Tái cơ cấu nông nghiệp: Bắt đầu từ thị trường
Tại hội nghị tham vấn đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì hôm qua (10/3) tại Hà Nội, nhiều ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia trong ngành cho rằng, đề án tái cơ cấu của ngành nông nghiệp đã mang lại nhiều kết quả tích cực, song còn nhiều việc phải làm.
Kết quả đã rõ, nhưng nhiều việc phải làm
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2014, tái cơ cấu đã góp phần quan trọng vào kết quả SXKD của toàn ngành nông nghiệp. Cụ thể, tăng trưởng toàn ngành đạt tốc độ cao hơn, giá trị SX tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP của ngành đạt 3,49%, cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra. Một trong những kết quả nổi bật là tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt gần 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong giá trị SX ngành nông nghiệp đã tăng từ 57% năm 2010 lên 67,8% năm 2014. “Qua hơn 1 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, Bộ đã nỗ lực chỉ đạo và quyết liệt thực hiện các nội dung và giải pháp nên đã có tác động tích cực đến hiệu quả phát triển SX, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Đây cũng là đích của tái cơ cấu”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, quá trình thực hiện tái cơ cấu đã bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. “Nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn còn ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận cán bộ, địa phương. Hơn nữa, việc triển khai thực hiện chủ trương trên chưa đồng bộ, đồng đều ở các địa phương. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm dẫn tới kết quả thể hiện trên thực tiễn chưa nhiều”, Bộ trưởng thẳng thắn.
Một trong những mấu chốt quan trọng nhất của tái cơ cấu ngành là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức SX còn chậm, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp, chăn nuôi. Khu vực kinh tế hợp tác và HTX chưa phát triển mạnh. Theo Bộ trưởng, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém khiến thu nhập và đời sống nhân dân, nhất là nông dân vùng sâu, vùng xa, còn thấp. “Chúng ta thừa hiểu rằng, việc tái cơ cấu ngành không hề đơn giản, phải có quá trình, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm, lý luận phải gắn liền với thực tiễn. Việc triển khai tái cơ cấu còn chậm so với mong đợi. Lý do là lúng túng về tư tưởng, cách triển khai. Ai cũng cảm thấy cần tái cơ cấu, nhưng làm gì, làm thế nào thì không phải ai cũng biết. Do đó, Bộ trưởng đã có rất nhiều cuộc làm việc với các chuyên gia, cả trong nước lẫn nước ngoài, nhằm tìm ra những giải pháp, nhóm giải pháp tối ưu cho sự thành công của đề án tái cơ cấu”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Chính sách đi liền với thực tiễn
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hùng cho rằng, chính sách phải gắn liền với thực tiễn. Đưa minh chứng về việc trồng cây mắc ca đang hết sức thời sự, ông Hùng nói rằng, việc cố gắng trồng 230 nghìn ha mắc ca ở Việt Nam, trong đó Tây Nguyên chiếm đến 200 nghìn ha, không làm cẩn thận sẽ để lại hậu quả rất xấu. “Việc chặt cây này, trồng cây khác là hết sức bình thường trong kinh tế thị trường hiện nay, song để nâng cao giá trị nông sản một cách bền vững, cần có tầm nhìn chiến lược và dự báo thị trường một cách chính xác. Đừng mượn danh tái cơ cấu để lấy mắc ca hay cây, con gì thay thế khi chưa có cứ liệu khoa học”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, nói nông sản Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới là sai, minh chứng rõ nhất là tôm, cá tra của Việt Nam là khuynh đảo thị trường Mỹ; hay cà phê, hạt điều của chúng ta chiếm thị phần lớn trên thế giới. “Do đó, chúng ta phải có chiến lược phát triển những ưu thế của nông sản Việt Nam, đặc biệt là những ngành hàng có thế mạnh như rau quả, lúa gạo hay hạt điều…”, ông Hùng phân tích. Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát ghi nhận những ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là chủ trương lớn, là quá trình triển khai dài hơi gắn với tái cơ cấu toàn nền kinh tế, mục tiêu là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Vì vậy, việc đưa ra lý luận để tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng trong thực tế phải được tiến hành thường xuyên. Các viện, trường và cơ quan chuyên môn cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp Bộ trưởng đề ra các giải pháp, nhóm giải pháp chỉ đạo và thực hiện hiệu quả tái cơ cấu. “Tái cơ cấu bắt đầu từ thị trường. Mặt khác, vai trò KHCN và tổ chức SX cũng cực kỳ quan trọng. Do đó, phải bắt đầu từ những lĩnh vực mấu chốt này”, Bộ trưởng khẳng định.
10 giải pháp thực hiện tái cơ cấu
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong toàn ngành; Tăng cường chỉ đạo tái cơ cấu từng lĩnh vực và các kế hoạch chuyên đề; Tăng cường công tác chuyển giao và ứng dụng KHCN; Phát triển các hình thức tổ chức SX phù hợp, hiệu quả; Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân; Đào tạo và nâng cao tay nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành; Thực hiện chương trình NTM gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường; Tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về nông nghiệp
Tác giả bài viết: Văn phòng Bộ Nông nghiệp và PTNT
Nguồn tin: Bộ Nông nghiệp và PTNT
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068