Ba Chẽ tập trung xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022

Ba Chẽ tập trung xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022

Với đặc thù là huyện miền núi có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 80%, dân số khu vực nông thôn chiếm 79%, vì vậy khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) gặp nhiều khó khăn so với các địa phương khác. Huyện đang tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2022. 

Ưu tiên phát triển sản phẩm chủ lực OCOP

Theo thống kê, Ba Chẽ hiện có 10 sản phẩm OCOP, thuộc các nhóm ngành như: Thực phẩm (30%), đồ uống có cồn (30%), đồ uống không cồn (30%). Đáng chú ý, có 1 sản phẩm 5 sao (trà hoa vàng khô) cùng 4 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm mới chưa tham gia đánh giá xếp hạng. Huyện Ba Chẽ chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng các sản phẩm hiện có, đồng thời hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới, thúc đẩy xúc tiến tiêu thụ thông qua các hình thức, các kênh tiêu thụ... Theo đó, Ban Chỉ đạo OCOP huyện phân công cán bộ hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách về tín dụng, thiết kế đổi mới bao bì, tem nhãn...

Trà hoa vàng Ba Chẽ đã được địa phương chú trọng xây dựng thương hiệu trong thời gian gần đây. Ảnh Phan Hải

Đồng thời, huyện thúc đẩy mạnh việc hỗ trợ hồ sơ thủ tục, hỗ trợ doanh nghiêp công bố chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, kết nối các doanh nghiệp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, đề cao việc hỗ trợ giới thiệu, thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia các kênh thương mại điện tử như sàn thương mại điện tử OCOP của tỉnh; trên các trang thương mại điện tử có tiếng, qua mạng xã hội facebook, zalo... Qua đó, các sản phẩm được tiêu thụ mạnh tiêu biểu như: Trà hoa vàng khô, bột trà mát-cha, ba kích khô, rượu ba kích...

Một trong những ưu tiên nhằm tăng sức quảng bá, cạnh tranh trên thị trường hiện tại là tập trung, khuyến khích đăng ký, phát triển các sản phẩm mới, sản phẩm thế mạnh của địa phương. Theo đó, hiện tại, đã có một tổ chức mới quy mô đầu tư trên 1 tỷ đồng, phát triển 2 đầu sản xuất mới là hoa Trà hoa vàng và bột lá Trà hoa vàng. Huyện đang hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và sản phẩm trong hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan chức năng thẩm định, công nhận. 

Sơ chế, phân loại Trà hoa vàng tại HTX dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ. Ảnh Phan Hải

Về sản phẩm chủ lực, huyện đang tập trung các nguồn lực hoàn chỉnh Dự án nâng cấp sản phẩm hoa Trà hoa vàng Ba Chẽ theo hướng liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm một cách bài bản quy mô. Các bước thực hiện gồm: Củng cố vùng nguyên liệu, phát triển vùng trồng liên kết với người dân, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cấp sản phẩm, củng cố hoạt động phân phối tiếp thị...

Thành viên HTX Trà hoa vàng Ba chẽ giới thiệu sản phẩm tới khách hàng. Ảnh Phan Hải

Huyện đã củng cố lập hồ sơ, mở rộng vườn giống; đầu tư nâng công suất nhân giống và chất lượng cây giống bằng hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới phun mù, thoát nước; định hướng và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản phẩm chủ lực thông qua liên kết với người dân. Ngoài phát triển vùng trồng, nâng diện tích Trà hoa vàng lên khoảng 209ha, rà soát các hộ trồng cây Trà hoa vàng trong huyện và các vùng lân cận, thành lập tổ hợp ký hợp đồng với Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh nhằm hỗ trợ về kỹ thuật, giống, vật tư đồng thời bao tiêu nguyên liệu.

Tập trung nâng cao chất lượng 5 tiêu chí với 18 chỉ tiêu đã đạt được 

Huyện xác định, chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với nâng chất tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Huyện ủy đã tăng cường công tác lãnh đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; đánh giá đúng thực trạng, tiềm năng lợi thế của từng xã, xác định cụ thể nhiệm vụ và đề xuất với tỉnh để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các tiêu chí, chỉ tiêu còn thiếu. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục chung tay thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường; tích cực phát triển sản xuất, xây dựng nếp sống mới, xây dựng thôn, bản văn hóa...

Đến nay 7/7 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 2 xã (Lương Mông, Minh Cầm) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến cuối tháng 1/2022, huyện đạt 5/9 tiêu chí (Thủy lợi; Điện; Kinh tế; An ninh trật tự - Hành chính công...), 18/27 chỉ tiêu. Để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới trong năm 2022, Ba Chẽ tập trung nâng cao chất lượng 5 tiêu chí với 18 chỉ tiêu đã đạt được; phấn đấu hoàn thành đạt 4 tiêu chí chưa đạt. Trong đó, tiếp tục rà soát, bổ sung các quy hoạch chi tiết đồng bộ với hệ thống quy hoạch chung, tổng thể vùng, phân vùng của tỉnh.

Những tuyến đường nông thôn mới được người dân Ba Chẽ chung tay xây dựng. 

Huyện Ba Chẽ đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân chuyển biến về nhận thức trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, trong trồng cây gỗ lớn bảo vệ môi trường; trồng, chế biến dược liệu quý nâng cao thu nhập. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất và chế biến lâm sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các cơ chế chính sách hiện hành trong phát triển kinh tế rừng; phấn đấu đạt chỉ tiêu năm 2022 trồng trên 1.100ha rừng gỗ lớn (cây lim, giổi, lát trên 500ha; cây bản địa khác đạt trên 600ha); trồng được ít nhất 60ha cây dược liệu, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm cho cây ba kích tím và trà hoa vàng, xây dựng thương hiệu OCOP cấp quốc gia.

Đối với tiêu chí môi trường và chất lượng môi trường sống, huyện tiếp tục nâng cao phong trào cải tạo, cảnh quan không gian sống khu vực nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, gắn với xây dựng các thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định trên 90%; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh được thu gom, vận chuyển và xử lý trên 80%; duy trì hiệu quả mô hình thu gom và phân loại rác thải tại hộ gia đình; 100% các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đủ điều kiện cấp giấy vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng về nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn đo lường, đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, công bố tiêu chuẩn và dán tem truy xuất nguồn gốc; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh cam kết Vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; rà soát 8 địa điểm xây dựng khu trung chuyển rác thải sinh hoạt và 346 vị trí đặt thùng rác công cộng 3 ngăn để phân loại rác tại nguồn trên địa bàn các xã, thị trấn...

Khu vực xử lý rác thải, chất thải trên địa bàn xã Nam Sơn. 

Thời gian qua, huyện tập trung mọi nguồn lực phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế, phấn đấu thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm; cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,42%, hộ cận nghèo còn 7,93% (theo chuẩn giai đoạn 2022-2025); tạo việc làm mới đạt 550 lao động trở lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 81%; nâng cao chất lượng hệ thống chăm sóc, khám chữa bệnh cho nhân dân, duy trì các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 95%, tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đạt trên 90%, tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt trên 40%;  51 giường bệnh/vạn dân, 11 bác sĩ/vạn dân...

Chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào các dân tộc thiểu số tại Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ.

Với sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, huyện Ba Chẽ tin tưởng vượt qua những khó khăn, thách thức, trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.

Tác giả bài viết: Tạp chí nông thôn mới

Nguồn tin: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhât)

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068