Thúc đẩy sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung

Thúc đẩy sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung

Đến nay, diện tích trồng cây ăn quả ở tỉnh ta là 15.381 héc-ta. Trong đó, diện tích nhãn có 4.910 héc-ta, sản lượng đạt 39.955 tấn, tăng 0,21% so với năm 2023; vải 1.342 héc-ta, sản lượng đạt 17.202 tấn, tăng 0,15%; chuối đạt 53.245 tấn, giảm 26,5%... Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh đã khẳng định được hướng phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân.

 Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng tập trung, chuyên canh

 Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng tập trung, chuyên canh

Tuy nhiên, một số vùng chuyên canh cây ăn quả, hoa, cây cảnh còn phát triển tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, việc tổ chức sản xuất tại các vùng chưa bền vững; mối liên kết giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được đầu tư đúng mức. Các doanh nghiệp chưa mạnh dạn tham gia liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã; các hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn ít, thiếu tính chặt chẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai một số mô hình khuyến nông và cho hiệu quả cao để nông dân học tập kinh nghiệm, nhân rộng. Trong đó, mô hình sản xuất hoa lay-ơn thực hiện tháng 8/2024 với quy mô 1,5 héc-ta được triển khai tại xã Hồng Quang (Ân Thi) và phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên). Đến nay, diện tích trồng hoa lay-ơn trong mô hình sinh trưởng mạnh, tỉ lệ sống cao, đường kính thân lớn, tỉ lệ nhiễm sâu bệnh ở mức nhẹ, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện canh tác cũng như chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Ông Nguyễn Tùng Giang, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) cho biết: Tham gia mô hình sản xuất hoa lay-ơn do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai, tôi được hỗ trợ giống hoa và được cán bộ của Trung tâm hướng dẫn kỹ thuật về chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Thực hiện kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng dẫn nên lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm so với các năm trước, cây hoa sinh trưởng phát triển tốt. Nếu điều kiện thời tiết từ nay đến cuối năm thuận lợi, dự kiến cho sản lượng hoa cao, kịp thời phục vụ thị trường Tết Nguyên đán; ước cho thu lãi từ 20 đến 30 triệu đồng/sào.

Mô hình tưới phun tự động cho cây ăn quả với quy mô 6 héc-ta được triển khai tại các xã: Đức Hợp, Đồng Thanh (Kim Động), Đại Tập (Khoái Châu) đã đáp ứng đủ và kịp thời độ ẩm cho cây trồng phát triển tốt; hệ thống giúp tiết kiệm nước, tạo điều kiện cho cây trồng hấp thu dinh dưỡng, không gây rửa trôi, thoái hóa đất, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm sức lao động và chi phí nhân công, có thể kết hợp với bón phân cho cây trồng. Cây trồng được cung cấp nước đầy đủ và kịp thời vào các giai đoạn quan trọng nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại, năng suất, chất lượng, mã quả đẹp hơn so với ngoài mô hình, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Dự kiến năng suất cây ăn quả tăng khoảng 10-15% so với trước khi sử dụng phương pháp tưới phun tự động. Ngoài ra, mô hình là tiền đề để các đơn vị chuyên môn trong tỉnh xây dựng quy trình kỹ thuật trồng cây ăn quả và các cây trồng khác theo hướng công nghệ cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của tỉnh.

Cùng với các mô hình trên, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai mô hình thâm canh cây ăn quả VietGAP với quy mô thực hiện 65 héc-ta, tại 13 điểm triển khai (13 vùng sản xuất) nhằm phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả chủ lực của tỉnh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng. Việc tổ chức chứng nhận VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông sản của các tổ chức, cá nhân đã tạo điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Các mô hình khuyến nông được triển khai góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025. Đồng thời, nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả, hoa, cây cảnh an toàn, chất lượng cao theo chuỗi liên kết.

Tác giả bài viết: Báo Hưng Yên

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068