Những năm qua, ngành nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên đã có những chuyển động tích cực theo hướng áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, mang lại năng suất, sản lượng cao, cung ứng cho thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng. Những mô hình sản xuất này đã giúp nhiều hộ dân trong tỉnh nâng cao thu nhập và làm giàu.
Nông dân mặc áo blouse
Ở làng hoa, cây cảnh xã Xuân Quan (Văn Giang), ông Phan Ngọc Oanh ở thôn 7 được biết đến là lão nông “dám nghĩ, dám làm, dám chịu” bởi ông là người đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của xã đã tự sản xuất được cây giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô.
Ông Oanh tiếp chuyện chúng tôi tại phòng phòng nuôi cấy mô. Cẩn thận nhấc từng chiếc túi nilon, từng chai thủy tinh có chứa những mầm cây giống, ông giới thiệu về quy trình nhân giống hoa bằng phương pháp nuôi cấy mô một cách lưu loát, không khác gì một kỹ sư nông nghiệp: Nhân giống cây bằng nuôi cấy tế bào là phương pháp nhân giống vô tính, bộ phận để nhân giống có thể là ngọn cây, ngọn cành, một phần nhánh của lá, hoa, rễ cây. Các bước tiến hành chính là: chọn vật liệu để nuôi cấy (đỉnh sinh trưởng, mầm ngủ, mô lá...) và khử trùng bằng hóa chất. Sau đó tái sinh mẫu nuôi cấy, nhân nhanh chồi. Tiếp đó là bước tạo cây hoàn chỉnh, chuyển các chồi, mầm ngủ từ môi trường nhân nhanh sang môi trường ra rễ để tạo ra cây con hoàn chỉnh. Sau 2 - 3 tuần, từ những chồi riêng lẻ này sẽ xuất hiện rễ và trở thành cây hoàn chỉnh. Cây này sẽ được đưa ra vườn ươm với giá thể phù hợp và bước cuối cùng là đưa cây giống ra vườn sản xuất.
Hiện nay, ông Oanh đang áp dụng quy trình này để sản xuất giống cây hoa đồng tiền và địa lan, lan đai châu. Thông thường, để sản xuất ra giống cây đồng tiền bằng phương pháp này phải mất thời gian khoảng 6 tháng, đối với các loại lan phải mất thời gian từ 1 - 1,5 năm mới có thể đưa ra trồng.
Theo ông Oanh, việc sản xuất cây giống bằng phương pháp nuôi cấy mô mang lại rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp nhân giống cây trước đây, đó là: cây giống sẽ giữ nguyên được gen của cây gốc ban đầu mà không bị lai tạp; cây giống sạch bệnh, khỏe, chất lượng bảo đảm hơn hẳn việc nhân giống hữu tính; cây giống có độ đồng đều cao và hệ số nhân giống cao hơn so với các phương pháp khác...
Mặc dù ưu việt như vậy nhưng không phải ai cũng có thể sản xuất cây giống thành công bằng phương pháp nuôi cấy mô bởi phương pháp này đòi hỏi nông dân cần đầu tư vốn lớn và quan trọng nhất là quy trình nuôi cấy mô rất phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao nên người làm phải làm người nắm vững khoa học kỹ thuật.
Chính vì vậy mà khi mới thực hiện mô hình này, ông Oanh đã gặp thất bại khi hơn nửa năm đầu ông không thu được một cây giống nào và còn thua lỗ 370 triệu đồng. Sau đó, ông đã phải mời chuyên gia nông nghiệp Thái Lan và Việt Nam cùng nghiên cứu và thực hiện thì mới thành công. Hiện nay, ông thuê 10 lao động đều là những cử nhân nông nghiệp để làm việc trong phòng nuôi cấy mô.
Năm nay, ông dự kiến sản xuất từ 40 - 50 vạn cây giống hoa đồng tiền và 2 vạn cây giống hoa lan đai châu, địa lan. Hiện nay ông mới chỉ bán ra thị trường cây giống hoa đồng tiền với giá 4.000 đồng/cây (thấp hơn giá cây giống của Đà Lạt và cây giống nhập khẩu từ Trung Quốc) và không đủ để cung cấp ra thị trường.
Để thực hiện mong muốn của mình, ông cất công đi tìm hiểu quy trình sản xuất hoa ở trong nước và nhiều nước khác như: Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan... Tháng 8.2016, ông được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hỗ trợ một phần vốn thực hiện dự án xây dựng mô hình nhân giống nuôi cấy mô và sản xuất hoa lan đai châu và địa lan. Bên cạnh đó, ông đầu tư trên 2 tỷ đồng để xây dựng phòng cấy mô rộng 110m2, vườn ươm rộng 360m2 và mua sắm các trang thiết bị.
Với việc áp dụng thành công quy trình sản xuất cây hoa giống này đã mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trồng dưa trong nhà màng
Đến thăm trang trại tổng hợp của anh Đỗ Văn Hùng ở xã Hồng Tiến (Khoái Châu), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những công nghệ, thiết bị nông nghiệp đang áp dụng tại đây. Ðưa chúng tôi thăm cánh đồng rộng 17 mẫu, anh Hùng vừa giới thiệu: Trang trại của tôi hiện có khoảng 2ha trồng bưởi, cam; 1ha cấy lúa; 1ha ao thả cá; 2 mẫu trồng ổi; 2 mẫu trồng nhãn; dãy chuồng nuôi; khu nhà làm việc... Hiện nay, chúng tôi trồng dưa chuột, dưa lưới, dưa vàng với diện tích 5.000m2 trong nhà màng theo quy trình VietGAP rất nghiêm ngặt, được theo dõi, ghi chép tỉ mỉ hằng ngày; phân bón chủ yếu là phân hữu cơ, phân vi sinh; công tác phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới theo công nghệ nhỏ giọt, tự động... sản phẩm được sơ chế, đóng gói, gắn nhãn mác, tem xuất xứ hàng hóa.
Vào khu nhà màng của trang trại, chị Bùi Thị Nụ, kỹ sư nông nghiệp đưa chúng tôi đi thăm các khu sản xuất, khu sơ chế, đóng gói..., chị cho biết: “Với diện tích 5.000m2 nhà màng, mỗi năm chúng tôi sản xuất 3 lứa dưa chuột (trên diện tích 1.000m2), 2 lứa dưa lưới, dưa vàng và 2 lứa rau vụ đông (trên diện tích 4.000m2). Các loại cây được trồng trong nhà màng nên hạn chế tác động bất lợi của thời tiết, môi trường như mưa, gió, nắng to, côn trùng, cỏ dại và có thể điều chỉnh được nhiệt độ, ánh sáng phù hợp với cây trồng, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần trở lên so với sản xuất ngoài trời. Sản lượng dưa chuột ước tính thu từ 1,5 - 3 tấn/vụ; dưa lưới, dưa vàng là 8 - 10 tấn/vụ”.
Đến nay, các sản phẩm dưa chuột, dưa lưới, dưa vàng, rau trong trang trại của anh Hùng đạt tiêu chuẩn chất lượng và được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản phẩm rau, quả của trang trại sản xuất được nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 15.000 - 20.000 đồng/kg dưa chuột; 35.000 - 45.000 đồng/kg dưa lưới, dưa vàng, mang lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Việc sáng tạo và áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại. Hơn thế nữa, từ việc tham gia thực hiện các mô hình bước đầu đã thay đổi được tập quán sản xuất lạc hậu trước đây; đặc biệt, hoạt động ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật canh tác mới, đa dạng hóa cây trồng.
Tác giả bài viết: Nguyễn Phạm Hạnh Dung (cập nhập)
Nguồn tin: baohungyen.vn
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068