Đồng ruộng lên xanh

Đồng ruộng lên xanh

Khép lại năm 2022, nông dân ở các địa phương trong tỉnh có thêm nhiều niềm vui với những mùa vụ thắng lợi. Sau những ngày lao động nhọc nhằn cho cây nở hoa kết trái, đất và cây đã không phụ công người chăm sóc “trả lộc” giúp họ trở thành những triệu phú nông dân.

Nông dân huyện Phù Cừ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp


Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chúng tôi về thăm các làng hoa của huyện Văn Giang, từ sáng sớm, trong màn đêm sương mờ, tiếng trò chuyện rôm rả của các bà, các chị nông dân làm vườn như xua tan cái lạnh giá của mùa đông. Gia đình bà Nguyễn Thị Hồng, xã Phụng Công đang tất bật chăm sóc vườn hoa cho kịp đón năm mới. Bà Hồng kể, trước đây, thu nhập chính của người dân xã Phụng Công là cấy lúa nên nông dân làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng thu nhập không cao. Từ định hướng của địa phương, nhiều hộ đã mạnh dạn đi tìm hiểu mô hình trồng hoa ở nhiều địa phương, sau đó mang những kiến thức đã học hỏi về áp dụng tại địa phương. Thời gian đầu, trong xã chỉ có vài hộ, mỗi hộ chỉ dành vài chục mét vuông đất màu mỡ để trồng thử nghiệm. Chỉ sau một vụ, các loài hoa như hoa trà, hoa hồng đã cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa, và sau 2-3 vụ, trồng hoa ngày càng cho hiệu quả cao hơn nhiều lần cấy lúa, hàng trăm hộ đã vươn lên làm giàu. 

Ở mỗi địa phương, nông dân lại có cách làm giàu riêng từ thửa ruộng của mình. Những địa phương có công nghiệp, dịch vụ, đô thị phát triển như Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Giang, Khoái Châu… đất nông nghiệp càng trở nên quý như “vàng”, vì thế nông dân đã biết tận dụng để nuôi trồng những loại cây, con đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả đã khẳng định được lợi thế trong phát triển nông nghiệp ở các địa phương, gắn bó với nông dân và “trả lộc” cho họ từ bàn tay trắng trở thành triệu phú. Ngược lại, nông dân ở các huyện phía nam của tỉnh như Kim Động, Ân Thi, Tiên Lữ, Phù Cừ cũng có những cách làm kinh tế mang đặc thù riêng. Cùng với những mô hình kinh tế trang trại, ở những cánh đồng trước đây vẫn chỉ trông chờ vào cấy lúa hai vụ, nay đã được luân canh gối vụ cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy thu nhập chưa cao, nhưng với người nông dân trước đây chủ yếu trông chờ vào hạt lúa, củ khoai thì nguồn thu nhập đó cũng đã phần nào giúp họ có thêm dư dả trong cuộc sống. 

“Tết này nông dân chúng tôi lại có cái tết to hơn năm trước”. Đó là lời tâm sự của bà Trần Thị Hới, nông dân xã Toàn Thắng (Kim Động). Vừa rót nước mời khách, bà Hới đon đả khoe: Vụ đông vừa qua, nông dân trong xã trồng dưa chuột bao tử chế biến và xuất khẩu “trúng to”. Theo tính toán và kinh nghiệm của các hộ nông dân, trồng dưa bao tử tuy mất nhiều thời gian nhưng cho thu nhập cao. Với năng suất 1 sào dưa bình quân đạt 1,2 - 1,5 tấn, trừ chi phí, người trồng còn lãi trên 3 triệu đồng/sào. Dưa bao tử được nhiều hộ coi là cây làm giàu. Trước đây diện tích trồng ít, khi thu hoạch người dân phải mang bán tại các chợ. Hiện nay, dưa được trồng đại trà nên tư thương đến tận ruộng thu mua, nhiều công ty đặt hàng ngay từ đầu vụ, đầu ra thuận lợi nên nông dân gắn bó hơn với đồng ruộng. 

Như một thói quen, vào sáng mùng một Tết hằng năm, anh Đào Xuân Đỉnh, chủ trang trại ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu) lại ra vườn tưới lên nhành lộc non của cây cam những giọt nước trong lành mang sức sống, hơi thở mùa xuân. Anh Đỉnh cho rằng, tưới cây ngày đầu năm để lấy may, cầu nguyện một năm mưa thuận gió hoà, cây cối xanh tươi, hoa trái nặng trĩu cành. Có lẽ cũng vì thế, vườn cam đường canh của anh mỗi năm lại cho một vụ thu hoạch thắng lợi. Đón xuân mới, gia đình anh có thêm nhiều niềm vui. Chỉ tính riêng từ 5 sào trồng cam đường canh, gia đình anh có thu nhập hơn 60 triệu đồng. Không chỉ gia đình anh Đỉnh, hàng trăm hộ từ cấy lúa hai vụ, nay đã có tư duy làm kinh tế mới, cho thu nhập cao ngay trên mảnh ruộng của mình. 

Câu chuyện về nông dân tìm cách làm giàu ở hầu khắp các địa phương được hun nóng từng ngày. Trong những người vươn lên từ khó khăn trở thành khá giả, có không ít người trước đây chỉ thu nhập từ hai vụ lúa đã “phất lên” thành tỷ phú. Ở từng địa phương, nông dân thâm canh, nuôi trồng mỗi loại cây, con khác nhau, nhưng họ đều hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, hằng ngày vẫn dày công vun xới cho mảnh vườn, thửa ruộng tươi tốt.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068