Khi CPTPP có hiệu lực: Mía đường, chăn nuôi gặp khó

Khi CPTPP có hiệu lực: Mía đường, chăn nuôi gặp khó

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhất là với những ngành có thế mạnh thì vẫn còn không ít thách thức đặt ra cho những lĩnh vực chúng ta đang kém lợi thế.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, nhất là với những ngành có thế mạnh (dệt may, da giày) thì vẫn còn không ít thách thức đặt ra cho những lĩnh vực chúng ta đang kém lợi thế. Hiện, chăn nuôi, mía đường được coi là hai ngành sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Ngành chăn nuôi gặp bất lợi do chi phí sản xuất cao

Liên quan đến sự kiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa mới được ký kết, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho hay, sự kiện này sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành nông nghiệp của Việt Nam; trong đó có ngành chăn nuôi.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, khi CPTPP có hiệu lực, thuế suất về 0% thì các sản phẩm chăn nuôi của những nước có thế mạnh về chăn nuôi như: Canada, Nhật Bản, Australia... sẽ ồ ạt vào Việt Nam. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Do vậy, nếu không nhanh cải tiến và lựa chọn những sản phẩm lợi thế, đặc trưng để tập trung phát triển thì ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi. Bởi sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam hiện có chi phí sản xuất cao hơn so với các nước có ngành chăn nuôi phát triển. “Mặc dù, chúng ta đã có nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn”, ông Vân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khi CPTPP có hiệu lực, một sản phẩm nếu đã đăng ký thương hiệu quốc gia thì có thể xuất khẩu sang tất cả các nước còn lại trong khối, miễn sao đáp ứng đủ tiêu chuẩn của nước sở tại và không có hạn ngạch. Không chỉ có sản phẩm thô mà cả sản phẩm chế biến của ngành chăn nuôi cũng ồ ạt vào Việt Nam. Trong khi đó, các sản phẩm của nước ngoài rất đa dạng và phong phú, do vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước; thay đổi cách tiêu dùng truyền thống sang công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề đầu tư, ông Vân cho biết, thị trường nông nghiệp của Việt Nam hiện đang rất hấp dẫn, bởi kinh tế đang trên đà phát triển, đồng thời xu thế tiêu dùng cũng đang thay đổi, do vậy Việt Nam có nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. 

“Hiện có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi kể cả về giống và gen, với số tiền lên tới vài nghìn tỷ đồng để xây dựng trung tâm nghiên cứu về gen tại Khu công nghiệp công nghệ cao Láng Hoà Lạc”, ông Vân cho hay.

Cũng theo ông Vân, để tận dụng cơ hội từ CPTPP, chúng ta cần sớm nghiên cứu để thay đổi thể chế, bởi khi mà 11 nước đã ngồi chung với nhau rồi thì phải thực hiện theo cái chung. Cái riêng ở đây chỉ còn là hàng rào kỹ thuật của từng nước, còn cái chung là cải cách thể chế. Về mặt hàng rào kỹ thuật, cần phải rà soát lại toàn bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, xem cái gì thiếu thì phải bổ sung. Đồng thời, khi xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nước nhập khẩu. Đáng chú ý, trước đây muốn xuất khẩu một sản phẩm chăn nuôi phải mất từ 6 - 12 năm, nay khi có Hiệp định CPTPP thì thời gian được rút ngắn, bởi các nước nằm trong khối đã đồng điệu về mặt văn bản, ký kết, hợp đồng... nhưng vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao. 

“Nhìn chung, sau khi nghiên cứu thì Hiệp định CPTPP có tác động tích cực nhiều hơn. Bởi người Việt Nam không chỉ bây giờ mới tiếp nhận, mà đã có trong tiềm thức lâu nay rồi. Tôi đã hỏi một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn về vấn đề này, họ bảo không sợ mà chỉ hơi lo và cần thể chế minh bạch để các doanh nghiệp này làm”, ông Vân khẳng định. 

Mía đường gặp khó

Lấy ví dụ về những khó khăn của ngành nông nghiệp khi CPTPP chính thức được ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nhắc đến ngành mía đường như một điển hình cho sự chậm chạp trong đổi mới, tái cơ cấu. Do được bảo hộ, bảo vệ thông qua hàng rào thuế quan, đến nay, ngành mía đường, cả hiệu quả và năng lực cạnh tranh rất thấp nếu so với các quốc gia khác.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành mía đường còn bộc lộ không ít những tồn tại, bất cập trong quá trình phát triển như năng suất chất lượng thấp, chi phí giá thành cao, áp dụng công nghệ còn lạc hậu, quy mô sản xuất manh mún ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận của doanh nghiệp và thu nhập của người trồng mía. Những yếu tố này đã và đang gây nhiều bất lợi khi ngành mía đường thực hiện các cam kết tự do thương mại trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định có ý nghĩa sống còn đối với các nhà máy đường. Vì vậy, cần có chính sách trong hỗ trợ và liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng mía, đồng thời đa dạng các sản phẩm từ phụ phẩm của ngành mía đường…

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu quan điểm, ngành đường muốn hội nhập được phải giảm được giá thành, hiện nay doanh nghiệp đang mua mía nguyên liệu của nông dân từ 10.000 - 11.000 đồng/kg, mức giá này không đủ bù đắp chi phí, chưa kể đến tích lũy.Vì vậy, doanh nghiệp phải phát huy nội lực, áp dụng khoa học công nghệ để phát triển những sản phẩm sau đường từ phụ phẩm của ngành mía đường.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, bên cạnh việc phát  huy nội lực của doanh nghiệp, việc tổ chức sản xuất lại cũng như những cơ chế, chính sách đối với ngành mía đường cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ban, ngành từ Trung ương đến địa phương.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và đảm bảo thu nhập của nông dân trồng mía, ngành mía đường cần cơ cấu lại. Những yếu kém về các khâu trồng mía, chế biến đường và tiêu thụ sản phẩm đường cần phải được chấn chỉnh.”Cần nâng cao năng suất chất lượng của chế biến đường, trong đó chú trọng giảm chi phí từ khâu sản xuất đến ứng dụng công nghệ ép đường, hướng đến tăng sản lượng và giá trị. Đảm bảo chất lượng mía ở các vùng nguyên liệu phải đưa giống có “trữ đường” với năng suất cao vào trồng đáp ứng cho ngành công nghiệp chế biến đường”, Thứ trưởng Nam nói.

Cần linh hoạt biến cơ hội thành hiện thực

Theo các chuyên gia, việc phổ biến thông tin, rà soát và chuyển hóa cam kết vào quy định là những việc cần làm ngay để các ưu đãi của CPTPP được tận dụng hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy, cần tránh sửa quy định trong nước quá mạnh so với cam kết.

Trong suốt quá trình đàm phán dẫn đến ký kết CPTPP, Việt Nam đã có mục tiêu tạo lộ trình mở cửa phù hợp cho các ngành chịu rủi ro như nông nghiệp hay chăn nuôi, cho thấy những cam kết trên phù hợp cho các lĩnh vực, đặc biệt tạo ra cơ hội lớn cho các ngành mũi nhọn như: dệt may, da giày, đồ uống… Nếu so sánh cơ học, có thể thấy trong khi lộ trình loại bỏ thuế của các nước thường chỉ 3-7 năm thì các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đang được hưởng lộ trình dài hơn đáng kể. Cụ thể: thịt gà chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 11-12 năm; thịt heo tươi có lộ trình loại bỏ thuế là 10 năm, thịt đông lạnh cũng 8 năm; đường, trứng, muối chỉ xóa bỏ thuế quan cho một khối lượng nhất định (hạn ngạch) và lộ trình cũng là 6-11 năm...

Đối với sản phẩm nông sản, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng chính sách ưu đãi về thuế.  Nhiều nước trong CPTPP có thể loại bỏ thuế ngay đối với nông sản, nhưng quy trình cấp phép và kiểm tra kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm lại rất ngặt nghèo và vì vậy vẫn có thể ngăn cản nông sản nhập khẩu mà không cần dùng công cụ thuế. Do vậy, câu chuyện nông sản không chỉ có vấn đề thuế. Bảo vệ nông sản Việt Nam trước tác động bất lợi của CPTPP không chỉ dựa vào lộ trình dài mà rất cần các biện pháp khác để góp phần vào mục tiêu này như tăng cường kiểm soát hiệu quả nông sản nhập khẩu (từ các nguồn khác nhau, chứ không chỉ từ CPTPP), tận dụng các ngoại lệ được phép trong WTO để hỗ trợ hiệu quả người làm nông nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển: các mặt hàng của chúng ta khó cạnh tranh với những mặt hàng cao cấp từ nước ngoài vậy sao chúng ta không chọn cách hợp tác phát triển chứ đừng nghĩ là phải cạnh tranh. Trong bối cảnh như vậy các doanh nghiệp nên tận dụng kết hợp chính sách nội địa thông thoáng của Chính phủ; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả những hợp tác song phương, đa phương mà Chính phủ ký kết được.

Để áp dụng các quy định trong hiệp định CPTPP vào thực tiễn, tận dụng tối đa cơ hội từ CPTPP, bên cạnh việc phổ biến tuyên truyền, còn một việc khác cũng cần được đẩy mạnh để cụ thể hóa các cam kết CPTPP. Việc sửa đổi luật cho từng trường hợp cụ thể cần đồng bộ tránh vướng mắc trong áp dụng, phù hợp với cam kết tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nội địa. Do đó, việc rà soát hệ thống pháp luật với các cam kết CPTPP cần được thực hiện thận trọng, việc sửa đổi cần được thực hiện trong sự tham vấn thường xuyên và đầy đủ giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp.

CPTPP mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với ngành chăn nuôi của Việt Nam.

Tác giả bài viết: Chu Vũ Giáp (cập nhập)

Nguồn tin: kinhtenongthon.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068