Đất Phụng Công (Văn Giang) nổi tiếng với nghề trồng hoa trà từ vài đời nay. Theo thị hiếu của người tiêu dùng, có thời điểm hoa trà vắng bóng, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, hoa trà lại được người chơi săn đón trở lại. Những gốc trà cổ giá trên dưới 100 triệu đồng ở những nhà vườn trên địa bàn xã Phụng Công, xã Xuân Quan (Văn Giang) đang làm nức lòng người chơi hoa, cây cảnh trong và ngoài tỉnh.
Vườn hoa trà của người dân xã Phụng Công (Văn Giang)
Xã Phụng Công có hơn 100 hộ trồng hoa, cây cảnh có trồng trà, hộ nào cũng trồng vài trăm gốc, đến cả nghìn gốc trà lớn nhỏ, giá bán từ vài trăm nghìn, vài triệu, đến vài chục triệu đồng, có những cây trà cổ có giá hàng trăm triệu đồng. Theo chỉ dẫn của đồng chí Chủ tịch UBND xã Phụng Công Đỗ Văn Dũng, chúng tôi có mặt tại vườn trà trị giá bạc tỷ của đôi vợ chồng trẻ Chử Văn Biên và Phạm Thị Huế, chủ nhà vườn Biên Huế. Đây là vườn hoa trà lớn nhất ở thôn Đại, xã Phụng Công. Nhà vườn Biên Huế hiện có hơn 2 mẫu trồng hoa cây cảnh, gần đây phát triển mạnh theo hướng chuyên trồng hoa trà với 700 gốc trà lớn nhỏ
Đưa khách tham quan đi dọc lối đi trải sỏi, quanh co uốn lượn quanh những gốc hoa trà, tiến tới đình hóng mát. Chớm vào đông, vườn trà bắt đầu nở những bông đầu tiên, thoảng trong gió có mùi thơm thanh tao dìu dịu. Vốn là loại cây cảnh được nâng niu từ thời ông cha truyền lại, anh giới thiệu từng gốc: Gốc này là trà cổ có người trả gần 100 triệu đồng, gốc kia tuy nhỏ nhưng cũng lâu năm, dáng đẹp giá vài chục triệu đồng, những chậu nhỏ cũng có giá cả triệu đồng mỗi cây... Vườn trà của anh Biên mỗi năm đem lại nguồn thu 1,5 – 2 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của vợ chồng anh Biên, trà là giống cây hoa “khó tính” bậc nhất nhì trong giới hoa, cây cảnh. Nuôi cây sống khỏe mạnh, xanh tốt đã khó, để cây ra hoa đều đẹp càng khó, và ra hoa đúng dịp đón tết lại càng khó hơn. Bởi thế mà trước đây nhiều người cũng muốn thử trồng hoa trà nhưng đành bỏ cuộc vì không chăm nổi cây. Ngày nay, người làm vườn giỏi trên đất hoa, cây cảnh ở Văn Giang đã có thể vừa kế thừa kinh nghiệm của những người làm trước, vừa ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để trồng hoa trà, phát triển thành công loài hoa, cây cảnh này thành sản phẩm hàng hóa với giá trị kinh tế cao. Hoa trà có 3 loại: Bạch trà my có hoa màu trắng muốt; Phấn hồng trà có hoa màu hồng nhạt; Thâm hồng bát diện sắc hoa đỏ thắm.
Bông hoa trà khi nở cánh hoa mịn, cánh nọ lồng vào cánh kia, thể hiện sự sum vầy, sung túc. Nhụy hoa vàng phải khi hoa bung hết cánh mới thấy. Bắt đầu vào tháng Mười âm lịch, bạch trà my sẽ nở lác đác bông đầu, sau đó đến phấn hồng, rồi hồng bát diện sẽ theo nhau nở, bông nọ nối bông kia, đến Tết Nguyên đán là cả cây rực rỡ.
Khó tính, trà phải được trồng trong khu vực nhà lưới, càng những tháng cuối năm càng phải chăm, tránh sương muối, hanh heo. Dinh dưỡng cân đối, nước tưới đủ, sử dụng phân hữu cơ, phân bón lá, bón rễ, dưỡng hoa... tùy thời điểm. Quá thừa dinh dưỡng thì cây ít hoa, có khi không ra, nhưng nếu thiếu thì cây còi cọc, cành tán yếu mỏng, hoa nhỏ. Một cây trà đẹp là phải đẹp từ gốc đến ngọn, đẹp thân, đẹp dáng, đẹp cành, đẹp lá rồi mới đẹp đến hoa, có như vậy khi cây nở hoa mỗi bông đều xinh tươi, bền lâu.
Ghé thăm một nhà vườn trồng hoa trà khác ở xã Xuân Quan, mặc dù phần lớn trà đang e ấp nụ nhưng người mua buôn đã tấp nập ra vào. Bà Vũ Thị Hồng, chủ một vườn hoa, cây cảnh trong xã cho biết: “Theo thị hiếu người mua, gia đình tôi cũng phát triển cây hoa trà được 2 năm nay. Một phần gia đình tự nhân giống, một phần mua gom lẻ của người trồng trong vùng, lúc nào trong vườn cũng có vài trăm gốc đủ loại. Mấy tuần nay khách mua buôn hoa trà đã khá đông, bởi hầu hết thời điểm này trà đã rõ nụ và chớm nở, có thể bán từ nay đến tết”.
Bà Hồng cho biết: Để người chơi có chậu hoa đẹp trong nhiều tháng, mỗi chậu đều đã được phối trộn dinh dưỡng bón cây phù hợp, người mua chỉ cần đều đặn tưới đủ nước, bảo vệ cây là cây sẽ đẹp và nở hoa đều. Những gốc nhỏ bán 500- 700 nghìn đồng, gốc to một vài triệu đồng, mức giá không rẻ nhưng người mua vẫn rất đông, nhiều khách còn đặt trước mà không đủ hàng để bán. Người sành chơi hoa trà cứ tháng Mười âm lịch là đi “săn” cây, giống như người chơi đào phải chọn đào khi đương nụ, người chơi trà cũng vậy. Chẳng thế mà cách tết vài tháng vườn trà đã đông khách ghé thăm, giáp tết là bán hết.
Có người yêu thích trà nhưng lại không có thời gian chăm sóc. Thế là sau tết lại mang cây trở lại vườn, thuê chủ vườn chăm sóc cho đến cuối năm, nhà vườn có thêm thu nhập mà người chơi yên tâm có cây đẹp đón tết. Làm giàu cho người làm vườn nơi đây, làm đẹp cho đời, hoa trà từ một thú chơi xa xưa của ông cha nay lại hiện hữu giữa cuộc sống hiện đại, mang theo vẻ đẹp thanh tao, rung động lòng người khiến mùa xuân dường như luôn ngự trị ở mảnh đất này.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)
Nguồn tin: baohungyen.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068