Thành phố Hưng Yên - Miền cổ tích

Thành phố Hưng Yên - Miền cổ tích

1. Những thăng trầm của vùng đất “Tiểu Kinh đô”.


Hưng Yên vốn là vùng đất phù sa cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, được kiến tạo, hình thành từ hàng vạn năm về trước. Thời Hùng Vương, Hưng Yên thuộc bộ Giao Chỉ, huyện Chu Diên. Thời Ngô gọi là Châu Đằng. Thời Tiền Lê đổi làm phủ Thái Bình. Đời Lý gọi là Châu Đằng, Châu Khoái. Sang thời nhà Trần đặt là lộ Long Hưng và lộ Khoái. Thời Hậu Lê thuộc trấn Sơn Nam, sau lại chia làm hai lộ là Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Thời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ XII (1831) thi hành cải cách hành chính bỏ các trấn, lập ra các tỉnh, tách năm huyện: Đông Yên, Kim Động, Thiên Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ thuộc phủ Khoái Châu của trấn Sơn Nam Thượng và ba huyện Thần Khê, Duyên Hà, Hưng Nhân thuộc phủ Tiên Hưng của trấn Nam Định, trấn Sơn Nam Hạ đặt làm tỉnh Hưng Yên. Tỉnh lỵ lúc đầu đóng ở hai xã An Vũ và Lương Điền, sau chuyển về bãi Nhị Tân, xã Xích Đằng (thành phố Hưng Yên ngày nay). Nơi đây giao thông thủy, bộ thuận tiện, thôn làng bến chợ tiếp nhau, việc mua bán ngày đêm tấp nập. 
 

Thành phố Hưng Yên hôm nay

Thành phố Hưng Yên hôm nay


Từ thời Hùng Vương dựng nước, cư dân nơi đây đã biết trồng lúa nước, đánh cá, nuôi tằm, dệt vải, trồng cây thuốc nam chữa bệnh… Là cư dân thuần Việt, đời nối đời định cư sinh sống trên vùng đất ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ nên đã định hình những phong tục tập quán, tâm lý, tính cách của người Hưng Yên và tích tụ trong lòng nó cả một bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa. 


Đầu thế kỷ XIII, nơi đây trở thành một thương cảng vô cùng nhộn nhịp với “thượng chí tam đằng, hạ chí tam hoa” tức Xích Đằng, Đằng Châu, Đằng Man và Hoa Điền, Hoa Cái, Hoa Dương. Đến thế kỷ XVII, dưới thời Lê - Trịnh, nơi đây trở thành Phố Hiến với cảng sông vạn lai triều, tấp nập tàu thuyền ngoại quốc ra vào buôn bán. Bia chùa Hiến dựng năm Vĩnh Tộ thứ VII (1625) có ghi: “Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Tràng An dã” (Phố Hiến là tiểu Tràng An bốn phương hội tụ). 


So với Kinh kỳ, Phố Hiến không chỉ đóng vai trò phục vụ thị trường nội địa mà còn là một cửa khẩu. Vào ba thập kỷ đầu thế kỷ XVII, nhiều chu ấn thuyền Nhật Bản đã cập bến Phố Hiến. Người Hoa có mặt ở đây rất sớm, từ các tỉnh miền Nam Trung Quốc, đông nhất là Phúc Kiến. Họ vừa buôn bán, vừa làm môi giới cho thuyền buôn nước ngoài. Đối với Đàng Trong, Phố Hiến cũng là trung tâm vận chuyển hàng hóa cho vùng Thuận - Quảng, bất chấp sự cấm đoán của chính quyền phong kiến Lê - Trịnh. 


Đất đai phì nhiêu, con người cần cù, thuần hậu, xóm làng mọc lên ngày càng nhiều. Cánh đồng lúa thay bãi sú vẹt, thú dữ nhường chỗ cho gia cầm. Ngay trong thành phố Hưng Yên (nay nằm trên đường Tô Hiệu) có cửa Càn - tức cửa Trời (dân gian hay gọi là cửa Gàn) bao trùm cả vùng cửa sông Luộc, sóng nước mênh mang, thuyền bè qua lại thường bị đắm, dân chài đều khiếp sợ. Lịch sử đã ghi lại những trận lũ kinh hoàng tính từ năm 1806 đến 1898 nơi đây đã có 39 năm vỡ đê (theo Đại Nam nhất thống chí; Đại Nam thực lục chính biên của quốc sử quán triều Nguyễn). Tại cửa Càn (Gàn) nhiều xác người trôi dạt tấp tại đây. Chính vì vậy mà cư dân nơi đây đã lập nên một ngôi miếu nhỏ để thờ cúng các vị thần linh, mong các vị phù hộ độ trì cho thuyền bè và dân chúng quanh vùng. 


Vào năm 1747, bão lớn, nước lũ dâng cao, có một cây gỗ lim khổng lồ trôi từ đầu nguồn về theo dòng xoáy tại cửa Càn không chịu trôi ra biển. Nhân dân nhiều làng ra kéo lên nhưng không được, chỉ dân làng An Vũ xin các quan tại miếu mới đem được cây gỗ lim lên, sau đó các chức sắc trong làng An Vũ, tổng An Tảo, huyện Kim Động (nay là phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên) xin phép thần linh để điều động trai tráng xẻ gỗ làm thành ba gian nhà trong và năm gian nhà ngoài rồi sau đó xin được chuyển các quan thờ tại miếu ngoài đê về đền và từ đó dân làng nơi đây gọi là Đền quan Bách Linh (thờ 100 vị thần của 100 dòng họ). Ngôi Đền này được xây theo kiểu chữ đinh, ba gian ngoài kiến trúc theo kiểu trồng giường, chạm khắc hình đồng tiền và long, ly, quy, phượng; ba gian hậu cung thờ quan Bách Linh. Phía Tây Bắc có cổng cao to, hai tầng, tám mái cổ kính. Đền có 1 mẫu 2 sào đất giao cho một vị trong làng (dân làng thường gọi là ông Mục) để canh tác, hàng ngày hương đăng thờ phụng. Hàng năm, cứ vào ngày mồng 3 tháng Chạp âm lịch, dân làng An Vũ lập đàn để tế các quan và các vong linh đã trôi dạt về đây, để cầu mong một năm mới bình an, mùa màng bội thu, buôn bán phát đạt. Đứng đầu lễ tế đàn đều là các vị quan đầu tỉnh và các vị bô lão trong làng. Vì vậy, dân làng nơi đây còn gọi Đền quan Bách Linh là đàn Âm Hồn. 


Sau khi tái lập tỉnh, trục đường Tô Hiệu được nâng cấp và xây dựng một trạm bơm, công nhân xây dựng đường và trạm bơm đã bốc được gần một nghìn chiếc tiểu, họ đã làm lễ để chuyển về chôn tại chùa Diều. Theo như lời các cụ cao niên kể lại thì đây chỉ là một phần rất nhỏ, còn phần lớn các tiểu vẫn còn nằm sâu dưới lòng đất theo trục đường Tô Hiệu và làng An Vũ ngày nay. 


2. Thử giải mã những bí ẩn của Đền quan Bách Linh và đàn Âm Hồn.


Có thể nói Đền quan Bách Linh và đàn Âm Hồn một thời đã từng là một địa điểm tâm linh nổi tiếng của vùng đất Hưng Yên cổ và Phố Hiến xưa. Bản thân hai xã An Vũ và Lương Điền đã từng là tỉnh lỵ của trấn Sơn Nam Hạ thời Hậu Lê và thời Nguyễn năm Minh Mệnh thứ XII (1831). Làng An Vũ cũng có thể được coi là một làng cổ có từ thời vua Hùng, chứng tích đó là Đình An Vũ (được xây dựng trên khuôn viên rộng 3135m2 tại khu phố An Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên ngày nay). Đây là vọng gác tiền tiêu của Phố Hiến xưa. Đình thờ Cao Sơn Đại Dương được nhân dân truyền gọi là ông thần Vàng. Thần có tên là Nguyễn Hiền, người xã Thanh Uyên, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Ông là danh tướng thời vua Hùng Duệ Vương, đã cùng Tản Viên Sơn Thánh kết nghĩa anh em. Hai ông cùng phò giúp vua Hùng đánh thắng quân Thục xâm lược, giành độc lập cho dân tộc. Sau khi mất, ông được dân làng An Vũ tôn làm Thành Hoàng của làng và xây đình để ngàn năm thờ phụng. 


Qua tìm hiểu tại Việt Nam có hai ngôi đền có tên gọi là Đền quan Bách Linh. Ngôi đền thứ nhất là một ngôi đền cổ nằm ở thôn Dư Xá Thượng, xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa (thành phố Hà Nội), là nơi thờ Đinh Tiên Hoàng đế và 100 vị thần của 47 xã thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam Hạ trước đây, nay là các huyện Ứng Hòa và Mỹ Đức phía Nam Hà Nội. Tên của các vị thần được ghi trong các bia đá cổ hiện lưu giữ tại đền. Ngôi đền thứ hai là nằm tại thôn An Vũ (nay thuộc đường Tô Hiệu, thành phố Hưng Yên) cũng thờ 100 vị quan của 100 dòng họ Việt. Vậy giữa hai ngôi đền này có mối liên hệ gì với nhau không vẫn còn là một điều bí ẩn mà các nhà sử học cần tiếp tục nghiên cứu. Nhưng trong lịch sử đã ghi lại trên vùng đất Hưng Yên xưa, năm 214 TCN, quân Tần xâm lược Âu Lạc, nhân dân địa phương đã sát cánh chiến đấu trong đội quân của Trương Bảo (Triều Dương, Tiên Lữ). Một ngàn năm Bắc thuộc, nhân dân Hưng Yên đã nung nấu ý chí căm thù. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống ách thống trị của nhà Đông Hán, trong đội ngũ các tướng lĩnh có mặt nhiều vị tướng ở Hưng Yên, trong đó có nữ tướng Trần Thị Mã Châu (thành phố Hưng Yên), Trần Lữu (Đào Đặng, thành phố Hưng Yên). Đất nước giành quyền tự chủ, nhà Nam Hán nhăm nhe xâm lược, năm 938, Ngô Quyền đóng đại bản doanh tại phố Vương (Phố Giác, Tiên Lữ) chuẩn bị chống giặc. Một tướng giỏi là Phạm Bạch Hổ, Hào trưởng đất Đằng Châu, đem 1000 quân đến hợp binh giúp sức. Chính Phạm Bạch Hổ đã đem quân về Đại La giết chết Kiều Công Tiễn (bố vợ Ngô Quyền, người đã cầu viện quân Nam Hán xâm lược). Trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy, chủ tướng giặc là Hoằng Thao chết đuối là có sự phối hợp tác chiến của tướng quân Phạm Bạch Hổ. Chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng đã mở ra một kỷ nguyên độc lập cho nước Việt Nam. Ngô vương phong ông làm châu mục Đằng Châu (vùng Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, thành phố Hưng Yên ngày nay). Rồi phong ông chức Phòng Át Tướng công, trấn giữ toàn cõi Hải Đông (khu vực Nam Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh ngày nay). Năm 944, Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi của con trai cả Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập, Phạm Bạch Hổ đã gả con gái là Phạm Thị Ngọc Dung cho Ngô Xương Ngập. Sau khi Dương Tam Kha bị lật đổ, ông phò giúp cho sự nghiệp của Ngô Xương Văn, tức Nam Tấn Vương - hậu Ngô vương. Năm 965 khi hậu Ngô vương mất, các hào kiệt cả nước cùng nổi lên cát cứ, Phạm Bạch Hổ đã trấn giữ vùng cửa biển sông Hồng, cửa ngõ quan trọng vào Đại La, cai quản một vùng đất đai rộng lớn, giúp nhân dân khai khẩn đất hoang, đất bồi để sản xuất nông nghiệp. Phạm Bạch Hổ là thủ lĩnh một trong 12 sứ quân cát cứ vùng Đằng Châu lúc bấy giờ. Khi Đinh Bộ Lĩnh phất cờ tụ nghĩa, dẹp loạn 12 sứ quân, đầu năm 966 ông là sứ quân đầu tiên quy thuận và hợp tác với Đinh Bộ Lĩnh và được vua Đinh phong làm Thân vệ Đại tướng quân, có công đầu trong việc giúp vua Đinh chỉ trong một năm (967) dẹp được loạn 12 sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt với triều Đinh (968-980). Ông là một trong những vị tướng tài có công lớn và được trọng dụng cả hai triều đại Ngô và Đinh. Hiện tại trên đất Hưng Yên có rất nhiều di tích thờ phụng nhà Đinh (17 di tích) trong đó thành phố Hưng Yên có hai di tích, một là Đền Kim Đằng tại Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) thờ tướng Đinh Điền và phu nhân Phan Thị Môi Nương. Theo cuốn Đại Nam nhất thống chí: Tướng quân Đinh Điền là con nuôi của Đinh Công Trứ (thân phụ Đinh Bộ Lĩnh). Từ thủa nhỏ ông đã làm bạn “cờ lau tập trận” với Đinh Bộ Lĩnh. Khi đã trở thành Vạn Thắng vương, Đinh Bộ Lĩnh giao cho Đinh Điền chỉ huy 10 đạo quân đi thu phục các sứ quân khác. Và ông cũng là vị tướng có công lớn trong việc giúp Đinh Bộ Lĩnh thu phục được sứ quân của Phạm Phòng Át. Khi đến trang Đằng Man (nay là thôn Kim Đằng, phường Lam Sơn) thấy địa thế đẹp “thanh long Bạch hổ chầu về” ông liền cho dựng đại bản doanh và chọn ba người họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn ở trang Đằng Man làm gia tướng và chọn người con gái họ Phan, tên Phan Thị Môi Nương làm vợ. Phu nhân tướng quân Đinh Điền cũng đã nhiều lần tham gia đánh giặc cùng chồng. Bà là con gái của trang Đằng Man đã có công lớn cùng chồng giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, xét công lao phong Đinh Điền làm Đại tư đồ cùng coi quốc sự. Sau khi vua Đinh mất, con trai Đinh Liễu bị sát hại, thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên thay làm vua, lập ra triều đại mới, triều Tiền Lê. Đinh Điền không phục, ông đã cùng một số danh tướng khác khởi binh nhưng không thành. Ông cùng vợ lui về ở ẩn tại trang Đằng Man và mất tại đó. Nhân dân Đằng Man nhớ ơn đã lập đền thờ trên nền doanh trại. Đền ngoài thờ vợ chồng Tướng quân Đinh Điền, còn phối thờ ba gia tướng họ Phan, họ Phạm và họ Nguyễn của Đinh Điền. Di tích thứ hai là Đình Phương Cái (Hồng Châu, thành phố Hưng Yên), thờ Phan Cương - vị tướng có công dẹp loạn 12 sứ quân. 


Về tên gọi đàn Âm Hồn thì trên đất nước Việt Nam cũng có hai nơi lập đàn để tế các oan hồn uổng tử. Một là đàn Âm Hồn ở cố đô Huế, liên quan đến một giai đoạn lịch sử bi tráng của dân tộc. Đàn Âm Hồn là một trong ba công trình phục vụ tế lễ do nhà Nguyễn lập ra: Đàn Nam giao để tế trời, đàn Xã tắc để tế đất và đàn Âm hồn để tế vong hồn những người hy sinh vì nước trong ngày kinh thành Huế thất thủ. 


Còn Đàn Âm Hồn thứ hai là nằm trong hệ thống thờ phụng, tế lễ tại Đền quan Bách Linh, thành phố Hưng Yên vào dịp mồng 3 tháng Chạp âm lịch hàng năm. Chủ yếu lễ tế này dành cho các oan hồn uổng tử đã bỏ xác vì chiến tranh, vì lật thuyền, vì lũ lụt… trôi dạt về cửa Càn. Mong cho các hương linh sau buổi lễ này được siêu thoát và phù hộ cho dân làng một năm mới bình an, mùa màng bội thu, buôn bán phát đạt. 


Hai Đàn tế dù những người được tế là khác nhau nhưng đều là một tập tục thể hiện tính nhân văn, nhân đạo rộng lớn và nghĩa cử hết sức cao đẹp của người dân Huế, người dân Phố Hiến nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Mặc dù việc cúng cô hồn là một phong tục dân gian của dân tộc Việt từ ngàn xưa cho đến bây giờ, nhưng để trở thành một đàn tế mà người đứng đầu tế lễ là các quan đầu tỉnh thì có lẽ chỉ có ở Huế và Phố Hiến. Có thể nói xưa kia khu vực Phố Hiến (thế kỷ XVI-XVII) và ngày nay là thành phố Hưng Yên đã từng là sở, lỵ của trấn Sơn Nam, một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam với hoạt động giao thương nhộn nhịp. Khi sông Hồng đổi dòng cùng với những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến không còn là một thương cảng, trung tâm thương nghiệp nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn đậm nét trong các công trình kiến trúc, những tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư nơi đây. Được biết, đến nay thành phố Hưng Yên còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có một khu di tích quốc gia đặc biệt với 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh), gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Điều đặc biệt là các di tích phân bổ ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo thể hiện một thời kỳ phát triển rực rỡ, là di sản vô giá trong kho tàng văn hóa nhân loại, đồng thời cũng là sản phẩm độc đáo của du lịch văn hóa, tâm linh. Với những giá trị đặc biệt đó, ngày 31.12.2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2408/QĐ-TTg, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích Phố Hiến.


Ngược dòng lịch sử, qua nghiên cứu, tìm hiểu trong dân gian và tên gọi của Đền quan Bách Linh, với những hiểu biết còn hạn hẹp của mình, tác giả thiết nghĩ ngôi đền này cũng có những giá trị lịch sử xứng tầm với những di tích còn hiện hữu đến ngày hôm nay. Chỉ tiếc thời gian và những biến cố của lịch sử, các dấu tích của ngôi đền không còn được lưu giữ nguyên vẹn. Nhưng với lòng thành kính của người dân làng An Vũ qua nhiều thế hệ bởi ngôi đền nổi tiếng linh thiêng, đặc biệt Đàn tế Âm Hồn vẫn được bảo lưu và diễn ra hàng năm tại đây đã chứng tỏ sức sống trường tồn của nó. Nếu ngôi đền này cùng với đàn tế tiếp tục được nhân dân địa phương và các cấp chính quyền quan tâm bảo tồn, phát huy thì ngôi đền này cũng có thể trở thành một địa điểm du lịch văn hóa tâm linh có giá trị của quần thể di tích Phố Hiến. 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: baohungyen.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068