồn giống tốt, người trồng cam cần thường xuyên kiểm tra, vệ sinh vườn để sớm phát hiện bệnh và có những biện pháp xử lý kịp thời. Cây cam có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng vườn trồng phải bảo đảm tiêu thoát nước tốt, đất thoáng khí và không có tầng đất cứng.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm cam trên địa bàn, xã Quảng Châu đã quy hoạch 32,5ha vùng trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP với 43 hộ tham gia. Các hộ tham gia sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP được tổ chức tập huấn về quy trình sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật thâm canh. Anh Trần Văn Được ở thôn 1 cho biết: Gia đình tôi có khoảng 2ha trồng cam, trong đó 7 sào trồng cam Hưng Yên, còn lại chủ yếu là cam đường canh. Năm 2017, gia đình tôi tham gia mô hình thâm canh cam an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình chăm sóc cây, tôi đã tuân thủ làm theo hướng dẫn của mô hình như bón phân, tưới nước, bảo vệ thực vật đúng loại, đúng lúc, đúng thời gian cách ly an toàn… 100% vườn cây ăn quả của gia đình thực hiện việc phun thuốc trừ sâu cách ly trước thu hoạch khoảng 2 tháng theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho người sử dụng, nhờ đó năng suất, chất lượng cam cao hơn. Năm 2021, gia đình tôi thu hoạch trên 30 tấn cam, mang lại doanh thu gần 1 tỷ đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc cam, anh Dương Văn Độ ở thôn 3 cho biết: Cam đường canh là giống cây ăn quả khó tính nên những người trồng phải chăm sóc rất công phu, cần phải áp dụng quy trình chăm sóc nghiêm ngặt. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất để cây ra được hoa là người làm vườn phải biết được thời tiết khi nào chuẩn bị rét đậm để trước đó xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam. Bên cạnh đó, tôi thực hiện bón phân chuồng đã qua ủ và xử lý bằng men vi sinh làm cho đất được tơi, xốp, bảo đảm nhiều dinh dưỡng cho cây cam hấp thụ tốt và bền vững. Nhờ đó, cam phát triển rất tốt, lá xanh dày, cho năng suất cao, chất lượng quả được nâng lên rõ rệt, năm sau luôn cao hơn năm trước, mang nhiều nét đặc trưng như vị thơm, ngọt, đậm, quả to, mã đẹp. Anh Độ cho biết: Thường thì sâu bệnh phát triển và phá hoại vào thời kỳ cây phát lộc non, quả non như cuối mùa xuân và mùa hè trước mùa mưa, bởi vậy cần chủ động phòng, trừ sâu bệnh. Khi bước sang tháng 11 cũng là thời điểm thu hoạch cam, sâu bệnh không còn, các nấm bệnh, vi khuẩn không hoạt động. Trên diện tích 1ha đất trồng cam, trung bình hàng năm anh Độ thu được 15 tấn cam với doanh thu gần 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Biết, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất nông sản chất lượng cao xã Quảng Châu cho biết: Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây trồng có múi nói chung và cây cam nói riêng, thời gian qua, xã đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng bệnh trên cây cam. Phòng chuyên môn của thành phố phối hợp với địa phương tuyên truyền người dân lựa chọn các giống cam chất lượng cao để thay thế các cây cam bệnh, già cỗi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất và thu hoạch để nâng cao chất lượng thương hiệu cam Hưng Yên. Cây cam đã giúp nhiều hộ gia đình trong xã cải thiện kinh tế gia đình, góp phần phát triển và khẳng định thương hiệu sản phẩm. HTX đang kết nối với nông dân trồng cam, đưa sản phẩm cam sạch của người dân đến với người tiêu dùng.
Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi cùng việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp tạo điều kiện cho người dân xã Quảng Châu xây dựng vùng cam có “thương hiệu” để đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân trồng cam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường, đem niềm tin đến người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, sản lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068