Văn Lâm – Năng động phát triển

Văn Lâm – Năng động phát triển

Nằm ở giữa vùng châu thổ sông Hồng, huyện Văn Lâm là vùng đất có lịch sử lâu đời và là khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Hưng Yên.

 

Trong quá trình phát triển, Văn Lâm nhiều lần đổi thay về tên đất, tên làng và địa giới hành chính. Ngày 1.9.1999, huyện Văn Lâm được tái lập trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước. Với thuận lợi căn bản là nơi tiếp giáp với thủ đô Hà Nội, giao thông thuận tiện, có Quốc lộ 5 và đường sắt chạy qua, là nơi giao thoa giữa ba nền văn hóa vùng Kinh Bắc, Kinh Kỳ và Phố Hiến. Song bên cạnh đó huyện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức của ngày mới tái lập. Tuy nhiên, việc tái lập huyện cùng với công cuộc đổi mới đã tạo ra những vận hội mới để huyện Văn Lâm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển. 
 

Đồng

Đồng chí Trần Quốc Văn trao giấy khen tặng những tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2018


Sau khi tái lập, từ những định hướng cơ bản được nêu ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, tiếp tục triển khai nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, Huyện ủy, UBND huyện tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp – công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – thương mại, dịch vụ. Huyện ủy thường xuyên quán triệt triển khai và tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy, Huyện ủy đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội. Cấp ủy các cấp tiến hành tổng kết, sơ kết việc thực hiện chỉ thị của Đảng, trên cơ sở đó đánh giá thành công, hạn chế, Huyện ủy đưa ra những giải pháp và định hướng lớn cho việc thực hiện ở giai đoạn tiếp theo. Đến nay, huyện đã cơ bản hình thành 2 vùng kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá; đưa những giống cây, giống con cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu của thị trường vào sản xuất; thực hiện tốt công tác dồn thửa, đổi ruộng, xây dựng, nâng cấp các công trình thủy lợi, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đầu tư hỗ trợ giống, vốn, thủy lợi phí, tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân phát triển sản xuất. Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản được chú trọng, phát triển mạnh cả về quy mô, số lượng và chất lượng. Hiện nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và giảm dần tỷ trọng trồng trọt. Năm 2018, tỷ trọng trong chăn nuôi chiếm 51,54%, tăng 19,78% so với năm 1999.


Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, huyện tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Sau 20 năm tái lập huyện, từ một huyện thuần nông, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 1 khu công nghiệp tập trung (Khu công nghiệp Phố Nối A), một số cụm công nghiệp (cụm công nghiệp Tân Quang - Như Quỳnh, cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai, cụm công nghiệp làng nghề Đông Mai), 5 cụm công nghiệp rời lẻ: Đình Dù, Lạc Đạo, Chỉ Đạo, Minh Hải, Trưng Trắc và 18 làng nghề truyền thống, làng có nghề. Với các chính sách nhằm thu hút đầu tư, từ chỗ chỉ có 10 doanh nghiệp đầu tư (năm 1999) đến nay, huyện đã tiếp nhận 1.600 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong tất cả các lĩnh vực kinh tế là 1042 đơn vị, giải quyết việc làm cho hơn 56 nghìn lao động. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến nay ước đạt 71.493 tỷ đồng, gấp hơn 508 lần so với năm 1999. 


Cùng với sự phát triển của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng phát triển đa dạng, phong phú. Tổng giá trị sản xuất ngành thương mại, dịch vụ năm 2018 đạt 2.960 tỷ đồng, tăng hơn 31 lần so với năm 1999. 

Nghề trồng hoa ở thị trấn Như Quỳnh đem lại thu nhập cao cho người nông dân

Nghề trồng hoa ở thị trấn Như Quỳnh đem lại thu nhập cao cho người nông dân


Điểm sáng của huyện trong phát triển kinh tế - xã hội trong 20 năm qua còn được thể hiện sự đồng thuận trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tính đến năm 2018 của huyện là gần 4,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, người dân đóng góp khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, huyện ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh như: Trường học, giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, vệ sinh môi trường. Công tác xã hội hoá giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, toàn huyện có 29/34 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 85,3%. Công tác y tế phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 99,4%. Các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao được đầu tư phát triển. Trung tâm văn hóa huyện được xây dựng, hầu hết các xã, thị trấn, các thôn, xóm, khu dân cư đã có nhà văn hóa, sân thể thao; các dịch vụ văn hóa, thể thao ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu luyện tập rèn luyện sức khỏe, hưởng thụ, giao lưu văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Với sự nỗ lực cố gắng trong một thời gian dài, đến năm 2018, 100% số xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới.


Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện; trong đó tập trung vào việc tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, rèn luyện đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Huyện quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về  xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ huyện đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. 


Với sự đoàn kết trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đến hết năm 2018, thu ngân sách của huyện đạt trên 2.545 tỷ đồng, tăng 620 lần so với năm 2000; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 69 triệu đồng/năm; năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,82%...


20 năm một chặng đường xây dựng và phát triển, những thành tựu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Văn Lâm đạt được là sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm, chung sức, đồng lòng tạo dựng lên. Tiếp nối truyền thống quê hương, Văn Lâm đang thay đổi từng ngày, tạo nên những thành tích mới trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068