Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (Bài 2: Giải pháp để phát triển bền vững)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Bài 2: Giải pháp để phát triển bền vững

 

Những hạn chế cần vượt qua


Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hàng năm tổng giá trị sản lượng và năng suất lao động nông nghiệp của tỉnh duy trì tăng trưởng. Năm 2020, sản lượng lương thực cây có hạt đạt 394 nghìn tấn; chăn nuôi đạt 37 nghìn con trâu, bò, 460 nghìn con lợn, 9,6 triệu con gia cầm, 141,7 nghìn tấn thịt hơi xuất chuồng, sản lượng thủy sản đạt 48,4 nghìn tấn; tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong nông nghiệp đạt 55,5%. Giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân đạt 2,87%/năm. Sản xuất nông nghiệp đạt tăng trưởng khá đã tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân; tăng trưởng nông nghiệp đã cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho đời đời sống dân sinh; đồng thời từng bước thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
 

Nuôi thả thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện Ân Thi

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp (CCKTNN) đã có nhiều tác động tích cực, song sản xuất nông nghiệp quy mô còn nhỏ và phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất chưa cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất còn thấp; công tác khuyến nông, tích tụ ruộng đất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thiết bị công nghệ mới vào sản xuất còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định; nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu; chất lượng quy hoạch chưa thực sự hợp lý. Việc phát triển các thành phần kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; doanh nghiệp tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn nhưng quy mô còn nhỏ, chủ yếu là hoạt động dịch vụ. Chính sách thu hút đầu tư đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa hiệu quả, còn nhiều rào cản nên chưa hấp dẫn được nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất. Các mô hình hợp tác, cánh đồng quy mô lớn, liên kết trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu chặt chẽ, nhất là liên kết “4 nhà”. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhiều nơi đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, nhất là cứng hóa hệ thống giao thông và thủy lợi nội đồng. Ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, chậm được khắc phục, nhất là khu vực làng nghề và các hộ chăn nuôi quy mô lớn trong khu dân cư...


Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách


Để hoạt động chuyển dịch CCKTNN đạt hiệu quả cao hơn, đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo định hướng tổ chức không gian phát triển của các vùng phù hợp với thực tiễn sản xuất. Vùng phía Bắc bao gồm các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu và thị xã Mỹ Hào tập trung phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết gắn với du lịch, dịch vụ. Vùng phía Nam gồm các huyện Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên phát triển vùng lúa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi thả thủy sản công nghệ cao theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp và các quy hoạch phát triển ngành vào quy hoạch chung của tỉnh. Trên cơ sở đó hình thành những vùng sản xuất chuyên canh và thâm canh cây trồng, vật nuôi có chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, có sức cạnh tranh cao. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch ngành, lĩnh vực với quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội.


Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, cụ thể hóa và hướng dẫn đầy đủ, đồng bộ cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; rà soát và ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nhất là các cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, đào tạo nghề... tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; mở rộng các hình thức hợp tác công - tư để phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn. Đổi mới, đa dạng hóa các nguồn cung cấp tín dụng, cơ chế, thủ tục để nông dân và các thành phần kinh tế tiếp cận thuận lợi; thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách của tỉnh về khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.


Đối với chính sách về phát triển thị trường, cần nâng cao trình độ dự báo, tiếp thị thị trường đối với từng loại sản phẩm, để định hướng cho nông dân sản xuất về quy mô, chất lượng và tốc độ phát triển cho từng loại nông sản. Mở rộng và phát triển giao lưu hàng hoá cũng như các hoạt động thương mại ở nông thôn, nhằm từng bước xác lập mối liên kết và quan hệ lâu dài giữa sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Phát huy vai trò quản lý nhà nước thông qua việc xây dựng và thiết lập các chính sách kinh tế, khuyến khích sản xuất nông sản như chính sách kinh tế nông thôn; chính sách bảo trợ, bảo hiểm đối với sản xuất nông nghiệp.


Hạ tầng nông nghiệp và nguồn nhân lực là những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch CCKTNN, do vậy, trong thời gian tới cần quan tâm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, mở rộng diện tích tưới cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước chủ động cho diện tích nuôi thả thủy sản. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, úng; chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu. Có chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao làm việc trong ngành nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là lực lượng cán bộ trực tiếp thực hiện ở cơ sở. Tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương, từng vùng và sát với nhu cầu, gắn với giải quyết việc làm.


Đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Ưu tiên nâng cấp và xây dựng mới hệ thống thủy lợi đồng bộ, đi đôi với đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý để bảo đảm an toàn nguồn nước; nâng cấp các hệ thống cảnh báo, chủ động phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường nước. Tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết; hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống để khai thác tiềm năng kinh tế của các địa phương, phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng CNH-HĐH. Có chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của mọi thành phần kinh tế vào phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhật)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068