Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi

Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi

Ngày 12/11/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025” (viết tắt là Đề án chuỗi).

 

Nhiều sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi được bày bán trong các siêu thị tại thành phố Hưng Yên


Mục tiêu của Đề án chuỗi nhằm tiếp tục duy trì, nâng cấp, giám sát, phát triển từ 30 – 40 chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã thực hiện từ giai đoạn 2016 - 2020. Xây dựng 40 - 50 mô hình chuỗi có năng lực trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hỗ trợ công nghệ, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, hạ tầng phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ nông, lâm, thủy sản khoảng 30 – 40 mô hình. Cấp mới, duy trì, mở rộng chứng nhận VietGAP, VietGAHP, theo hướng hữu cơ, chứng nhận hữu cơ…; cấp chứng nhận HACCP, ISO, GMP, SSOP…

cho khoảng 60 – 70 mô hình chuỗi. Hằng năm, xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm bảo đảm an toàn từ 2 - 3 nhóm ngành hàng đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh… Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 73,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ hơn 38,9 tỷ đồng; vốn đối ứng của Nhân dân hơn 34,3 tỷ đồng. 

Thực hiện các mục tiêu trên, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương hỗ trợ 80 tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chuỗi. Trong đó, 10 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, với diện tích 86,4 héc-ta, sản lượng 3.237 tấn rau các loại. Chuỗi sản xuất, cung ứng quả các loại và cây khác (cây nghệ) có 48 đơn vị với diện tích 811,9 héc-ta, cung cấp hơn 18,2 nghìn tấn quả các loại và nghệ. Chuỗi chăn nuôi và cung ứng các sản phẩm thịt có 15 đơn vị, với 77.122 con gia súc, gia cầm, cung cấp 4.414 tấn thịt gia súc, gia cầm và 4,11 triệu quả trứng. Chuỗi thủy sản có 7 đơn vị với diện tích 43,3 héc-ta, 125 lồng cá và 1.128 tấn cá các loại.

Để các mô hình thực hiện đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các địa phương thực hiện hỗ trợ: Hệ thống cấp, thoát nước cho 3 mô hình, nhà lưới cho 1 mô hình, hệ thống điện cho 2 mô hình, hệ thống xử lý chất thải cho 1 mô hình, công nghệ cho 1 mô hình. Ngoài ra, nhằm đáp ứng điều kiện sản xuất, tiêu dùng thực phẩm an toàn, Sở phối hợp tổ chức chứng nhận, duy trì, mở rộng  VietGAP, VietGAHP được 543 héc-ta, 41.282 con gia súc, gia cầm và 35 héc-ta thủy sản, 125 lồng cá, góp phần cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng năm 2022 với 15.900 tấn rau, quả, thịt, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản an toàn ra thị trường. Đồng thời, hỗ trợ biển hiệu cho 2 tổ chức, cá nhân tham gia đề án nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm... 

Thực hiện Đề án chuỗi, nhiều tổ chức, cá nhân có thêm kinh nghiệm và mạnh dạn đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có biện pháp quản lý và xây dựng kế hoạch sát với nhu cầu của thị trường, sản phẩm từng bước đáp ứng yêu cầu của khách hàng và quy định về sản xuất thực phẩm. Các cơ sở chủ động được thị trường và có nhiều đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm được tiêu thụ ổn định với giá thành cao hơn so với sản xuất ngoài mô hình, như đối với chuỗi rau có giá bán dao động cao hơn thị trường 20-30%; chuỗi quả có giá bán cao hơn khoảng 30%; chuỗi thịt giá bán cao hơn khoảng 10%; chuỗi thủy sản giá bán cao hơn 15-30%. 

Để tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, khuyến khích các cá nhân, tổ chức mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm có chất lượng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, thành lập các vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm chủ lực, đặc sản, xây dựng thương hiệu cho từng vùng, địa phương. Tăng cường hỗ trợ áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ giám sát việc thực hiện quản lý ghi chép hồ sơ sử dụng vật tư nông nghiệp như thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, luồng di chuyển của sản phẩm. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hạ tầng, công nghệ phục vụ sản xuất an toàn, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068