Tiết lộ tuyệt chiêu thụ tinh nhân tạo ra 12.000 con gà Đông Tảo lai của một nông dân trẻ ở Hưng Yên

Tiết lộ tuyệt chiêu thụ tinh nhân tạo ra 12.000 con gà Đông Tảo lai của một nông dân trẻ ở Hưng Yên

So với các chủ trại nuôi gà sinh sản trong khu vực, anh Giang Mạnh Hiếu (ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) được coi là người đi sau đến muộn. Vậy nhưng, anh Hiếu lại là người gặt hái thành công sớm nhất và cũng là trang trại nhân giống gà lai Đông Tảo lớn nhất tỉnh Hưng Yên tới thời điểm hiện tại.

Lãi lớn nhờ ứng dụng công nghệ cao

Với quy mô nuôi 10.000 gà Đông Tảo (3.000 con bố, mẹ thuần chủng và 7.000 gà nuôi hậu bị), quân bình mỗi tháng anh Hiếu xuất bán ra thị trường gần 12.000 con gà lai Đông Tảo 1 ngày tuổi. Trừ mọi chi phí, anh còn lãi hơn 1,2 tỷ đồng/năm, chưa tính nguồn thu từ 300-400 con gà Đông Tảo đặc sản, nuôi bán cho khách mua thưởng thức hoặc biếu, tặng các dịp lễ, tết.

Anh Hiếu kể, khi chưa đến với nghề nuôi gà, anh từng mua 2 ôtô vận tải làm dịch vụ chở rau, quả đi khắp các tỉnh thành miền Bắc. Thu nhập khá cao, nhưng ngặt nỗi vốn đầu tư khá lớn (trên 2 tỷ đồng), công việc vất vả, tiền làm ra chỉ đủ "nuôi" xe, trả lãi vay ngân hàng nên không còn tiền trợ giúp gia đình. Nhìn cảnh vợ con phải bươn chải mưu sinh, anh Hiếu không thể cầm lòng. Sau nhiều đêm trăn trở suy tư, anh quyết định bán hết ôtô, lấy tiền đầu tư xây dựng đồng bộ 3 trại nuôi nhân giống gà lai Đông Tảo, tổng diện tích 1.700m2. Ở các trại, anh lắp đặt đầy đủ quạt thông khí, máy làm mát, máy ấp trứng gia cầm, đảm bảo nhiệt độ không khí trong trại luôn ở ngưỡng thích hợp 23-27 độ C, thuận lợi các loại gà nuôi phát huy tốt khả năng sinh trứng hoặc tinh trùng của các loại con giống. 

Thành công từ thụ tinh nhân tạo cho gà - Ảnh 1.

Đàn gà trống nuôi cho lấy tinh. Ảnh: T.A

Gà Đông Tảo được một số hộ dân ở làng Đông Tảo Đông, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) phát hiện và chọn lọc cho chăn nuôi từ đầu những năm 2.000. Sau giống gà này được đặt tên theo tên của làng này. Năm 2012, qua thông tin trên mạng, thấy đây là giống gà mới, lạ, Hoàng tử Fumihito Akishino của Nhật Bản đã đến thăm làng Đông Tảo nhằm tìm hiểu về giống gà Đông Tảo.

Nhờ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cộng thêm lợi thế sinh ra và lớn lên ở cái nôi của giống gà Đông Tảo nổi tiếng trong nước và thế giới, anh Hiếu có điều kiện hiểu sâu về giống vật nuôi này, nên đã thành công ngay từ năm 2018 – năm bắt đầu khởi nghiệp. Vào thăm các trại gà của anh Hiếu, thấy con nào cũng to khỏe, da đỏ hồng hào, 2 chân lộc ngộc như 2 ống điều cày, dáng đi rất bệ vệ…

Trong khi các trang trại gà chuyên sinh sản khác nuôi trong chuồng hở, phối giống tự nhiên và chỉ cơ bản hoà vốn. Còn anh Hiếu nuôi gà trong nhà có hệ thống điện và máy móc duy trì nhiệt độ thích hợp, áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên gia cầm… nên  có lãi đều đặn 8.000 - 10.000/con mới nở. 

Bí quyết chọn lọc con giống 

Anh Hiếu chia sẻ, lợi thế lớn nhất của thụ tinh nhân tạo cho gia cầm là gà con sau sinh giống y chang bố, mẹ sinh đẻ ra chúng, vì vậy việc chọn lọc được đúng giống gốc (thuần chủng) cho nhân nuôi có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định hiệu quả của nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng nhận biết chính xác các đặc điểm hình thái bên ngoài của giống gốc cho chăn nuôi. Để đạt được mục tiêu này, anh Hiếu phải bỏ ra rất nhiều ngày lê la, dò hỏi các bậc cao niên nuôi gà Đông Tảo trong làng và một số trang trại đang chăn nuôi gia cầm thành công trong huyện. Đặc biệt, anh còn luôn có mặt tại các hội thi bình tuyển gà Đông Tảo do ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức, kể cả khi chưa khởi nghề chăn nuôi gia cầm.

Theo đó, một con gà Đông Tảo được coi là thuần chủng thì con trống phải nặng từ 5,5 - 6,5kg, da đỏ hồng, thân hình cân đối, săn chắc, đầu dạng gộc tre, mào sít hoặc mào cờ, 2 tích đều, 2 chân to vững chãi, bàn chân dày có 4 ngón xòe ra rõ nét, quanh ống chân có 4 hàng vẩy thịt ngang màu đỏ kiểu gai mít hoặc gai mây, yếm và đít không xệ, lông màu vàng đen.

 Còn con mái cũng phải nặng khoảng 3,0-3,5kg, lông màu trắng nâu, chân to trung bình nhưng tối thiểu cũng phải lớn hơn chân gà mái lai Đông Tảo hoặc chân các giống gà mái khác. Đặc biệt, cả 2 loại giống trống, mái này đều phải không mang mầm bệnh. Gà trống sau nuôi 10 - 12 tháng mới tiến hành khai thác tinh. Gà mái nuôi trong chuồng hở tới đẻ báo (khoảng 6 - 6,5 tháng tuổi) mới đưa lên nuôi nhốt lồng trong nhà lạnh.

Thành công từ thụ tinh nhân tạo cho gà - Ảnh 3.

Anh Giang Mạnh Hiếu kiểm tra đàn gà mái Đông Tảo nuôi đẻ nhân con giống. Ảnh: T.A

Anh Hiếu cho hay, để có thể chọn lọc được 3.000 gà mái và 70-100 gà trống Đông Tảo thuần chủng, phải nuôi khoảng 6.000 - 7.000 gà con hậu bị. Sau loại dần chỉ để lại những con mang đầy đủ các tính trạng đặc trưng nêu trên. Với loại gà nuôi làm thịt đặc sản, bán cho khách tiêu dùng làm quà biếu, anh Hiếu cũng phải chọn những con gà trống thuần chủng, nuôi từ 10-12 tháng tới trọng lượng 6 - 6,7kg/con mới xuất chuồng.

Kinh nghiệm nuôi gà đẻ trong nhà lạnh của anh Hiếu còn cho thấy, gà trống phải nuôi nhốt riêng 1 con/lồng, ngoài cho ăn cám công nghiệp chuyên dùng theo hướng dẫn trên bao gói, còn phải cho ăn thêm chất tăng cường sinh lý, như vitamin A, D, E, thóc mầm hoặc giá đỗ. Sau định kỳ 3 ngày/lần, chỉ dùng 2 ngón tay ấn nhẹ vào lỗ huyệt gà là tinh trùng chảy ra miệng cốc hứng sẵn, rồi dùng pi pét lấy nhỏ phối cho gà mái, không cần thêm các thao tác kích thích sinh tinh như cách làm trước đây.

Về dịch bệnh, dù là giống bản địa, có trọng lượng cao, có khả năng chống chịu tốt, gà Đông Tảo vẫn có thể nhiễm đủ các loại bệnh xảy ra trên gia cầm, nếu không tuân thủ quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, có một số bệnh nguy hiểm hay xảy ra nhất, gồm cúm gia cầm, bệnh đen đầu, cầu trùng gà và bệnh hen ghép E.coli. 

Cúm gia cầm do virus H5N1 phát sinh gây hại đã có vaccine phòng ngừa, nhưng virus này có nhiều biến chủng, mỗi năm thường xuất hiện một hay một số dòng biến chủng khác nhau, nên phải chú ý phòng ngừa đủ loại vaccine chống cúm gia cầm mới đạt hiệu quả. Các bệnh đầu đen, hen ghép E.coli và cầu trùng gà dễ xảy ra và gây ảnh hưởng rất lớn tới tỷ lệ sống và khả năng đẻ trứng của gia cầm, chữa trị tốt nhất cần phòng ngừa từ sớm, từ xa bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo anh Hiếu, nuôi gà theo hướng công nghệ cao có rất nhiều ưu điểm, như: Gà nuôi nhốt trong các lồng chuồng dễ kiểm soát dịch bệnh hơn, vì con nào bị bệnh chỉ cần chữa trị một hoặc vài ba con trong lồng đó, tiết kiệm được kinh phí chi mua thuốc kháng sinh. Gà thả nền, một con bị bệnh sẽ phải cho cả đàn uống thuốc, rất tốn vật tư thú y chăm sóc, nhất là chăn nuôi ở quy mô lớn từ 1.000 con trở lên. 

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho gà, bên cạnh việc tạo ra được các đàn gà con mang đầy đủ những đặc tính nổi trội của con giống bố mẹ, còn giảm được rất nhiều lượng gà trống cần nuôi cho phối giống. Theo đó, tiết giảm được đáng kể chi phí các loại vật tư chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và thua lỗ, chất lượng con giống tốt, dễ bán được giá cao... Đó là bí quyết giúp anh Hiếu chăn nuôi luôn có lãi, sau 2 năm đã thu hồi đủ vốn.

Tác giả bài viết: danviet.vn

Nguồn tin: Vương Hoàng Hải (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068