Phù Cừ: Đa dạng các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Phù Cừ: Đa dạng các hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Định hướng, tư vấn cho hội viên, nông dân các loại cây trồng phù hợp với đồng đất địa phương; tín chấp hỗ trợ cho vay các nguồn vốn; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… là những hoạt động mà các cấp Hội nông dân huyện Phù Cừ đã và đang tích cực triển khai thực hiện nhằm giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế. 

 

Mô hình trồng cây dâu dược liệu tại xã Tống Trân (Phù Cừ)

 

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong huyện Phù Cừ đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào tiếp tục phát triển cả bề rộng và chiều sâu, có sức lan toả trong nhiều lĩnh vực, tạo động lực lôi cuốn, khích lệ, động viên hội viên hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu và giúp đỡ hộ nghèo thoát nghèo; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất... Từ phong trào xuất hiện nhiều hội viên, nông dân xây dựng được mô hình trang trại với quy mô sản xuất lớn, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2020, toàn huyện có 6.312 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, tiêu biểu như: Hộ anh Lưu Văn Dũng, xã Quang Hưng với mô hình trang trại VAC cho thu nhập từ 1,5 – 2 tỷ đồng/năm; hộ anh Nguyễn Văn Nhật, xã Đình Cao với trang trại chăn nuôi lợn mỗi năm thu từ 500 – 700 triệu đồng… 


Cùng với đó, các cấp Hội Nông dân trong huyện còn vận động nông dân tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị bền vững. Đến nay, các cấp Hội đã hướng dẫn, thành lập được 1 tổ hợp tác, 2 chi hội nghề nghiệp, 4 tổ hội nghề nghiệp, 9 hợp tác xã, góp phần gắn kết hội viên cùng sản xuất, kinh doanh trong một lĩnh vực giúp đỡ nhau về vốn, giống, kỹ thuật và đầu ra. Mô hình tổ hội nghề nghiệp trồng dâu dược liệu xã Tống Trân là một trong những mô hình được Hội Nông dân huyện phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ bước đầu đã cho kết quả khả quan. Đồng chí Vũ Văn Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tống Trân cho biết: Để chuyển đổi diện tích đất khu vực nghĩa trang, cấy lúa thường bị chuột phá hoại, hiệu quả kinh tế kém, tổ chức Hội đã vận động hội viên chuyển đổi sang trồng cây dâu dược liệu. Đây là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư ít, một lần trồng có thể thu hoạch được từ 5 đến 7 năm. Mỗi năm thu hoạch 3 lứa, sau khi sơ chế, phơi khô thân và lá cây được xuất bán cho thương lái, mỗi sào dâu thu được 6 – 8 triệu đồng/năm, cao hơn 2 lần so với cấy lúa. Tổ hội nghề nghiệp trồng dâu dược liệu có 18 thành viên, canh tác trên diện tích hơn 5 ha. Khi tham gia tổ hội nghề nghiệp, hội viên được Hội Nông dân phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ về phân bón; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng, trừ sâu bệnh cho cây dâu. Nhờ đó, cây dâu phát triển tốt, cho sản lượng, chất lượng cao.


Đồng chí Hoàng Văn Tam, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp cung ứng gần 300 tấn phân bón trả chậm, hàng chục tấn thóc giống các loại cho hội viên; mở 59 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.735 hội viên về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của UBND huyện mở 5 lớp tập huấn thâm canh, quản lý, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho gần 700 hộ nông dân trồng vải, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ, phát triển, nâng cao giá trị thương hiệu vải của địa phương. Bên cạnh đó, các cấp Hội trong huyện còn tín chấp cho 4.718  hộ vay từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp trên và tổ chức ngân hàng với số tiền hơn 401 tỷ đồng để đầu tư, mở rộng sản xuất, chăn nuôi và phát triển kinh doanh dịch vụ. Các hộ vay vốn tập trung chủ yếu cho các dự án trồng cây vải lai chín sớm, vải lai trứng, cây có múi và đều sử dụng vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhật)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068