Hưng Yên: Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất lúa vụ mùa

Hưng Yên: Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất lúa vụ mùa

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy hơn 26,3 nghìn ha lúa, năng suất bình quân trên 58 tạ/ha.

 

Trong đó, cơ cấu lúa mùa sớm chiếm 5 - 10% diện tích, lúa mùa trung chiếm 90 - 95% diện tích gieo cấy, bố trí gieo cấy lúa chất lượng cao từ 18,5 nghìn đến 19 nghìn ha. Phấn đấu hoàn thành gieo cấy toàn bộ diện tích trước ngày 15.7. Chủ động cho sản xuất, ngành nông nghiệp, các địa phương và nông dân trong tỉnh đang tích cực thực hiện các giải pháp để vụ lúa mùa đạt năng suất, hiệu quả cao. 
 

Chuẩn bị cung ứng thóc giống vụ mùa tại Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh

 

Thực hiện kế hoạch sản xuất vụ mùa, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị mỗi huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 3 - 4 giống chủ lực như Nếp thơm Hưng Yên, VNR20, ADI 168, Hà Phát 3, ĐH12, TBR225 để gieo cấy bảo đảm theo lịch thời vụ và cơ cấu giống. Có thể mở rộng diện tích gieo cấy một số giống lúa triển vọng như Dự hương 8, BQ, BT09 và một số giống sản xuất theo mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm như Ngọc thơm, HDT11, lúa Japonica… tổ chức gieo cấy gọn vùng và tuân thủ quy trình kỹ thuật canh tác của từng giống.


Chủ động cho sản xuất vụ mùa, cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Kim Động đang tích cực thực hiện các giải pháp như xây dựng kế hoạch sản xuất, kẻ vẽ thông báo lịch cơ cấu giống, lịch thời vụ ở các thôn, xóm, cửa hàng, đại lý kinh doanh lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật... Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Vụ mùa năm nay, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy 3,3 nghìn ha lúa, trong đó gieo cấy 2 nghìn ha lúa chất lượng; năng suất đạt 57 tạ/ha, sản lượng đạt 18,8 nghìn tấn. Huyện triển khai xây dựng 5 - 7 mô hình cánh đồng sản xuất lúa tập trung quy mô lớn với tổng diện tích trên 300ha. Trong đó có 1 - 2 mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm tại đầu bờ với diện tích khoảng 40ha. Vụ mùa này, huyện cơ cấu lúa mùa trà sớm 5 - 10% diện tích; gồm các giống Đài thơm 8, Hà Phát 3, VNR10. Gieo mạ dày xúc từ ngày 10 - 15.6, cấy từ ngày 24.6 đến ngày 30.6. Gieo mạ nền cứng đối với chân đất cao, chủ động được nước, gieo từ ngày 15  đến 18.6, cấy từ ngày 22 đến 26.6; gieo thẳng từ ngày 22 đến 26.6. Lúa mùa trà trung chiếm 90 - 95% diện tích; gồm các giống nếp các loại, Hà Phát 3, Đài thơm 8, VNR20, Tiền Hải 1, TBR225, ĐH12. Gieo mạ dày xúc từ ngày 15 đến 20.6, cấy từ ngày 25.6 đến 5.7; gieo mạ nền cứng từ ngày 20 đến 25.6, cấy từ ngày 28.6 đến 15.7; gieo thẳng từ ngày 28.6 đến 5.7. Toàn huyện phấn đấu hoàn thành gieo cấy trước ngày 15.7. Sản xuất vụ mùa thường gặp mưa, bão và đây cũng là thời gian có lượng mưa lớn tập trung trong năm. Vì vậy, vụ mùa năm 2022, công tác dự phòng giống lúa được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, dự phòng mất lúa từ sau gieo cấy đến cuối tháng 7, chủ yếu tập trung vào nhóm giống lúa ngắn ngày dùng để xử lý khi mưa lớn gây ngập úng làm mất mạ, mất lúa mới cấy, sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như: Đài thơm 8, VNR20; thời gian gieo từ ngày 10 đến 15.7.


Vụ mùa năm nay, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương dự kiến xây dựng 30 mô hình cánh đồng sản xuất tập trung, quy mô lớn với diện tích khoảng 1.000ha. Để thực hiện mục tiêu trên, sở đề nghị các địa phương tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhân rộng mô hình gieo cấy bằng mạ khay, cấy máy có liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng 5 mô hình ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất từ khâu gieo cấy, chăm sóc đến thu hoạch sản phẩm với diện tích khoảng 100ha. 
 

'Các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp tại huyện Ân Thi sẵn sàng phục vụ nông dân gieo cấy vụ mùa'

Các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp tại huyện Ân Thi sẵn sàng phục vụ nông dân gieo cấy vụ mùa

 

Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để sản xuất lúa vụ mùa đạt năng suất, chất lượng cao, các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt lịch cơ cấu giống và trà vụ, kiên quyết không để gieo cấy lúa mùa chậm hơn so với lịch thời vụ (dễ bị ảnh hưởng của mưa, bão, úng đầu vụ và ảnh hưởng tới sản xuất vụ đông), coi đây là biện pháp chỉ đạo trọng tâm cho thắng lợi vụ mùa và chuẩn bị làm vụ đông. Lịch thời vụ, cơ cấu các giống lúa vụ mùa phải được kẻ, vẽ tại các bảng tin và niêm yết tại nhà văn hóa của từng thôn, xóm, tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để nông dân biết, thực hiện. Các địa phương chỉ đạo nông dân tập trung làm đất kỹ, nhuyễn theo phương châm "gặt đến đâu làm đất ngay đến đó". Bố trí máy công suất lớn làm đất cho cánh đồng lớn, những khu ruộng trũng; máy nhỏ làm đất tại những khu ruộng nhỏ, khu xen kẹt. Đối với chân ruộng có kế hoạch gieo trồng cây vụ đông sớm phải bố trí gieo cấy theo lịch của trà lúa mùa sớm. Khi gieo cấy cần thực hiện phương châm “Chiêm hơn xướng, mùa hơn đêm", cấy mạ đúng tuổi, bảo đảm số dảnh và mật độ theo quy trình thâm canh của từng giống. Chỉ gieo thẳng, cấy máy ở chân cao, vàn cao, chủ động tưới, tiêu để giảm chi phí và công lao động, giảm áp lực lao động ở đầu vụ, rải vụ thu hoạch và bố trí trồng cây vụ đông sớm. Bảo đảm cung cấp đủ nước cho làm đất và gieo cấy lúa mùa; điều tiết nước khoa học, hợp lý cho lúa ngay từ đầu vụ, bảo đảm đúng theo nhu cầu của cây lúa trong từng giai đoạn phát triển. Sau khi làm đất lần 1, dùng các chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ như Sumitri, Tricodecma để gốc rạ nhanh phân hủy, hạn chế bệnh nghẹt rễ, vàng lá sinh lý; trên chân ruộng chua, trũng, sử dụng vôi bột rắc để khử chua, hạn chế rong, rêu; sử dụng phân bón hữu cơ sinh học thay thế cho phân chuồng để bón cho vụ mùa. 


Sản xuất lúa vụ mùa thường gặp mưa úng, để chủ động nguồn giống gieo cấy bổ sung khi mạ, lúa mới cấy bị chết do úng ngập, các địa phương cần dự phòng giống lúa (nếu mất lúa từ sau cấy đến hết tháng 7); sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày như: QR1, HN6 để gieo dự phòng; thời gian gieo từ ngày 10 - 15.7. Gieo mạ dược thưa hoặc gieo vãi dày tại những vùng dễ xảy ra ngập úng để thuận tiện cung cấp mạ cấy cho diện tích lúa bị mất do úng ngập. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhật)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068