Khu dân cư thông minh nâng “chất” cuộc sống

Khu dân cư thông minh nâng “chất” cuộc sống

Nhà có gắn QR tích hợp nhiều thông tin, vườn có camera giám sát, thôn phát wifi miễn phí, đường xanh, sạch, đẹp…, những khu dân cư thông minh đã giúp người dân Hà Tĩnh tiếp cận nhiều tiện ích của công nghệ và không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Từ những khu dân cư thông minh đầu tiên...

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đầu năm 2020, thôn Đông Trung được chọn làm thí điểm xây dựng khu dân cư thông minh của xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên).

Đây là mô hình mới nên thời gian đầu triển khai, thôn gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm thực hiện, lãnh đạo thôn cùng các đoàn thể đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng đồng hành xây dựng khu dân cư thông minh.

Để đầu tư lắp đặt hệ thống camera, wifi..., thôn Đông Trung kêu gọi nguồn lực từ các cấp và người dân được hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, thôn lập ra các tổ chuyển đổi số và giao cho Đoàn thanh niên làm nòng cốt trực tiếp đến từng nhà hướng dẫn người dân bắt nhịp. Ngoài ra, thôn tổ chức và kêu gọi các đoàn thể bắt tay tăng cường chỉnh trang khuôn viên đường làng, ngõ xóm với tiêu chí xanh, sạch, đẹp..., tạo điểm nhấn cho khu dân cư.

Nhờ cách làm bài bản, linh hoạt, đặc biệt là huy động được sự vào cuộc của người dân trong thôn chung tay xây dựng nên chỉ sau hơn 2 năm, Đông Trung cơ bản xây dựng hoàn thiện khu dân cư thông minh, giúp người dân tiếp cận được những tiện ích của công nghệ và không ngừng nâng cao cuộc sống.

Đến nay, toàn thôn Đông Trung đã có trên 90% hộ dân lắp đặt và sử dụng wifi, mã QR; nhà văn hóa thôn  được kết nối wifi để phục vụ người dân truy cập, tìm hiểu thông tin; 100% người dân dùng điện thoại thông minh tích hợp nhiều ứng dụng của các ngân hàng để chuyển khoản, quét mã QR trong giao dịch thanh toán...

Nhờ có hệ thống camera giám sát nên tình hình an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Mọi hoạt động kết nối với các phương tiện như phát thông tin trên loa thông minh, điều khiển hệ thống điện chiếu sáng, bật camera giám sát…, đều được thao tác và thực hiện trên điện thoại.

Tại thôn Đông Trung, các cửa hàng đều có bảng quét mã QR giúp người dân thanh toán không cần tiền mặt khi mua bán hàng hóa; người bán hàng cũng dễ dàng quản lý, thu chi, không sợ thất thoát.

Ông Đặng Thế Đài, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đông Trung, cho biết: “Với chúng tôi, đây như   cuộc “cách mạng”, bởi những phần việc để thực hiện xây dựng khu dân cư thông minh khá mới. Để có đủ kiến thức, kỹ năng trong việc vận hành các thiết bị thông minh, chúng tôi phải dành nhiều thời gian để học hỏi. Sau đó, các đoàn thể trong thôn cùng đi tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu và đồng hành trong tiến trình chuyển đổi số, xây dựng khu dân cư thông minh. Công nghệ số lan toả rộng rãi nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nông thôn nơi đây như được khoác thêm tấm áo mới, hiện đại và văn minh”.

Chỉ cần một thao tác quét mã QR trước cổng, du khách và người dân có thể nhận biết vị trí, thực trạng đời sống, vườn hộ của từng gia đình một cách dễ dàng.

Tại ba thôn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới thông minh, UBND xã Tượng Sơn (Thạch Hà) cấp cho mỗi hộ dân một mã QR, trong đó tích hợp tất cả các thông tin dân cư, hiện trạng sản xuất, cơ cấu lao động, sơ đồ vườn tược…, kết nối giữa các hộ gia đình với nhau thông qua internet.

Ngoài việc giúp định danh các hộ dân một cách dễ dàng, thông qua mã QR, người dân cũng như cán bộ thôn xóm khi thấy môi trường, đường giao thông, phân loại rác thải… chưa bảo đảm, có thể quay video phản ánh qua phần mềm quản lý để có thể giám sát, đôn đốc lẫn nhau; đồng thời, cán bộ thôn, xã có thể nắm bắt và có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.

Đặc biệt, tại thôn Hà Thanh, sau khi đặt tên đường, đánh số nhà cho tất cả các tuyến đường, hộ dân thì việc nhận diện, cập nhật tình hình tại đây đã được số hóa, chỉ cần một thao tác quét mã QR trước cổng thôn, du khách và người dân có thể nhận biết vị trí, thực trạng đời sống của từng gia đình một cách dễ dàng.

Ông Nguyễn Viết Sơn, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Hoàng Hà, xã Tượng Sơn, cho biết, thông qua các dữ liệu kết nối, nhật ký canh tác trực tuyến cung cấp đầy đủ thông tin về các giai đoạn sản xuất, các loại thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, số lần và liều lượng dùng, thời gian cách ly, thu hái…, giúp người tiêu dùng có thể so sánh, kiểm chứng giữa thông tin và hình ảnh sản phẩm, góp phần kết nối, tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp.

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu

Ở Hà Tĩnh, không riêng gì thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) hay 3 thôn ở xã Tượng Sơn (Thạch Hà) mà hiện nay khá nhiều thôn, xóm đều đang phấn đấu xây dựng để trở thành khu dân cư, khu đô thị thông minh.

Nhờ thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng khu dân cư thông minh, cuộc sống của người dân được nâng cao. Nếu trước đây, mỗi khi có công việc và thông tin cần truyền đạt tới Nhân dân thì lãnh đạo thôn phải đi từng nhà, nhưng kể từ khi triển khai xây dựng khu dân cư thông mình thì việc triển khai công việc trở nên nhanh chóng, chính xác và thuận lợi nhờ thiết lập hệ thống thông tin qua nhóm Zalo, loa truyền thanh…, giúp các gia đình trong thôn đều nắm được thông tin và thực hiện.

Thôn Đông Trung, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) thêm khang trang, sạch đẹp khi xây dựng khu dân cư thông minh.

Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh, mô hình khu dân cư thông minh là một trong những nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số trong xây dựng nông thôn mới của Hà Tĩnh đã và đang được triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả khá tích cực và được người dân hồ hởi đón nhận.

Mô hình này sẽ là cánh tay nối dài từ cơ sở đến các cấp quản lý trong chuyển đổi số, kinh tế số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số... Việc xây dựng các khu dân cư thông minh, xã thông minh, không chỉ hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại trên các sàn thương mại điện tử, nhất là bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, mà việc chuyển đổi số còn lan tỏa rộng rãi trong người dân với việc hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.

Hiện nay, ở hầu hết các cơ sở giáo dục, y tế, doanh nghiệp, chợ, trung tâm thương mại hay các hộ kinh doanh nhỏ lẻ từ thành thị đến nông thôn đều ứng dụng chuyển khoản, thanh toán thẻ, đặc biệt là thanh toán qua quét mã QR...

Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh của tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025 đề ra mục tiêu, phấn đấu đến 2025, có ít nhất 20 mô hình thôn thông minh đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 9/12/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2022 - 2025; phấn đấu có ít nhất 4 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).

Ông Ngô Đình Long, Phó Chánh văn phòng điều phối nông thôn mới Hà Tĩnh, cho biết: Đến nay, công nghệ số đã lan toả rộng rãi trong đời sống của người dân. Quá trình này đã góp phần không nhỏ để bộ mặt nông thôn của các địa phương “thay da, đổi thịt” từng ngày. Để thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh năm 2023, mới đây, Hà Tĩnh đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương để thực hiện. Theo đó, Hà Tĩnh sẽ phân bổ 6,3 tỷ đồng, trong đó phân bổ cho các đơn vị cấp tỉnh là 278,4 triệu đồng; phân bổ cho cấp huyện 6,021 tỷ đồng.

Tác giả bài viết: kinhtenongthon.vn

Nguồn tin: Chu Vũ Giáp (cập nhật)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068