Từ 1/1/2016, 10 luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật Bảo hiểm xã hội; Luật căn cước công dân; Luật hộ tịch; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi; Luật nghĩa vụ quân sự; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật tổ chức Chính phủ; Luật kiểm toán; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật tổ chức Quốc hội.
Vợ sinh con, chồng được nghỉ việc tối thiểu 5 ngày
Theo Luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam có vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc trong trường hợp sinh thường; 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi. Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Luật cũng quy định điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp lao động nữ khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh thay vì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con như Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân
Luật căn cước công dân lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay cho tên gọi "Chứng minh nhân dân" như hiện nay. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định của các thông tin về nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật. Thẻ Căn cước công dân chỉ phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
Thẻ Căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ này được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch
Luật hộ tịch gồm có 7 chương và 77 điều. Luật có những quy định cải cách mạnh mẽ về trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch, tạo thuận lợi tối đa cho người dân (như: đơn giản hóa và cắt giảm nhiều giấy tờ không cần thiết khi đăng ký hộ tịch; cải tiến phương thức nộp hồ sơ để người dân lựa chọn – nộp trực tiếp, gửi qua bưu chính hoặc qua hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến khi điều kiện cho phép; giảm thời hạn giải quyết đối với hầu hết các việc hộ tịch).
Luật hộ tịch cũng quy định cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan đăng ký hộ tịch cho mình mà không phải phụ thuộc vào nơi cư trú như trước đây. Cá nhân có thể được đăng ký hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch nơi thường trú, tạm trú hoặc nơi đang sinh sống. Khi đăng ký hộ tịch, người dân được cấp trích lục hộ tịch. Đối với một số việc hộ tịch quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân là khai sinh, kết hôn, Luật hộ tịch quy định sau khi đăng ký người dân vẫn được cấp bản chính Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Tăng thuế suất thuế TTĐB đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu và bia.
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, đối với thuốc lá điếu, xì gà và các chế phẩm khác từ cây thuốc lá, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng từ 65% lên 70% từ ngày 01/01/2016 và 75% từ ngày 01/01/2019; với rượu dưới 20 độ, thuế suất thuế TTĐB là 30% từ ngày 01/01/2016 và 35% từ ngày 01/01/2018.
Đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, thuế suất thuế TTĐB cũng tăng thêm 5% lên 55% từ ngày 01/01/2016, 60% từ ngày 01/01/2017 và 65% từ ngày 01/01/2018.
Độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi
Luật nghĩa vụ quân sự gồm 9 chương, 62 điều, trong đó, Luật quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đến hết 27 tuổi (hiện nay là đến hết 25 tuổi) đối với công dân đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ để học chương trình đào tạo đại học, cao đẳng.
Để đảm bảo cho công dân chủ động chuẩn bị thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ; đồng thời, tạo điều kiện cho địa phương trong xây dựng, thực hiện kế hoạch gọi công dân nhập ngũ hàng năm, Luật nghĩa vụ quân sự đã quy định cụ thể thời điểm gọi công dân nhập ngũ được thực hiện vào tháng 2 hoặc tháng 3 hằng năm.
Tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân
Luật tổ chức chính quyền địa phương gồm 8 chương, 143 điều, trong đó có những điểm mới về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
Theo Luật, tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (cấp chính quyền địa phương), đồng thời chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường từ ngày 1/1/2016.
Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 6
Với 7 chương, 50 điều, Luật tổ chức Chính phủ quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bổ sung đơn vị được kiểm toán là cơ quan quản lý sử dụng công
Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 bổ sung đơn vị được kiểm toán là: Cơ quan quản lý sử dụng công; đối với các doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
Làm rõ mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các cơ quan
Với 8 chương, 41 điều, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Namđã làm rõ được mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với: Đảng, Nhà nước, Nhân dân, các tổ chức mà trước đây quy định rải rác ở các luật khác, trong các văn bản của Đảng hoặc Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về hoạt động phản biện xã hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định cụ thể về tính chất, mục đích và nguyên tắc phản biện xã hội; đối tượng, nội dung, phạm vi phản biện xã hội; hình thức phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt động phản biện xã hội; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản được phản biện.
Xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách
Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 gồm 7 chương, 102 điều. Luật đã bổ sung thêm nhiều quy định để bảo đảm đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; bổ sung các quy định nhằm xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 đã xây dựng quy định mới về chức danh Tổng thư ký. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký là đại biểu Quốc hội đồng thời giữ vai trò là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
Nguồn tin: Sưu tầm
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068