Mặc dù nhập khẩu lợn từ Thái Lan về nhưng giá lợn hơi trong nước vẫn cao, vậy nếu tiếp tục nhập khẩu, giá lợn hơi có được kéo giảm như mong muốn?
Lợn nhập khẩu chưa đủ sức hạ nhiệt giá lợn hơi
Cuối tuần qua, Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Thùy Dương Phát tại Đồng Nai đã nhập 500 con lợn thịt từ Thái Lan. Đây là lô lợn thịt nhập khẩu đầu tiên ở các tỉnh, thành phía Nam.
Sau khi cách ly 5 ngày và làm các xét nghiệm kiểm tra an toàn dịch bệnh theo quy định của thú y, lô lợn này sẽ được bán cho các thương lái cung cấp ra thị trường ở Đồng Nai và TP.HCM. Giá bán dự kiến trên dưới 80.000 đồng/kg lợn hơi. Doanh nghiệp này đang có kế hoạch nhập khẩu về khoảng 1.000 con lợn thịt trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Thùy Dương Phát cho biết, việc nhập khẩu lợn sống nhằm tạo thêm nguồn cung cho thị trường và góp phần bình ổn giá.
“Thị trường có 100 con lợn, giờ thêm 10 con nữa hay 20 con nữa thì thị trường tiêu dùng sẽ tốt hơn, còn tốt như thế nào thì thị trường sẽ phản ánh. Rất nhiều người chăn nuôi như tôi muốn giá lợn hơi của thị trường ổn định. Giá bấp bênh lên hay xuống thì người chăn nuôi gặp khó khăn, vì không định hình được tương lai thị trường sẽ như thế nào. Nuôi con lợn 4-5 tháng thì đến 5 tháng người ta mới biết có lời hay không nên người chăn nuôi rất cần giá lợn ổn định”, ông Nguyễn Hữu Thắng nói.
Lô lợn thịt 500 con của Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Thùy Dương Phát nhập từ Thái Lan.
Tuy nhiên, 500 con lợn nhập khẩu này cũng chưa đủ sức để hạ nhiệt giá lợn hơi hiện nay. Thực tế cho thấy, sau khi một số doanh nghiệp ở phía Bắc và phía Nam nhập khẩu lợn sống, lúc đầu giá lợn hơi có giảm, nhưng sau đó lại tăng.
Tại Đồng Nai, khoảng giữa tháng 6, giá lợn hơi đã giảm từ 94.000 đồng/kg xuống còn khoảng 85.000 đồng/kg, nhưng vài ngày sau lại tăng lên 92.000 – 94.000 đồng/kg và hiện giữ nguyên mức giá này. Còn tại các chợ truyền thống ở TP.HCM, giá thịt lợn không giảm hoặc giảm rất ít.
Chị Nguyễn Thị Phúc, bán thịt lợn ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh cho biết, giá thịt ba rọi hiện là 180.000 đồng/kg, thịt đùi 160.000 đồng/kg: “Nhập về 1 vài ngàn con hoặc 300-500 con/ngày thì thấm vào đâu, chỉ được 1-2 ngày thôi. Thịt lợn đã lên 20.000-30.000 đồng kg, khi nhập lợn sống về thì giảm không đáng kể, chỉ 1-2 ngàn đồng/kg”.
Doanh nghiệp gặp khó khi giá lợn hơi nhập về đang tăng
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, hiện nay giá lợn hơi không giảm mà tăng trở lại là do nguồn cung trong nước đang hạn chế, trong khi số lượng lợn sống nhập khẩu về rất ít. Bên cạnh đó, giá lợn hơi ở Thái Lan cũng đã tăng lên gần 70.000 đồng/kg, nếu cộng chi phí, 1kg lợn hơi về tới Việt Nam khoảng 80.000 đồng, chưa kể hao hụt trong quá trình vận chuyển. Vì vậy, lợi nhuận chưa hấp dẫn để nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu lợn sống.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Nguồn cung của Thái Lan cũng hạn chế. Trong 5 triệu con lợn Việt Nam nhập về, nhu cầu thu mua nhiều giá chắc chắn tăng. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam để thu mua lợn đưa về Trung Quốc nên giá đang tăng, doanh nghiệp Việt Nam cũng khó thu gom đủ lượng lợn đưa về đáp ứng cho thị trường trong nước”.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thịt lợn, giá lợn hơi ở Trung Quốc hiện là 120.000 đồng/kg, nước này cũng đang thiếu nguồn cung và phải nhập khẩu từ Thái Lan, cho nên giá lợn hơi tại Thái Lan cũng đang tăng. Các doanh nghiệp này cho rằng, việc nhập khẩu lợn sống góp phần tăng thêm nguồn cung cho thị trường, nhưng chỉ giải quyết 1 phần chứ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì vậy giá lợn hơi chưa thể giảm như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại và dịch vụ Thùy Dương Phát kiểm tra lô lợn mới nhập.
Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho rằng, giá lợn hơi thời gian tới khó dự đoán, trước mắt có thể vẫn ở mức cao: “Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, giá lợn sẽ ở mức giá cao và qua năm sau giá sẽ giảm dần, cuối năm 2021 giá mới xuống tương đối thấp một chút”.
Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, nếu việc tái đàn sắp tới không thuận lợi và người tiêu dùng vẫn giữ thói quen dùng thịt lợn nóng thì có thể doanh nghiệp sẽ phải nhập khẩu lợn nóng từ Thái Lan về.
Theo ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình, vùng Đông bắc của Thái Lan tập trung chăn nuôi lớn, chỉ cách Việt Nam khoảng 400 km, các doanh nghiệp có thể sẽ tìm cách vận chuyển lợn nóng về các chợ đầu mối của TP. HCM tiêu thụ: “Người ta có thể nhập lợn nóng từ Thái Lan qua bán ở đầu mối TP.HCM. Khoảng 6h chiều họ bắt lợn mổ, nhà máy hiện đại thì mổ chỉ khoảng 1h, đến 7h tối đưa lên xe đi qua cửa khẩu Tà Keo, Campuchia, chạy tới Mộc Bài tới TP. HCM khoảng 1h sáng”.
Việc nhập khẩu lợn sống được xem là biện pháp tăng thêm nguồn cung trong nước, góp phần “hạ nhiệt” giá lợn hơi, song giải pháp căn cơ, ổn định lâu dài là tái đàn và thay đổi thói quen tiêu dùng. Tuy nhiên, việc tái đàn hiện nay còn nhiều khó khăn do thiếu nguồn cung con giống và nguy cơ tái phát dịch tả lợn Châu Phi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây chính là những thách thức không nhỏ đối với ngành chăn nuôi trong nước./.
Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)
Nguồn tin: Theo VOV.VN
VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN
Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên
Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068