Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Phù Cừ triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần khơi dậy tiềm năng, quyết tâm của hội viên trong phát triển kinh tế gia đình, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội Nông dân huyện Phù Cừ có 21 nghìn hội viên, tham gia sinh hoạt tại 54 chi hội. Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, hằng năm, Ban thường vụ Hội Nông dân huyện phát động, triển khai phong trào đến từng cơ sở hội, chi hội, đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào sản xuất, kinh doanh; tổ chức cho hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và giao chỉ tiêu cụ thể đến từng hội cơ sở; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra biện pháp thực hiện hiệu quả; khen thưởng, biểu dương kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt... Nhờ đó, phong trào đã tạo được sức hút mạnh mẽ, trung bình mỗi năm, toàn huyện có khoảng 6.500 hội viên đăng ký đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Đồng chí Hoàng Văn Tam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cừ cho biết: Sau khi hội viên đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của từng hội viên để kịp thời có những giải pháp hỗ trợ. Cùng với đó, khuyến khích, vận động hội viên chủ động khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, giống, vốn của gia đình, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hội viên nông dân xã Tam Đa với mô hình trồng cam Bố Hạ
Xác định hỗ trợ vốn là mục tiêu hàng đầu để tạo đòn bẩy cho hội viên tham gia sản xuất, kinh doanh giỏi, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện đã tín chấp từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên 8 tỷ đồng và nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng trên 321 tỷ đồng cho khoảng 5.700 hộ hội viên vay vốn phát triển sản xuất. Đồng thời, phối hợp mở trên 320 lớp chuyển giao kỹ thuật cho gần 3.500 lượt nông dân; cung ứng trên 700 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm.
Với sự hỗ trợ đó, trong giai đoạn 2018 – 2022, trung bình mỗi năm, toàn huyện có 90 - 115 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo; khoảng 6.000 - 6.500 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, mức thu nhập 200 – 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên hàng chục lao động với mức thu nhập từ 6 triệu đồng/người/tháng… Tiêu biểu như cơ sở sản xuất đồ mộc thủ công mỹ nghệ của anh Hoàng Trung Tuyến (xã Minh Tân) và anh Nguyễn Văn Sáng (xã Tống Phan), cơ sở chế biến thực phẩm của anh Nguyễn Khắc Phúc (thị trấn Trần Cao), cửa hàng kinh doanh sơn của anh Nguyễn Công Hai (xã Phan Sào Nam)…
Anh Nguyễn Văn Sáng, hội viên chi hội nông dân thôn Tống Xá, xã Tống Phan cho biết: Gia đình tôi làm nghề mộc gần 30 năm. Trong quá trình làm nghề, tôi được Hội Nông dân các cấp tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, được “mắt thấy tai nghe” từ các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong và ngoài tỉnh… Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức và kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường. Trung bình mỗi năm, nghề mộc mang lại cho gia đình tôi thu nhập 200 – 300 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm ổn định cho 4 lao động với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Xưởng mộc của anh Nguyễn Văn Sáng, hội viên chi hội nông dân thôn Tống Xá, xã Tống Phan
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, nhất là tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện và cơ sở tổ chức vận động nông dân đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; hướng dẫn liên kết xây dựng tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp… để hỗ trợ nhau trong sản xuất. Từ năm 2018 đến nay, Hội Nông dân huyện tích cực phối hợp hướng dẫn thành lập thêm 6 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới nâng tổng số hợp tác xã do Hội theo dõi quản lý lên 11 hợp tác xã; thành lập 2 chi hội nghề nghiệp, 8 tổ hội nghề nghiệp, 2 tổ hợp tác…
Với những việc làm thiết thực và hiệu quả, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại huyện Phù Cừ đã thể hiện rõ vai trò, sự đồng hành của tổ chức Hội, khơi dậy ý chí quyết tâm, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình của mỗi hội viên, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068