Tại Việt Nam, ốc bươu vàng xuất hiện hầu như trên khắp cả nước và gây hại cho nhiều loại cây trồng. Tuy nhiên, chúng gây hại nặng nhất và ảnh hưởng đến năng suất nhiều nhất là cây lúa, đặc biệt vào thời kỳ mạ - đẻ nhánh.
Để hạn chế ốc bươu vàng phát triển và gây hại, bà con cần áp dụng các phương pháp phòng trừ tổng hợp sau:
Thu bắt ốc, trứng ốc; cắm cọc ven bờ và rải rác khắp ruộng, đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh nước để thu hút ốc bươu vàng đến đẻ trứng, sau đó bắt và diệt số trứng này. Nên bắt ốc sớm và liên tục. Ốc thu gom có thể dùng để làm thức ăn nuôi vịt, nuôi cá…
Tại các mương rãnh, ao, hồ, cần sử dụng cây mạ non, những loại lá cây là thức ăn ưa thích của ốc bươu vàng (lá sắn, lá bắp cải, lá khoai lang, cành lá đu đủ, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì…) chặt thả xuống nước làm chất dẫn dụ, làm ốc nổi lên mặt nước để thu gom.
Đặt lưới mắt cáo, lưới nylon hay phên bằng tre nứa ở cống, bọng dẫn nước để ngăn chặn ốc lây lan, và dễ thu gom. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch. Vét rãnh hoặc tạo các vũng nước trên ruộng để ốc xuống rãnh dễ thu gom.
Đối với những ruộng mới cấy, hay ruộng lúa đang đẻ nhánh bị ốc bươu vàng gây hại, nên giữ mực nước xâm xấp để hạn chế sự di chuyển và phát tán gây hại của ốc bươu vàng, đồng thời cần dặm bổ sung ngay, kết hợp với tăng cường khâu chăm sóc, bón phân để thúc đẩy sự đẻ nhánh của cây lúa.
Biện pháp hóa học: Trong trường hợp mật độ ốc bươu vàng phát triển mạnh, đặc biệt ở giai đoạn mạ - đẻ nhánh, bà con có thể sử dụng thuốc trừ ốc Honeycin 6GR rải với liều lượng 5-6 kg/ha. Có thể trộn chung với phân để rải, giảm công lao động. Cần giữ mực nước trên ruộng xâm xấp (3-5 cm) để tăng hiệu quả của thuốc.
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068