Hưng Yên: Vào vụ chế biến long nhãn

Hưng Yên: Vào vụ chế biến long nhãn

Thời điểm này, các vườn nhãn ở tỉnh đang vào thời kỳ chín rộ, nông dân tập trung thu hoạch nhãn. Đây cũng là thời điểm các cơ sở sản xuất, chế biến long nhãn nhộn nhịp làm nghề. Toàn tỉnh có khoảng 400 hộ làm nghề sản xuất, chế biến long nhãn, tập trung chủ yếu ở thành phố Hưng Yên và các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động... Nghề chế biến long nhãn không chỉ tạo việc làm thời vụ cho lao động nông thôn mà còn giúp giảm áp lực tiêu thụ nhãn quả tươi, đa dạng các sản phẩm chế biến từ nhãn, nâng cao hiệu quả canh tác nhãn.

Người dân ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) chế biến long nhãn

Người dân ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) chế biến long nhãn

Theo những hộ làm nghề chế biến long nhãn, để có một mẻ long nhãn thơm ngon cần đầu tư nhiều thời gian và đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo của người làm nghề. Các công đoạn hái quả, xoáy nhãn và sấy nhiệt đều được làm thủ công. Nhãn dùng làm long chủ yếu là nhãn đường phèn, nhãn Hương chi… có cùi dày, thơm, ngọt. Nhãn quả tươi sau khi thu hoạch, nhặt bỏ quả hỏng sẽ được dùng dụng cụ để xoáy nhãn lấy cùi, loại bỏ hạt và vỏ, sau đó, được đưa vào lò sấy khô bằng nhiệt. Thông thường từ 9 đến 10kg nhãn tươi sau khi sấy khô sẽ cho được khoảng 1kg long nhãn. Những múi long tươi được xếp vào phên và đưa vào lò sấy khô bằng nhiệt, thời gian sấy trung bình là 24 giờ và nhiệt độ được điều chỉnh phù hợp để múi long có màu vàng cánh gián, cùi se, mùi thơm ngậy đặc trưng. Thành phẩm long nhãn được bọc kín bằng túi ni lon, tránh tiếp xúc với không khí để không bị nấm, mốc.

Anh Đặng Văn Ứng ở thôn Đống Lương, xã Hiệp Cường (Kim Động) đã gắn bó hơn 20 năm với nghề làm long nhãn. Trung bình mỗi mùa nhãn, gia đình anh xuất bán hơn 10 tấn long nhãn. Những ngày này, xưởng chế biến của anh thường xuyên có hàng chục lao động cần mẫn xoáy nhãn. Anh Ứng chia sẻ: Để bảo đảm nguồn nguyên liệu đầu vào, tôi thường xuyên thu mua nhãn của người dân trong xã và các địa phương trong tỉnh về chế biến. Hiện nay, với 2 lò sấy, trung bình 1 ngày, 1 lò chế biến được khoảng 2 tấn nhãn tươi, cho ra khoảng 2 tạ long nhãn thành phẩm, mỗi kg long nhãn thu lãi từ 15.000 đến 20.000 đồng.

Nghề chế biến long nhãn ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) đã có từ lâu năm, không chỉ tạo thu nhập cho chủ cơ sở chế biến, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động nông nhàn trong và ngoài xã. Hằng năm, đến vụ thu hoạch nhãn, hàng trăm người dân trong xã lại cùng tham gia vào nghề làm long nhãn, trung bình mỗi hộ chế biến từ 1 đến 3 tấn nhãn tươi/ngày, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động. Chị Phạm Thị Thơm ở thôn Phương Trung, xã Phương Chiểu cho biết: Đến vụ nhãn, tôi lại tranh thủ thời gian nhận xoáy long nhãn thuê. Công việc này không vất vả mà chỉ đòi hỏi sự khéo léo, nhanh tay. Một kg nhãn quả tươi sau khi được bóc vỏ, xoáy hạt, tiền công nhận được 4 nghìn đồng, bình quân thu nhập tôi nhận được từ 100 đến 200 nghìn đồng/ngày.

Phát huy thế mạnh nông sản của địa phương, hợp tác xã (HTX) nhãn Miền Thiết, xã Hàm Tử (Khoái Châu) đã tập trung phát triển, đưa sản phẩm long nhãn tham gia chương trình OCOP nhằm khẳng định chất lượng, thương hiệu cũng như mở rộng đầu ra theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Anh Nguyễn Văn Lập, Giám đốc HTX nhãn Miền Thiết cho biết: Do được đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ hiện đại và sản xuất theo quy trình khép kín, yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực thẩm nên sản phẩm long nhãn của HTX được sản xuất ra đều đạt tiêu chuẩn theo quy định và được người tiêu dùng tin tưởng. Năm 2022, sản phẩm long nhãn của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh, góp phần đưa thương hiệu long nhãn Hưng Yên phát triển trên thị trường.

Chế biến long nhãn là nghề thời vụ, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động, tuy nhiên việc sản xuất và tiêu thụ long nhãn vẫn mang tính chất tự phát. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định nhãn hiệu long nhãn Hưng Yên và nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề chế biến long nhãn, thời gian tới, ngành chức năng, địa phương và các hộ chế biến long nhãn cần tích cực rà soát, đánh giá vùng nguyên liệu, công suất sản xuất và khả năng tiêu thụ long nhãn ở các địa phương; phối hợp giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử…

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068