Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại các làng nghề

Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại các làng nghề

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều làng nghề trên địa bàn tỉnh đã đưa máy móc vào hoạt động, thay đổi phương thức sản xuất. Qua đó, góp phần tăng năng suất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh những lợi ích mang lại, các làng nghề trong tỉnh  tồn tại  các yếu tố nguy hiểm, độc hại như: Bụi, tiếng ồn, hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ô nhiễm môi trường…
 

Sản xuất tại làng nghề hương thôn Cao, xã Bảo Khê(thành phố Hưng Yên)

 

Làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) có gần 200 hộ làm nghề. Qua khảo sát thực tế tại các cơ sở sản xuất, vẫn có không ít người lao động chưa quan tâm đến việc sử dụng bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất như: không đeo găng tay khi đổ khuôn, không đội mũ, mặc quần áo bảo hộ lao động… Một số xưởng sản xuất còn để nguyên vật liệu, sản phẩm bừa bãi, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, thương tích trong lúc làm việc. 

Làng nghề chạm bạc Huệ Lai, xã Phù Ủng (Ân Thi) ngày một phát triển, thu hút hàng trăm lao động trong và ngoài tỉnh tham gia làm việc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển thì vấn đề ô nhiễm môi trường, bảo đảm ATVSLĐ cho người  lao động của làng nghề còn nhiều bất cập. Nước thải trong quá trình sản xuất,  gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm và ô nhiễm kim loại nặng. Hàm lượng kim loại nặng trong nước thải đều vượt quy chuẩn cho phép. Chất tẩy gỉ đồng, mạ bạc chứa axit nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe của người sản xuất và người dân xung quanh. Trong khi đó hàng ngày, người lao động tại đây chỉ sử dụng khẩu trang để hạn chế tiếp xúc với các loại hoá chất và khói bụi, mạt kim loại. Ngày qua ngày, những người thợ chạm bạc phải hít thở mùi hoá chất kết tủa trong quá trình phân kim vàng, bạc nên rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, ảnh hưởng tới sức khỏe...

Tình trạng mất ATVSLĐ cũng diễn ra tại các làng nghề mộc trên địa bàn tỉnh. Thông thường, nhiều hộ làm nghề tổ chức sản xuất ngay tại nhà ở hoặc cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong khu dân cư nên mặt bằng sản xuất chật hẹp, nơi làm việc tạm bợ, thiếu ánh sáng, không bảo đảm quy định phòng cháy, chữa cháy… Tại các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, tình trạng ô nhiễm mùi do quá trình phân hủy các chất hữu cơ trong bã thải sản xuất làm phát sinh mùi hôi, khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Hiện nay, nhiều chủ sử dụng lao động tại các làng nghề chỉ thuê lao động làm việc theo hình thức thỏa thuận, không ký hợp đồng lao động khiến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. Trong khi đó, người lao động mới chỉ quan tâm đến tiền công, chưa quan tâm tới các quyền lợi chính đáng của mình. Do đó, khi xảy ra tai nạn lao động, chủ sử dụng lao động chỉ hỗ trợ một phần, người lao động phải tự lo các khoản chi phí. 

Nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ tại các làng nghề, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện  các hoạt động tuyên truyền về công tác bảo đảm ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bằng hình thức trực quan và trực tiếp như: Xây dựng pa nô, áp phích; biên soạn phát hành tờ gấp, sổ tay hướng dẫn thực hiện công tác ATVSLĐ; tổ chức các lớp tập huấn về công tác ATVSLĐ cho chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở một số làng nghề có nguy cơ cao mất ATVSLĐ; triển khai các mô hình cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn, sức khỏe người lao động.


 Hàng năm, UBND tỉnh thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành, các ngành chức năng tổ chức đoàn kiểm tra chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ tại một số nhóm làng nghề tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ. Bên cạnh đó, nhiều địa phương có làng nghề cũng đã chủ động tìm hướng giải quyết những vấn đề về môi trường, ATVSLĐ… Ví dụ như xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phân công cán bộ xã đến các thôn phát triển nghề mộc để nhắc nhở, hướng dẫn chủ cơ sở và người lao động thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các cơ sở sản xuất đồ mộc ở xã Đại Tập (Khoái Châu) quan tâm xây dựng phòng riêng, khu vực đặt máy móc có cách âm để hạn chế tiếng ồn; các lao động được đào tạo kỹ năng trước khi tiếp xúc với các loại máy móc. Cùng với đó, một số cơ sở sản xuất đồ mộc tại đây đã lắp đặt hệ thống sản xuất tự động được lập trình trên máy nên hạn chế sức lao động và sự tham gia của con người vào các khâu nặng nhọc…


Để tăng cường công tác bảo đảm ATVSLĐ trong các làng nghề, các ngành, địa phương cần tiếp tục  đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc, giảm thiểu các yếu tố nguy hại, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Các ngành chức năng cũng cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với lĩnh vực ATVSLĐ tại các làng nghề và có chế tài xử phạt nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật về ATVSLĐ để các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Lương Thị Thu Phương (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068