“Chúng ta cần có kế hoạch chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam để giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi nghĩ cần đầu tư hơn cơ sở hạ tầng cho nông thôn”, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Đánh giá về kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt kết quả tích cực và đúng hướng, song để đẩy mạnh phát triển ngành này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần chính sách để tháo những nút thắt trong việc huy động nhiều hơn lực lượng doanh nghiệp vào cuộc trên các lĩnh vực đất đai, tín dụng, đặc biệt ở khu vực đất đai, làm sao để tích tụ, tạo điều kiện tốt hơn nhằm thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và áp dụng khoa học kỹ thuật.
Cần tháo những nút thắt trong việc huy động nhiều hơn lực lượng doanh nghiệp vào cuộc
Tín hiệu tích cực
Đánh giá về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đã đi đúng hướng và cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, tình trạng thương lái của một số quốc gia, nhất là các nước láng giềng đã sử dụng các thủ thuật có những dấu hiệu tiêu cực nhằm phá hoại nền sản xuất nông nghiệp, gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp nước ta.
Mặt khác, công tác dự báo thị trường về nhu cầu sản xuất, tiêu thụ hàng hóa nông sản chúng ta còn yếu nên từ đầu năm đến nay chúng ta đã phải thực hiện rất nhiều cuộc giải cứu nông sản cho nông dân như dưa hấu, ớt, mía...
“Tôi thiết nghĩ đây không phải là sản phẩm chủ lực, chẳng lẽ không phải là sản phẩm chủ lực mà ngành đã để nông dân lao đao như thế này hay sao. Tôi đề nghị cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề này và nên sớm có phương án tái cơ cấu, xử lý căn bản hơn trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt chú ý đến sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị hàng hóa, nâng cao các giải pháp, thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản để xuất khẩu; giải quyết cho được nút thắt là tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn. Nhất là sắp tới đây khi Luật Quy hoạch đầu tư có hiệu lực thì việc quy hoạch sản phẩm hàng hóa sẽ không còn nữa. Mọi sản xuất đều theo tín hiệu thị trường, nếu chúng ta không có tín hiệu dự báo, thông tin thị trường kịp thời cho người nông dân thì còn phải giải cứu dài dài và nông dân tiếp tục lao đao”, bà Hải lo lắng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì băn khoăn về khoảng cách giàu nghèo ở nước ta hiện nay tiếp tục gia tăng, khu vực nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay còn trên 40%, dân số nông thôn là trên 65%. Tuy nhiên, năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp chỉ khoảng 35 triệu đồng, tương đương với 38% năng suất lao động cả nước.
“Chúng ta cần có kế hoạch chiến lược tổng thể chấn hưng nền nông nghiệp Việt Nam để giải quyết bài toán nâng cao năng suất lao động. Chúng tôi nghĩ cần đầu tư hơn cơ sở hạ tầng cho nông thôn”, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định nông nghiệp giai đoạn vừa qua đứng trước nhiều thách thức lớn vì nông nghiệp chúng ta phải tiến lên hiện đại từ một nền nông nghiệp hộ nhỏ lẻ phân tán, chúng ta đang đứng trước thách thức biến đổi khí hậu lớn nhất của nhân loại.
Nhờ cả hệ thống chính trị vào cuộc, 63 tỉnh thành đều làm xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, đã tạo ra sự lan tỏa lớn, nhờ đó 2 năm qua, số lượng DN đã tăng từ 3.700 DN lên 7.620 DN, gấp đôi số DN từ trước đến nay. 12.000 hợp tác xã và 33.000 hộ trang trại đã tạo nên những kết quả ban đầu rất quan trọng, có tính chất tiền đề.
Cũng theo Bộ trưởng từ khi thực hiện tái cơ cấu, tăng trưởng của nông nghiệp liên tục tăng, nếu như 6 tháng đầu năm 2016, chúng ta âm 0,68% GDP, thì đến cuối năm chúng ta tăng lên được 1,35%. Năm 2017 chúng ta tăng được 2,9%, 4 tháng đầu năm 2018 chúng ta tăng trưởng được 4,05%, đây là tốc độ cao nhất từ trước đến nay. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản cũng liên tục tăng, kể cả các nhóm nông sản và thị trường. Đến nay chúng ta xuất khẩu tới 180 nước, trong đó có những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ.
Tháo gỡ nút thắt để thu hút nhiều DN tham gia
Về 3 nhóm sản phẩm trong nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gồm nhóm sản phẩm quốc gia bao gồm trên 10 mặt hàng có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, thứ hai là nhóm sản phẩm cấp tỉnh và thứ ba là nhóm sản phẩm cấp làng, xã, đặc sản của nước ta, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, 3 nhóm này chúng ta đang cơ cấu theo hướng tổ chức lại theo chuỗi để áp dụng đưa công nghệ cao, chúng ta đang đi đúng hướng và trên một số sản phẩm, mô hình có thể trở thành điển hình như: sữa, thủy sản. Nhóm sản phẩm cấp tỉnh hiện nay có những tỉnh như Bắc Giang cũng rất điển hình, vùng vải thiều Lục Ngạn trở thành vùng trù phú, hay gà đồi Bắc Giang là đại diện cho nhóm hàng cấp tỉnh...
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, lực lượng DN tham gia tái cơ cấu trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là DN khu vực tư nhân, trừ một số ngành hạn hẹp như thức ăn gia súc, chế biến gỗ, chế biến giống của gia súc, gia cầm có tỷ lệ 50% là FDI và 50% là DN trong nước. Tuy nhiên, trong vòng 3 - 4 năm tới xu hướng các doanh nghiệp nội địa sẽ chiếm thị phần chi phối, điều này cho thấy một hướng đi rất đúng trong đường lối của Đảng, Nhà nước là định hướng tái cơ cấu nền kinh tế bằng sức lực của Việt Nam tự chủ.
Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết với đặc điểm chúng ta có 8,6 triệu hộ nông dân, gần 70 triệu miếng ruộng nhỏ đi lên tái cơ cấu thành một nền kinh tế nông nghiệp hiện đại rất cần thời gian. Do đó, vẫn còn rất nhiều những tồn tại, chưa nói đến tác động biến đổi khí hậu và một loạt vấn đề thách thức.
Thứ nhất, tính liên kết trong sản xuất sản phẩm của chúng ta còn rất yếu, kể cả 3 trục sản phẩm là trục sản phẩm quốc gia, trục sản phẩm cấp tỉnh và trục sản phẩm ở địa phương.
Thứ hai là chế biến chưa tương xứng với sức sản xuất của chúng ta, sức sản xuất ngành nào cũng lớn nhưng chế biến đang là một khâu tồn tại phổ biến, kể cả một số ngành hàng mà chúng ta coi là mạnh, ví dụ như sản phẩm chế biến thủy sản, chế biến tôm, chế biến cá tra. Riêng rau quả năm nay đã có 8 nhà máy hiện đại được khánh thành nhưng nhìn chung vẫn còn yếu. Dẫn đến có lúc sản phẩm của chúng ta bị dư thừa thời vụ, hay lúc thị trường thế giới biến động chúng ta cũng bị dư thừa, đặc biệt là chuỗi giá trị chưa cao.
Thứ ba, quản lý nhà nước nhiều mặt còn bất cập, kể cả quản lý vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, hóa chất, các mặt đầu vào. Thứ nữa là thị trường xuất khẩu dù được mở rộng nhưng hết sức bấp bênh, chưa ổn định, chưa có thương hiệu. Chất lượng hàng hóa, mẫu mã, bao bì chưa tương xứng với tầm vóc của thị trường...
Ngoài ra là những nút thắt để huy động nhiều lực lượng DN vào cuộc, đó là đất đai, tín dụng, đặc biệt ở khu vực đất đai, chúng ta phải có chính sách cố gắng làm sao tích tụ, tạo điều kiện tốt hơn để nhiều DN và khu vực trở thành nòng cốt trong liên kết thì khâu này chúng ta vẫn yếu.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068