Văn Lâm với mục tiêu là huyện công nghiệp phát triển bền vững

Văn Lâm với mục tiêu là huyện công nghiệp phát triển bền vững

Sau 20 năm tái lập, một trong những thành tựu đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Văn Lâm đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp (TTCN) và dịch vụ. Đến hết năm 2018, toàn huyện thu hút 425 dự án, 1.600 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN và dịch vụ đạt 74.453 tỷ đồng/năm và chiếm gần 95,91% tổng cơ cấu kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn tăng gấp 620 lần và thu nhập bình quân đầu người tăng 29,2 lần so với năm 1999. 

 

Sản xuất tại Công ty TNHH Cano Việt Nam (Văn Lâm)
Sản xuất tại Công ty TNHH Canon Việt Nam (Văn Lâm)


Huyện Văn Lâm là một trong những địa phương thu hút đầu tư sớm nhất tỉnh, nhưng trong ký ức của nhiều người thì 20 năm trước, dọc tuyến quốc lộ 5 đoạn qua địa bàn huyện chỉ lác đác vài doanh nghiệp hoạt động. Vậy mà chỉ sau 20 năm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, Văn Lâm đã trở thành huyện công nghiệp trọng điểm với 1 khu công nghiệp tập trung là KCN Phố Nối A và 10 cụm công nghiệp... 


Đồng chí Đỗ Hoàng Tùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Phát huy lợi thế là huyện nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, thực hiện chủ trương của tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp - dịch vụ của tỉnh, ngay từ những năm đầu tái lập, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính, tạo nguồn nhân lực chất lượng và kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách của Nhà nước… Nếu như năm 1999, toàn huyện chỉ có 10 dự án công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào địa bàn với diện tích đất sử dụng 3,44 ha thì nay toàn huyện có 425 dự án đầu tư với tổng diện tích đất phê duyệt trên 992 ha (294 dự án đã hoạt động, 131 dự án đang triển khai). Đến thời điểm này, toàn huyện có 1.042 doanh nghiệp hoạt động, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 56 nghìn lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp toàn huyện năm 2018 đạt 71.493 tỷ đồng, gấp hơn 508 lần năm 1999. Nhiều doanh nghiệp, sản phẩm hàng hóa công nghiệp không chỉ là niềm tự hào của công nghiệp Văn Lâm, của tỉnh Hưng Yên nói riêng mà còn là thương hiệu quốc gia trên thương trường quốc tế như các sản phẩm thép, thiết bị văn phòng của Tập đoàn Hòa Phát, dược phẩm Traphaco, sản phẩm thiết bị nội thất, bao bì Ngọc Diệp… Giá trị xuất khẩu hàng công nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt hàng chục triệu USD/năm với các sản phẩm chủ lực như: quần áo may sẵn, thiết bị điện tử...


Bên cạnh sự đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp tư nhân, điểm nhấn công nghiệp Văn Lâm những năm qua còn là sự phát triển của các dự án đầu tư nước ngoài. Đến nay, toàn huyện có hơn 200 dự án đầu tư nước ngoài hoạt động. Thế mạnh của các dự án đầu tư nước ngoài là công nghệ sản xuất hiện đại, tuân thủ nghiêm các chính sách pháp luật hiện hành, quan tâm đầy đủ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và người lao động được tiếp cận với công nghệ hiện đại, tác phong làm việc văn minh… Điển hình cho khối doanh nghiệp này trên địa bàn là: Công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP), Công ty Cổ phần Hyundai Aluminum Vina, Công ty TNHH Canon Việt Nam...


Vừa nằm ở cửa ngõ thủ đô Hà Nội, có Quốc lộ 5 chạy qua, lại là trung tâm công nghiệp phát triển nên kinh tế thương mại, dịch vụ ở Văn Lâm cũng phát phát triển đa dạng, phong phú, từ dịch vụ cung cấp nguyên, phụ liệu cho nhà máy sản xuất công nghiệp, dịch vụ cho thuê kho bãi, tài chính - ngân hàng, đến các dịch vụ phục vụ đời sống của người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp như siêu thị hàng tiêu dùng, cửa hàng tiện ích, các dịch vụ dân sinh như: cho thuê nhà ở, nuôi dạy trẻ, buôn bán nhỏ cũng đang trở thành ngành nghề đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân dành đất sản xuất nông nghiệp cho các dự án đầu tư. Ước tính, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2018 đạt 2.960 tỷ đồng, tăng gấp 31 lần so với năm 1999.


Cơ cấu kinh tế ở Văn Lâm có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Nếu như năm 1999, giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 22,3% và thương mại - dịch vụ chiếm 25,7% thì năm 2018 kinh tế công nghiệp, dịch vụ đã chiếm 95,91% tổng cơ cấu nền kinh tế của huyện. 


Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào địa bàn vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các dự án đầu tư chưa thực sự đa dạng ngành nghề, quy mô dự án còn nhỏ; một số dự án được chấp thuận nhưng chậm triển khai và không ít doanh nghiệp hoạt động chưa thực sự hiệu quả... 


Trao đổi về định hướng phát triển kinh tế công nghiệp - dịch vụ trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Bật Khánh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV đã đề ra: “Phấn đấu trở thành huyện công nghiệp phát triển bền vững vào năm 2020”, huyện Văn Lâm đang tích cực rà soát quy hoạch, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, đề án cụ thể hóa nghị quyết đại hội Đảng các cấp và ưu tiên tập trung thực hiện một số giải pháp trọng điểm như: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, ưu tiên các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên liệu trong nước; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề vào sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp tập trung. Đồng thời, quan tâm phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động; tạo động lực để doanh nghiệp, công nhân lao động ra sức thi đua lao động sản xuất, các doanh nhân mở rộng mô hình kinh doanh góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong thời gian tới. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068