Mặc dù sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả thị trường đòi hỏi chất lượng cao, song năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, tham gia chuỗi giá trị XK gạo còn hạn chế.
Mặc dù sản phẩm gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả thị trường đòi hỏi chất lượng cao, song năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo còn hạn chế. Ngoài ra, thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng tại các nước biết đến.
Chiếm 15% tỷ trọng gạo xuất khẩu toàn thế giới
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, những năm gần đây, ngành gạo Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều kết quả tích cực. Hiện hàng năm, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới.
Theo số lượng thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9/2018 ước đạt 443 nghìn tấn với giá trị ước đạt 212 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng qua ước đạt gần 5 triệu tấn và kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6%. Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2018 với 23,2% thị phần.
Tám tháng của năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (tăng gấp 67 lần), Irắc (tăng gấp 3 lần), Hồng Kông - Trung Quốc (tăng 70,6%), Philippines (tăng 67,4%) và Malaysia (tăng 26,9%).
“Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới với sự hiện diện tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, tại những thị trường khó tính với yêu cầu cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU…, gạo Việt cũng đã thâm nhập thành công”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thêm, theo dự kiến, năm 2018 xuất khẩu gạo nước ta đạt 3,2-3,3 tỷ USD.
Dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ khởi sắc trong quý IV/2018 do nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước như Philippines, Indonesia tăng để bù đắp sản lượng thiệt hại do thiên tai và nhu cầu tiêu thụ thường tăng vào các tháng cuối năm.
Nhiều bất cập, hạn chế
Bên cạnh thành tích, xuất khẩu gạo vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Thương mại toàn cầu đang tiềm ẩn những biến động khó lường, gạo lại là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định.
Trong khi đó, ngành gạo còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. “Chất lượng gạo xuất khẩu chưa cao, chủng loại chưa phong phú nên tính cạnh tranh còn thấp so với các nước đối thủ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thêm vào đó, đa phần doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh gạo có năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường ở mức kém. Thậm chí, khi đã “chen chân” vào được các thị trường xuất khẩu, hoạt động marketing hay khả năng đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng của DN rất yếu.
Đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu tại Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ). Ảnh Vũ Sinh
Chính vì vậy, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng cuối cùng tại các thị trường nhập khẩu biết đến, bởi phần lớn gạo Việt xuất khẩu đến tay người tiêu dùng thông qua một thương hiệu khác. Mặt khác, khi tranh chấp thương mại quốc tế thì đa phần DN lúng túng trong việc xử lý, giải quyết...
Đánh đồng thương hiệu gạo
Theo ông Nguyễn Tiên Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất - nhập khẩu Gạo Việt (OrgaGro), một trong những khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu thị trường cho mặt hàng trọng điểm này là tại thị trường trong nước, đang bị đánh đồng thương hiệu gạo hữu cơ. Cụ thể là nhiều DN lấy “mác” organic (hữu cơ) cho nhiều sản phẩm khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn vì không thể phân biệt được đâu là gạo hữu cơ tự phong và gạo hữu cơ đã được chứng nhận quốc tế.
Còn đối với xuất khẩu, mặc dù Việt Nam có thế mạnh nhưng hiện còn gặp nhiều khó khăn, trong đó ông Sơn nhấn mạnh đến giống lúa gạo.
Ông chia sẻ, hiện Việt Nam có nhiều giống gạo song chất lượng không ổn định. Nhiều đối tác nhập khẩu rất quan tâm đến gạo Jasmin nhưng chất lượng gạo Jasmin của Việt Nam hiện nay lại không bằng Thái Lan vì bị lai tạp nhiều.
Hơn nữa, Việt Nam không có giống nào đúng như Jasmin chuẩn thế giới nên khi dùng thử khách hàng sẽ thấy sự khác biệt rõ của hai loại gạo này về màu sắc, hình dáng và vì thế nhiều đối tác lưỡng lự.
Nói thêm về canh tác, đại diện OrgaGro cho hay, DN sản xuất gạo cần có các cánh đồng lớn để có thể áp dụng công nghệ, để chuẩn hóa chất lượng. Tuy nhiên, để có một cánh đồng lớn đối với một DN là rất khó, còn đi thuê chỗ này chỗ khác thì chất lượng không đồng nhất được.
Do đó, xuất khẩu gạo organic còn rất nhiều khó khăn bởi mới chỉ làm được một diện tích nhỏ, trong khi đối tác lại cần nhập khẩu số lượng lớn, khiến DN Việt khó đáp ứng được.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý nâng tầm thương hiệu gạo Việt
Bàn về giải pháp để phát triển ngành gạo và tăng trưởng bền vững xuất khẩu gạo, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là DN cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng như thời gian qua. Đặc biệt, nước ta cần xây dựng chỉ dẫn địa lý để tăng thêm giá trị cho hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, cần hướng tới việc sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói...
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phát triển thị trường xuất khẩu để tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ xuất khẩu.
“Chúng ta cần đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định và khai thác cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ông Martin Albani, cố vấn về thúc đẩy thương mại và phát triển xuất khẩu (Tập đoàn tài chính quốc tế) khuyến nghị, DN Việt cần phải thay đổi tư duy, từ buôn bán hàng hóa sang thực hiện hoạt động makerting đối với hàng hóa đó, cần tập trung để xây dựng thương hiệu mặt hàng gạo.
“DN Việt cần xác định hình ảnh, đưa ra hình ảnh và phát triển thương hiệu. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu gạo của Thái Lan. Họ luôn chú trọng xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho sản phẩm gạo của mình, đặc biệt quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý - đây chính là yếu tố bảo hộ thương hiệu gạo của họ. Đầu tiên họ làm ở cấp quốc gia, sau đó đưa hồ sơ lên EU, việc này giúp thúc đẩy xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Lan, giúp nâng cao giá bán so với sản phẩm thông thường”, ông Martin Albani lấy dẫn chứng.
Về phía Việt Nam, các DN cho rằng, để phát triển ngành gạo, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách ưu tiên về đất đai, quy hoạch vùng trồng lúa hiệu quả hơn, nghiên cứu giống, hỗ trợ và liên kết chặt chẽ với người nông dân.
Tác giả bài viết: Chu Vũ Giáp (cập nhập)
Nguồn tin: baomoi.com
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068