Vào vụ thu hoạch cam

Vào vụ thu hoạch cam

Khi những trái cam trên cành ngả màu vàng óng, chín mọng là báo hiệu mùa thu hoạch cam đã đến. Ngành nông nghiệp, các hợp tác xã (HTX), nhà vườn trên địa bàn tỉnh đã chủ động các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ cam nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cam Hưng Yên, tăng thu nhập cho người dân.

Trang trại cam Bống Vàng, xã Tiên Tiến (Phù Cừ) có trên 4 nghìn cây cam, với các giống như: Cam Vinh, V2, Bố Hạ… đang độ mọng nước, chào đón các thương lái vào thu mua. Anh Hoàng Hữu Quốc, chủ trang trại cam Bống Vàng chia sẻ: Hiện nay, trang trại cam của gia đình tôi có trên 2 nghìn cây cam đang cho thu hoạch, năm nay, dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn quả. Thời điểm này, nhiều thương lái đã đến tìm mua, đặt hàng tại vườn với giá bán  từ 20 đến 25 nghìn đồng/kg, bán lẻ từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với vụ cam trước. 

Nông dân xã Liên Nghĩa (Văn Giang) thu hoạch cam


Huyện Kim Động có gần 450 ha trồng cam, tập trung ở các xã: Đồng Thanh, Phạm Ngũ Lão, Đức Hợp, Hùng An… Thời điểm này, một số vườn cam trên địa bàn huyện đã bước vào vụ thu họach. Năm nay, sản lượng cam trên địa bàn huyện ước đạt  khoảng 10 nghìn tấn. Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Xác định cam là cây trồng chủ lực của một số địa phương trong huyện, do đó, ngay sau khi kết thúc vụ cam năm 2021, huyện đã xây dựng kế hoạch chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ cam, không để cam tồn đọng. Để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm cam, huyện phối hợp tổ chức các lớp tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc cam đúng quy trình kỹ thuật, nắm bắt tình hình sâu bệnh trên cây cam để có hướng xử lý, mở rộng diện tích cam sản xuất theo hướng VietGAP. Đồng thời khuyến khích, vận động người dân liên kết, thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng cam để thuận lợi trong quá trình sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, HTX sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh (Kim Động) có 20ha trồng cam, giảm 20% diện tích so với năm trước. Ông Phạm Văn Quynh, Giám đốc HTX cho biết: Nguyên nhân diện tích cam giảm do cam bị nhiễm sâu, bệnh và chưa có biện pháp điều trị. Cụ thể, thời điểm cam chuẩn bị cho thu hoạch, cây có biểu hiện vàng lá, rụng quả và chết. Diện tích cam bị chết, chúng tôi đã tiến hành xử lý, cải tạo đất và trồng bưởi thay thế. Đối với diện tích cam vẫn phát triển ổn định và cho thu hoạch, thương lái đã tới vườn thu mua với giá bán cao gấp đôi so với năm trước và dễ tiêu thụ.


Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có trên 4,2 nghìn ha cây ăn quả có múi; trong đó, diện tích trồng cam, quýt trên 2 nghìn ha... Cây ăn quả có múi nói chung và cây cam nói riêng được trồng chủ yếu ở các địa phương: Văn Giang, Khoái Châu, Ân Thi, Phù Cừ, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Hiện nay, toàn tỉnh đã hình thành trên 50 vùng trồng cây ăn quả có múi tập trung, thâm canh với quy mô từ 5 ha trở lên. Trên 90% diện tích trồng cam của tỉnh tập trung vào các giống: Cam Hưng Yên, cam V2, cam đường canh; các giống cam CS1, cam Bố Hạ chiếm khoảng 5 – 7% diện tích. Để phục vụ việc cung cấp cây giống chất lượng, nâng cao chất lượng cam Hưng Yên, tỉnh đã thẩm định, cấp giấy chứng nhận cho 28 vườn cây ăn quả có múi (cam, bưởi) đạt tiêu chuẩn vườn cây có múi đầu dòng, mỗi năm cho khai thác khoảng 60 vạn mắt ghép; 65 vùng sản xuất cây ăn quả có múi với diện tích trên 1 nghìn ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP... 

Năm nay, sản lượng cam toàn tỉnh ước đạt 35 nghìn tấn quả. Trong đó, phấn đấu tiêu thụ nội tỉnh đạt từ 50% sản lượng, còn lại là tiêu thụ ngoại tỉnh. Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện để các HTX, chủ vườn đưa sản phẩm cam quả tươi vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích; đăng bán sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử như: Vỏ Sò, Postmart, Sendo, mạng xã hội Zalo, Facebook… Cùng với đó, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, theo vùng quy hoạch để thuận lợi chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất cam để xây dựng kế hoạch sản xuất lâu dài, hướng đến chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ cam. Các đơn vị chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT nắm bắt diễn biến sâu, bệnh hại trên cây cam để hướng dẫn biện pháp phòng trừ; điều trị bệnh cho người dân yên tâm canh tác; hướng dẫn người dân thu hoạch cam bảo đảm đúng kỹ thuật, bảo quản tốt chất lượng, bảo vệ thương hiệu cam Hưng Yên.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068