Dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, song, thời điểm cuối năm, người dân các làng nghề trong tỉnh tất bật vào vụ sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Từ làng nghề sản xuất đồ gỗ, đồ đồng đến các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, làng nghề trồng hoa, cây cảnh… đâu đâu cũng bắt gặp không khí sản xuất sôi động.
Sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường Tết tại thôn Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ)
Từ nhiều năm nay, nghề mộc ở thôn Thụy Lân, xã Thanh Long (Yên Mỹ) không chỉ đem lại thu nhập ổn định cho các hộ gia đình làm nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương mà còn nức tiếng xa gần với các sản phẩm mộc dân dụng. Từ sáng tới đêm, khắp các nhà xưởng tại Thụy Lân đều sáng đèn, vang tiếng máy cưa, máy xẻ, người lao động hăng say làm việc, hoàn thiện sản phẩm để trả hàng đúng hẹn cho khách.
Vào dịp cuối năm, sức mua của người dân tăng cao, mặt hàng mộc dân dụng được nhiều người ưa chuộng. Một số mặt hàng mộc thường được đặt theo nhu cầu của khách hàng. Thời gian hoàn thành sản phẩm mất vài tuần đến vài tháng nên không giống với mặt hàng khác, làng mộc Thụy Lân tất bật với những đơn hàng cuối năm từ khoảng tháng 6 âm lịch. Hiện nay, làng nghề mộc Thụy Lân có trên 100 hộ theo nghề, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động với mức thu nhập từ 12 đến 20 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở thường xuyên không tuyển được người làm vì nghề mộc là công việc vất vả, để trở thành thợ lành nghề phải mất nhiều thời gian nên lao động trẻ thường ngại theo nghề và gắn bó lâu dài.
Có mặt tại cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất, đồ thờ của gia đình anh Nguyễn Quốc Phòng, thôn Thụy Lân, mặc dù đã gần trưa, không khí lao động tại xưởng vẫn tất bật, khẩn trương, một số khách quen từ các địa phương khác vẫn tranh thủ đến đặt hàng. Anh Phòng cho biết: Nghề mộc bận quanh năm, tuy nhiên bận nhất vào dịp cuối năm. Thường từ tháng 10 âm lịch trở đi, nhiều gia đình mua nội thất về nhà mới, trang trí nhà cửa nên lượng đơn hàng nhiều. Những tháng cuối năm, trung bình mỗi tháng, xưởng mộc của gia đình tôi sản xuất 200 - 300 sản phẩm, gấp 2 – 3 lần so với những tháng đầu năm.
Cũng giống như làng nghề mộc Thụy Lân, tại làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng (Văn Lâm) những ngày này, tiếng máy vang rền từ sáng đến tối. Hiện nay, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng có khoảng 150 hộ sản xuất, kinh doanh, gia công đồ đồng. Các cơ sở tập trung sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, như: Đồ thờ truyền thống, bộ tam, tứ, ngũ sự, đỉnh đồng, hạc đồng, tranh, tượng đồng... Mỗi năm, làng nghề cung cấp ra thị trường hàng nghìn bộ sản phẩm, trong đó, sản phẩm cung cấp ra thị trường 3 tháng cuối năm chiếm gần 2/3 tổng sản phẩm cả năm. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các làng nghề nói chung, làng nghề đúc đồng Lộng Thượng nói riêng gặp không ít khó khăn do thị trường tiêu thụ giảm. Song với sự nhạy bén của người làm nghề, hiện nay, làng nghề vẫn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Dương Văn Hồng, một trong những hộ gắn bó lâu năm với nghề đúc đồng ở thôn Lộng Thượng cho biết: Làng nghề đang bước vào vụ sản xuất nhộn nhịp nhất trong năm. Để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, từ tháng 4 - 5 tôi đã nhập nguyên liệu và sản xuất liên tục. Tuy nhiên, sức tiêu thụ đến nay khá chậm, giảm 40 - 50% so với các năm trước. Hiện nay, mỗi tháng gia đình tôi sản xuất và bán ra khoảng 70 - 80 bộ đồ thờ cúng, tranh treo tường. Mong rằng, từ nay đến cuối năm, đơn hàng tăng để các hộ dân làng nghề có cái Tết đầy đủ, ấm no.
Sản xuất ô mai phục vụ thị trường dịp Tết tại xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên)
Những ngày cuối năm, các hộ dân làm nghề làm mứt, ô mai ở xã Phương Chiểu (thành phố Hưng Yên) lại tất bật chế biến sản phẩm phục vụ thị trường. Ông Vũ Văn Quyến, chủ cơ sở sản xuất ô mai Quyến Lưu ở thôn Phương Thượng cho biết: Để phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay, gia đình tôi sản xuất khoảng 10 tấn ô mai, bán với giá từ 150.000 đến 300.000 đồng/kg. Ngoài thị trường tiêu thụ chính là thành phố Hà Nội, năm nay, chúng tôi giới thiệu và bán sản phẩm trên một số sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Theo thông tin từ Chi cục Phát triển Nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 45 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh trong làng nghề là trên 18.100 cơ sở, tạo việc làm cho trên 45.700 lao động; doanh thu năm 2023 của các cơ sở trong các làng nghề ước đạt trên 7.578 tỷ đồng. Thời điểm này được coi là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Đến với các làng nghề dịp này, chứng kiến không khí lao động khẩn trương, các phương tiện vận chuyển hàng, xe chở khách đến giao dịch nhộn nhịp mới thấy hết được sự sôi động, phát triển của làng nghề truyền thống.
Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên
Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068